Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam: “Vùng sâu” giữa hai đầu thành phố!

28/11/2021 - 06:56

PNO - Trong thời kỳ sốt đất của thập niên 2010, phía đông bắc tỉnh Quảng Nam, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc rộng khoảng 2.700ha đã được quy hoạch. Dự án chạy dài từ TP. Đà Nẵng (phía bắc) đến TP. Hội An (phía nam). Thế nhưng đến nay, sau 16 - 17 năm, quy hoạch này đang biến khu vực trở thành… vùng sâu, vùng xa nằm giữa hai thành phố.

Giữa đô thị mới mà cứ ngỡ vùng xa!

Khu đất 2.700ha được lựa chọn quy hoạch phát triển khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc thuộc các phường Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; phía bắc giáp TP. Đà Nẵng, phía nam giáp TP. Hội An, phía đông ôm con sông Cổ Cò chạy ra đến biển, phía tây giáp trục đường liên thành phố Đà Nẵng - Hội An. Với một vị trí như vậy, có thể nói đây là một khu đô thị “vàng”. Thế nhưng, sau mươi mười lăm năm, đến nay khu đô thị mới ấy vẫn ngổn ngang.

Hàng loạt dự án của Công ty cổ phần Bách Đạt An bỏ hoang nhiều năm nay. Công ty này có nhiều  vi phạm, gây khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại Quảng Nam (ảnh chụp tại P.Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn)
Hàng loạt dự án của Công ty cổ phần Bách Đạt An bỏ hoang nhiều năm nay. Công ty này có nhiều vi phạm, gây khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại Quảng Nam (ảnh chụp tại P. Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn)

Từ núi Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) chạy theo đường Lê Văn Hiến xuống TP. Hội An, ngang qua thị xã Điện Bàn, rẽ trái trên những con đường ngoằn ngoèo đầy ổ voi, ổ gà, sẽ thấy các dự án bất động sản - các khu đô thị “con” nằm xen kẽ trong các thôn xóm lâu đời.

Giai đoạn 2017 - 2019, nơi đây “cò đất” lượn lờ tấp nập, còn giờ đây “cò” lặn mất tăm. Tiếng là khu đô thị nhưng nhà cửa chẳng thấy mọc lên, chỉ thấy cỏ mọc um tùm. Từng đàn bò, đàn dê đang nhởn nhơ gặm cỏ. Nhiều “khu đô thị” nước bẩn ngập lênh láng. Còn những ngôi làng cũ vẫn như xưa, đời sống không có gì thay đổi. Con đường liên xã đi từ P. Điện Dương lên P. Điện Nam Trung bị băm nát đầy ổ voi, ổ gà.

Thấy chúng tôi ghi lại hình ảnh đường sá, ông Nguyễn Tuấn, ở khối 5, P. Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, đến trút nỗi bực tức bấy lâu: “Bao năm nay, xe chở vật liệu san lấp cày nát bươm con đường liên xã này. Dân chúng tôi hứng chịu bao đau khổ, trước đây thì hứng bụi mịt mù, nay thì hứng ngập. Dự án họ làm xong, bán hết, rồi rút đi. Đường sá hư hỏng thì bị vứt lại đó, người đi đường bị tai nạn liên tục. Mấy ngày trước tôi cũng vừa bị té trầy cả mặt đây” - ông Tuấn đưa mặt cho chúng tôi xem. Vết xước trên mặt ông vẫn chưa lành hẳn.

Anh Trương Văn Phú, một cư dân ở cùng khối với ông Tuấn, than thở: “Khổ nhất là mấy đứa nhỏ, đi học về té hoài. Dân chúng tôi ở trong “khu đô thị mới” mà như ở vùng sâu, vùng xa. Họp hành dân kêu miết nhưng không thấy động thái gì!”.

Từ đường ĐT 607 (nối Đà Nẵng - Hội An) vào khối 5, P.Điện Nam Trung khoảng 1km, chính quyền đã làm một con đường nhựa mới phẳng lì. Và cuối con đường mới ấy vẫn là con đường đau khổ mà người dân hằng ngày qua lại. Cô Võ Thị Dung, cư dân tại khu vực này, than: “Nhà tôi bán bún. Đường sá hư hỏng nặng bao năm nay khiến việc buôn bán của tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Nắng thì bụi không mở mắt ra được, mưa thì nước bắn tung tóe. Đám trẻ con đi học qua đoạn này bị tai nạn miết. Có đứa té gãy răng, có đứa thì áo dài rơi xuống (do đường xóc nảy) bị xe quấn rách… Ý kiến thì chính quyền bảo phía chủ các dự án sẽ làm, nhưng chờ miết chả thấy ai làm”.

Người dân khối 5, P.Điện Nam Trung khốn khổ nhiều năm nay vì đường sá bị xe tải san lấp mặt bằng băm nát
Người dân khối 5, P. Điện Nam Trung khốn khổ nhiều năm nay vì đường sá bị xe tải san lấp mặt bằng băm nát

Ông Huỳnh Bá Hậu - Chủ tịch UBND P. Điện Nam Trung - xác nhận nỗi khổ của người dân: “Đường sá hư hỏng nặng và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bà con. Vừa rồi trong kỳ họp HĐND thị xã Điện Bàn, phường có đề nghị vấn đề này”. 

Nằm lọt thỏm trong khu đô thị River View - khu đô thị gồm năm phân khu, do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Dương làm chủ đầu tư, nhà anh Trương Văn Sang (tổ 11, khối Hà My Trung, P. Điện Dương) cùng nhà bên cạnh đang bị vây ép bởi công trình thi công dang dở.

Anh Sang cho biết: “Ngày trước họ đền bù đất nông nghiệp thì mình cũng chấp nhận. Nhưng đến cái nhà, họ tự xuống thương lượng và đưa ra mức đền quá thấp, tiền đền bù nhà mà không đủ mua đất, nên tôi không đồng ý. Họ lấp đất làm dự án khiến nhà tôi bị bao quanh và nước vào ngập đến bàn thờ. Để chống ngập, tôi làm cái nhà sàn ở đầu hồi cho vợ con ở mỗi khi trời mưa. Họ ép phải đi, nhưng tôi sẽ ở đây đến khi nào công bằng được giải quyết”.

Theo anh Sang, thanh tra của thị xã và tỉnh đã về làm việc với gia đình anh về những vấn đề liên quan đến dự án và phát hiện chữ ký thời kỳ đền bù đất lúa không phải là chữ ký của anh, và anh cũng chưa từng ký vào biên bản nhận tiền đền bù.

Nhiều vi phạm đang chờ xử lý

Không riêng gì dự án khu đô thị River View mà có tới 23 dự án vi phạm nghiêm trọng. Theo kết quả thanh tra của UBND thị xã Điện Bàn vào tháng 7 vừa qua thì các chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng, triển khai xây dựng các dự án khi chưa có các quyết định thu hồi đất, giao đất, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, làm mất hiện trạng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất của các hộ sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê.

Việc này dẫn đến hội đồng thẩm định không thể kiểm tra thực tế nên không thể thẩm định phương án bồi thường và tái định cư. Trong 23 dự án vi phạm, nhiều chủ đầu tư đã thâu tóm nhiều dự án như Công ty cổ phần Bách Đạt An, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ An Dương, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Điện Bàn, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam…

Sai phạm của các chủ đầu tư là quá rõ, nhưng không biết Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Giải phóng mặt bằng thị xã Điện Bàn có biết hay không mà không thông báo, ngăn chặn. Đồng thời, UBND các xã, phường Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung, Điện Thắng Trung cũng chưa quản lý, để chủ đầu tư các dự án ngang nhiên triển khai thi công.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - cho biết thanh tra thị xã đã hoàn thiện thanh tra 8 trong 23 dự án, đồng thời đang tiếp tục thanh tra 15 dự án còn lại. Hiện nay, thanh tra tỉnh đang rà soát lại báo cáo kết quả thanh tra 8 dự án. Khi nào có kết luận của tỉnh thì mới tiến hành xử lý hậu quả cũng như xử lý trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân liên quan.

Ông cũng thừa nhận việc doanh nghiệp “đi đêm” để thương thảo đền bù trực tiếp với dân đã gây tình trạng khó khăn trong việc đền bù. “Mới đây, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ dự án bất động sản trên địa bàn thị xã. Chúng tôi sẽ rà lại toàn bộ, có báo cáo tổng hợp và đưa ra các hướng xử lý cụ thể” - ông Hà cho hay. 

Từ năm 2017, do có sự điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 của tỉnh, do hiện trạng khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc quá ngổn ngang: các dự án mới xen cài trong các khu dân cư cũ theo kiểu “da beo”, hạ tầng kỹ thuật dang dở, chưa điều chỉnh khớp nối gây ngập úng trong khu vực… do triển khai xây dựng các dự án khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng… nên toàn bộ dự án ở khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc buộc phải dừng lại để rà soát, cập nhật, điều chỉnh ranh giới quy hoạch và khớp nối hạ tầng. Thế nhưng trên thực tế, các dự án vẫn mạnh ai nấy làm.

Lê Đình Dũng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI