Không yên tâm khi con sống với bố dượng

21/11/2020 - 05:38

PNO - Cháu đầy ba tuổi thì chúng em ly hôn. Khi ra tòa em nhường quyền nuôi con cho vợ, em ra đi hai bàn tay trắng và làm lại từ đầu.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em lấy vợ năm 2012, được một cháu trai. Cháu đầy ba tuổi thì chúng em ly hôn. Khi ra tòa em nhường quyền nuôi con cho vợ, em ra đi hai bàn tay trắng và làm lại từ đầu. Khi đó vợ chồng cũng có ít vốn, em để lại cho vợ nuôi con. Sau ly hôn, em vẫn tới lui thăm con, cũng mua cho con cái này cái kia, và cho con tiền. 

Đến giờ cháu đã được bảy tuổi, vẫn ở với mẹ tại Bình Dương. Mẹ cháu đã lấy chồng mới và sinh thêm con. Kinh tế của cô ấy cũng khá, còn em cũng đã mua được nhà Sài Gòn và đang sống một mình. Vừa rồi em xuống nói chuyện với mẹ cháu là: "Giờ em đã có gia đình mới, anh cũng có chỗ ở ổn định. Anh muốn ở vậy nuôi con, xin em cho anh đón con về ở với anh. Hai bố con ở với nhau, cũng tốt cho con, và em có thời gian toàn tâm toàn ý lo cho gia đình nhỏ của mình”. Mẹ cháu đồng ý.

Nhưng một tuần sau cô ấy lại thay đổi. Em đã xuống nói chuyện với mẹ cháu một lần nữa, nhưng cũng không thành. Mẹ cháu có suy nghĩ là công cô ấy nuôi con lớn rồi, giờ em lại đưa con về. Con thì vẫn rất muốn ở với bố, vì từ trước tới giờ, con vẫn mến bố hơn. 

Em định đưa đơn ra toà án thay đổi quyền nuôi con, nhưng nghĩ con còn nhỏ mà bắt con phải lựa chọn thì rất khó cho con. Nhưng để con ở với mẹ và bố dượng thì em không yên tâm. Thêm nữa, chắc chắn một điều em sẽ không thường xuyên thăm con được vì một phần là không thể làm phiền gia đình họ, một phần vì mẹ cháu sẽ ngăn cản. Em cứ suy nghĩ mãi mà không biết giải quyết theo hướng nào chị ạ? Em đang rối quá.

H.Q. (q.h…@ gmail.com)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Q. thân mến,

Mong muốn được chăm sóc và nuôi con của em - vừa để lo cho con trọn vẹn, vừa để đỡ gánh nặng cho vợ cũ, là một mong muốn tốt đẹp và hết sức cảm động. Từ lâu, Hạnh Dung thường nhận lời yêu cầu tư vấn của những người vợ than trách chồng mình lơ là, thậm chí trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhiều hơn, và đó là một điều khiến Hạnh Dung luôn nặng lòng, buồn và thất vọng về sự vô trách nhiệm của những người cha. Trong câu chuyện này, từ một khía cạnh nào đó, bé con em thật may mắn khi không rơi vào hoàn cảnh bố đẩy qua, mẹ đưa lại…

Tuy thế, hoàn cảnh nào cũng có những rắc rối, khó xử của nó. Và điều quan trọng nhất là cả hai vợ chồng đều cần phải bình tĩnh suy nghĩ và xử lý mọi việc trên cơ sở quyền lợi của con. Nghĩa là làm sao cho cháu bé được thoải mái, hạnh phúc, và bình yên nhất.

Nhìn trên góc độ này, thì việc em đón cháu về là điều tốt đẹp. Thứ nhất, cháu thực lòng mong muốn điều đó. Thứ hai, em đang sống một mình và có đầy đủ khả năng kinh tế cũng như tình cảm dành cho cháu. Tuy nhiên, mẹ cháu lại không muốn vì những lý do riêng, mà em cần phải hiểu rõ để thuyết phục cô ấy.

Hãy bàn với cô ấy về những điều kiện tốt nhất để cô ấy vẫn được thăm nom, chăm sóc cháu. Để cô hiểu rằng không ai phủ nhận công lao của cô ấy suốt thời gian qua, và sau này, cô ấy vẫn có quyền lo cho con dù con ở với bố. Cũng có thể tìm cách “mua chuộc” bố dượng của cháu, để anh ta tác động vợ mình. Ý kiến của người này có thể sẽ rất quan trọng.

Trong trường hợp chưa làm được điều này, Hạnh Dung vẫn không khuyên em đưa vụ việc ra tòa, vì chắc chắn sẽ làm cháu bé bị ảnh hưởng tâm lý. Hơn thế nữa, mối quan hệ của em và mẹ cháu sẽ xấu đi rất nhiều. Ly hôn, nhưng làm sao cho con cảm thấy tuy bố mẹ không sống cùng nhau nhưng con vẫn có gia đình. Nghĩa là giữa hai người thân yêu nhất của con không có sự căm giận, tức tối nào. Họ vẫn là bạn, vẫn trò chuyện, hỏi thăm và cùng ở bên cạnh con. Đó là một cuộc ly hôn đẹp.

Vì thế, mong em hãy kiên nhẫn thuyết phục mẹ cháu. Thể hiện mọi thành ý lo cho con, và muốn giải quyết mọi việc sao cho tất cả đều an bình, vui vẻ. Thời gian sẽ ủng hộ người có tấm chân tình.

Thân mến!

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI