Không xem thường khi móng chân đen

25/04/2017 - 05:00

PNO - Một số người thường đã quen với móng chân đen - hiện tượng bầm tím, trầy xước hoặc chảy máu dưới móng chân vì chấn thương, hoặc đầu ngón chân bị va chạm vào vật cứng.

Thật ra, móng chân đen không đơn giản chỉ vì chấn thương mà trong một số trường hợp, đó là biểu hiện của một bệnh nguy hiểm, nên bạn không được xem thường.

Chấn thương do vận động lặp đi lặp lại. Là thủ phạm chính của tình trạng móng chân đen, chấn thương do vận động lặp đi lặp lại có thể vì chạy, sử dụng giày quá chật hoặc có chất liệu quá cứng làm tổn thương chân.

Theo các chuyên gia về bệnh bàn chân, chấn thương do vận động lặp đi lặp lại thay đổi theo cấp độ từ nhẹ (móng chân bầm tím, đổi màu và đau) đến trầm trọng (dưới móng chân có chảy máu, nứt móng).

Những trường hợp nhẹ không cần phải điều trị, móng chân đen sẽ bong ra. Với những trường hợp nặng, nứt móng có thể khiến móng rơi khỏi ngón chân gây đau đớn.

Khong xem thuong khi mong chan den
 

Nếu chỉ rớt một phần móng, thì sau khi mất móng hư, ngón chân sẽ hết đau; nhưng phải từ ba-sáu tháng sau móng mới mọc lại được (với ngón chân nhỏ), còn với ngón cái, phải mất một năm để móng mới tái sinh.

Trong vài trường hợp, móng mới có thể mọc ngay dưới móng cũ đã chết. Nếu gặp chấn thương thêm lần nữa, móng mới có thể bị bầm giập và rớt khỏi ngón chân. Để phòng ngừa, bạn nên đến bác sĩ (BS) để tỉa sạch móng cũ đã chết, dọn chỗ cho móng mới mọc lên.

Nếu vùng da quanh móng chân bầm bị sưng tấy, bạn càng phải đến BS vì có thể đã 
nhiễm trùng.

Khối tụ máu dưới móng chân. Khi một vật nặng rớt vào ngón chân có thể làm vỡ mạch máu dưới móng chân gây chảy máu. Ngón chân bầm đen này - y khoa gọi là khối tụ máu dưới ngón chân - rất dễ xác định vì nó xảy ra ngay sau sự cố.

Khối tụ máu thường gây đau nhói, có thể xử lý bằng cách luồn một chiếc kim vào móng chân để lấy máu bầm ra. Thao tác này sẽ giúp giảm đau và giảm máu bầm, nhưng phải do BS thực hiện. Nếu bạn tự làm sẽ không đảm bảo vệ sinh.

Nhiễm nấm - bệnh bàn chân lực sĩ - có thể lan rộng đến ngón chân, làm ngón chân ngả màu vàng, xanh dương, xanh lá cây, nâu, tím và đen. Những màu này là đặc trưng của các bệnh nhiễm nấm và thường có mùi hôi.

Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm nấm, bạn nên đến BS để được chẩn đoán. Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, nếu nhẹ chỉ cần thoa thuốc, nếu nhiễm nấm nặng, phải dùng kháng sinh hoặc điều trị bằng tia laser.

Ung thư da: Đây là lý do bạn cần sử dụng kem chống nắng. Ung thư da có thể phát triển từ dưới móng chân, gây ra hắc tố da. Nó có thể phát triển chậm và không đau đớn nên rất khó phát hiện.

Nếu bạn không bị chấn thương nhưng móng tay vẫn bị đổi màu thì bạn nên đến BS. Những người sơn móng tay có thể siêu âm móng tay để tầm soát bệnh. Nếu phát hiện sớm, ung thư da có thể điều trị khỏi. 

Màu da. Thỉnh thoảng móng tay ngả màu đen có thể do màu da. Dưới móng tay cũng có lớp da và giống như mọi vùng da khác trên cơ thể, sắc tố da có thể thay đổi theo thời gian.

Thông thường, việc thay đổi sắc tố da xảy ra đồng đều trên các móng. Nếu chỉ một móng bị ngả sang sắc tố đen, hoặc việc thay đổi sắc tố xảy ra quá nhiều lần, bạn nên đến BS để đảm bảo an toàn.

Trương Lan  (theo Woman’s Health) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI