PGS.TS.BS Trần Thị Hồng – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng & Vi nấm học, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM – cho rằng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương (Hà Nội) không nên xét nghiệm máu để tìm sán dải heo gây tốn kém cho hàng nghìn gia đình; chưa kể người dân phải lặn lội bắt xe từ Bắc Ninh rồi về Hà Nội chầu chực tới lượt xét nghiệm máu.
|
Vòng đời của sán dải heo |
Thứ nhất, nếu cần có thể làm công thức máu. Nếu thấy tế bào bạch cầu ái toan (Eosinophile) tăng là chỉ dấu cho thấy bệnh nhân đó nhiễm ký sinh trùng. Lúc này, người bệnh cần làm tiếp các xét nghiệm khác để định danh loại sán bị nhiễm.
Có 2 phương pháp xét nghiệm tìm sán dải heo gồm soi phân tìm trứng hay đốt sán và phương pháp xét nghiệm miễn dịch. Hiện nay các bệnh viện lớn có phương xét nghiệm miễn dịch là phương pháp gián tiếp với kết quả tin cậy nhưng nhược điểm là đắt tiền. Tốt nhất là dùng phương pháp cổ điển soi phân tươi tìm trứng sán hoặc đốt sán. Xét nghiệm này chính xác 100% và rẻ tiền và có thể tìm thêm được nhiều loại giun sán chứ không chỉ 1 loại giun sán cần tìm như xét nghiệm miễn dịch. Tóm lại, người dân không nên quá hoảng hốt mà cần làm xét nghiệm theo các bước để tránh lãng phí tiền của.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tìm trứng sán bằng phương pháp băng keo trong. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được dán lên rìa hậu môn một miếng băng keo trong, sau đó gỡ miếng băng keo này ra để dán lên lam quan sát dưới kính hiển vi tìm trứng sán.
Còn với những bệnh nhân thấy có đốt sán (màu vàng và có hình dạng sống xơ mít) thường chui qua hậu môn thì đã xác định bị sán dải heo, không cần phải xét nghiệm..
|
Một kết quả xét nghiệm máu ở Hà Nội cho thấy: bệnh nhi không mắc sán dải heo |
Thứ hai, không thể khẳng định ngay do thịt heo ở trường. Khi phụ huynh phát hiện Trường Mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng thịt heo có nhiều hạt màu trắng nhỏ như hạt gạo nghi là ấu trùng sán thì chưa thể khẳng định được đây là ấu trùng sán dải heo.
Thực tế trên thịt heo vẫn có những nang trắng giống như nang ấu trùng sán dải heo nhưng lại vô hại, không gây bệnh. Vì vậy, các chuyên gia nên vào cuộc để xác định những nang trắng này có phải là nang ấu trùng sán dải heo hay không.
Hơn nữa, ngoài nguyên nhân bị sán dải heo do ăn thịt heo chưa nấu chín thì cần xem lại thói quen ăn uống ở các gia đình bệnh nhi. Có thể trước đây, trẻ ăn những thực phẩm làm từ thịt heo chưa chín như: nem chua, tré chưa chín (phần lớn người Việt dễ mắc sán dải heo từ nguyên nhân này).
Mặt khác, các đốt sán dải heo vương vãi ở đất, bãi cỏ và cả ở vườn rau… thì vô tình người ăn rau sống không rửa sạch sẽ bị bệnh. Hoặc bàn tay trẻ nhiễm bẩn ấu trùng sán khi ngậm vào miệng vẫn sinh ra sán dải heo. Những nguyên nhân này thường gặp ở vùng miền núi, nông thôn do thói quen người dân nuôi heo, quản lý thải phân ra ngoài môi trường bừa bãi. Vì vậy, không thể đổ tội do thịt heo ở trường mầm non khi chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân.
|
Nang sán dải heo |
Thứ ba, nếu ăn vài ngày thì không thể có sán dải heo trong người. Khi vào cơ thể người, trứng sán dải heo nếu ký sinh trong các cơ, mô dưới da, hệ thần kinh trung ương cũng phải mất 2-3 tháng mới phát triển thành nang ấu trùng (còn gọi là gạo heo, gạo sán – Cysticercus cellulosae). Gạo sán là một cái bọc trong có chứa đầu sán. Tuy nhiên, sau một năm, nang ấu trùng chết và hóa vôi không còn khả năng gây bệnh.
Còn nếu phôi sán dải heo vào ruột cũng mất 2-3 tháng dưới tác động của các men tiêu hóa, đầu sán mới được phóng thích ra khỏi bọc và phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non trong vòng 2-3 tháng.
Tóm lại, không chỉ phụ huynh và ngay cả nhân viên y tế nên bình tĩnh xác định chính xác nguyên nhân các nốt trắng trên thịt heo ở trường mầm non và khi thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân phải thử mẫu một cách nghiêm ngặt trước khi công bố, tránh gây hoang mang dư luận.
Điều này không chỉ giúp nhân viên y tế không phải căng mình làm xét nghiệm mà còn tiết kiệm tiền của cho người dân.
|
Người dân Bắc Ninh tiếp tục đưa con đổ về Hà Nội xét nghiệm máu tìm sán dải heo |
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chạy lại các mẫu xét nghiệm đã xác định sán dải heo
Ngày 17/3, thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi thực hiện test sán dải heo cho kết quả dương tính cao, bệnh viện này đã làm lại toàn bộ các mẫu xét nghiệm. Cụ thể, mỗi mẫu máu làm thêm 3 xét nghiệm chéo để đảm bảo ra kết quả chính xác nhất, tránh trường hợp người dân hoang mang, lo lắng.
“Do chạy lại toàn bộ từ ngày đầu với số lượng lên tới gần 1000 mẫu nên khá “chật vật” và cần thêm thời gian trước khi công bố”, một nguồn tin từ bệnh viện cho hay.
Sáng 17/3 - dù là ngày chủ nhật nhưng phụ huynh từ Bắc Ninh vẫn tiếp tục đưa con tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Bác sĩ Vũ Minh Điền - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - cho biết, tính tới 9 giờ sáng 17/3 đã có hơn 100 trẻ làm xét nghiệm. Do đó, bệnh viện tiếp tục phải tăng cường nhân lực để tiếp đón, thực hiện làm xét nghiệm và trả hồ sơ cho bệnh nhân.
Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, sáng nay cũng có 160 trẻ tới khám. Thông tin từ bệnh viện cho hay, tới hết ngày 16/3 có tổng số 692 bệnh nhân tới xét nghiệm với 75 ca nhiễm sán dải heo.
Huyền Anh
|
Văn Thanh