Không xây được biệt thự tặng cha, cô con gái vẫn có cách để cha thấy "như thiên đường"

17/12/2023 - 15:37

PNO - Tình cảm của Lê Võ Thanh Dung (25 tuổi, sống ở TP. Thủ Đức, TPHCM) và người cha nghèo khiến cộng đồng mạng xúc động. Mặc dù mắc bệnh ung thư, cô gái trẻ vẫn dành một phần lớn thu nhập để lo tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt cho ba.

Ước mơ xây biệt thự cho ba 

Ba mẹ Dung đến với nhau không kết hôn. Sau khi sinh Dung được khoảng 4 tuổi thì 2 người không sống cùng nhau nữa. Dung sống cùng với mẹ ở TPHCM còn ba về Long An. Ba của Dung rất thương con gái nên thường xuyên đi xe đò lên thăm con. 

“Mỗi lần ba lên thăm, tôi thường cùng ba đi dạo. Tôi chỉ vào các biệt thự rồi nói: “Sau này lớn lên, con học tiếng nước ngoài, con đi làm rồi con xây cho ba biệt thự như vậy”. Tôi rất yêu ba, mỗi lần ba về là tôi khóc. Sau này, vì gặp những trở ngại trong việc lên thăm tôi, ba không lên thường xuyên mà chỉ đón tôi về ở cùng trong những dịp tết và hè”, Dung kể lại.

Dung vẫn nhớ khi cô còn bé, ba đã chăm sóc chu đáo. Ông thay tã, tắm rửa, nấu ăn, may đồ cho con gái mặc. Khi xa con, ông thường gửi đồ ăn gửi lên TPHCM cho Dung. Đến năm học lớp 12, Dung được mua chiếc điện thoại đầu tiên và cha con mỗi ngày nhắn tin, kể cho nhau nghe chuyện nhỏ đến chuyện lớn.

Câu chuyện của Dung khi kể lại trong một hội nhóm đã nhận được hơn 17.000 lượt yêu thích.
Câu chuyện của Dung trong một hội nhóm đã nhận được hơn 17.000 lượt yêu thích.

Ba Dung sinh năm 1972, ông thích buôn bán và chịu khó làm ăn. Theo Dung, ông có khiếu nấu nướng và may đồ, nhưng các công việc không gặp thuận lợi. Tiệm trà sữa của ông mở ra được một thời gian thì bị lấy lại mặt bằng. Tiệm sửa và may quần áo nằm trong khu trọ chật hẹp nên không có khách. Thương ba, Dung đã trích những đồng lương đầu tiên để gửi tiền chi tiêu cho ba.

Mắc bệnh hiểm nghèo vẫn gửi tiền cho ba

Dung là nhân viên kinh doanh tại một công ty da thuộc và nhận thêm việc biên dịch tiếng Nhật. Thu nhập mỗi tháng của cô chỉ khoảng 10-15 triệu đồng. Trước đây, cô thường gửi 3-4 triệu đồng/ tháng để ba trang trải tiền trọ và tiền sinh hoạt. Bây giờ ba thuê nhà trọ mới, cô gửi ba 5 triệu đồng mỗi tháng (3 triệu tiền trọ và 2 triệu tiền sinh hoạt).

Từ năm 2019, Dung thường xuyên đau đầu, uống thuốc thì đỡ. 1 năm sau, nhiều lần cô bị chảy máu tai. Đến khi hết giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, tức đầu năm 2022, Dung mới có thể đi khám. Chụp X.quang tại một bệnh viện ở TP Thủ Đức, TPHCM, bác sĩ nói Dung có bất thường và khuyên cô nên đi bệnh viện lớn để kiểm tra. Kết quả chẩn đoán cho thấy Dung có u não thùy trán.

Dù mắc bệnh và còn phải đi làm nuôi ba nhưng Dung vẫn luôn lạc quan, dành dụm cho ba
Dù mắc bệnh và còn phải đi làm nuôi ba nhưng Dung vẫn luôn lạc quan (ảnh nhân vật cung cấp)

“Mọi thứ diễn ra với tôi rất bình thường. Tôi giấu gia đình, người duy nhất biết bệnh tình của tôi là người bạn khá thân. Tôi tự mình làm như theo phác đồ điều trị, vào thuốc. Nhưng ít tháng sau thì chuyện... bị lộ, ba mẹ và gia đình biết tôi có bệnh. Mọi người rất lo lắng nhưng tôi vẫn thấy ổn vì tôi tin vào nhân quả. Hiện tại, khối u vẫn chỉ nằm yên, không lớn hơn, không trở nặng”, Dung tâm sự.

Về chuyện gửi tiền sinh hoạt và thuê nhà cho ba trong khi còn phải lo cho bản thân, Dung cho rằng đó là điều phải làm. “Tôi ăn cơm ở công ty và không phải tháng nào cũng vô thuốc, nên vẫn có tiền dành cho ba. Tôi luôn nghĩ hồi nhỏ ba nuôi tôi như vậy mà lớn lên lại tiếc tiền với ông thì không phải đạo làm con”, cô gái trẻ nói.

Vì muốn ba có mặt bằng tốt hơn để sửa quần áo và buôn bán nên Dung khuyên ba tìm căn nhà trọ khác. “Việc thuê nhà mới này do chủ trọ cũ muốn lấy lại mặt bằng để cất nhà. Ba tôi xin qua nhà bác Ba (anh trai ruột) để ở nhờ. Nhưng bác Ba là người nghiện rượu, hay gây chuyện khi bác xỉn. Tôi thương ba nên đã hối ba tìm chỗ khác”, Dung kể.

 

Mỗi ngày, hai ba con Dung vẫn nhắn tin thường xuyên với nhau
Mỗi ngày, cha con Dung vẫn nhắn tin chia sẻ, động viên nhau

Cha của Dung đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đi thuê nhà. Khi tìm được nhà trọ với mức thuê 2,5 triệu/tháng, ông nhắn tin khoe con gái: "Ngôi nhà này như thiên đường với ba". Ông cũng chia sẻ cùng con gái hướng làm ăn, cha con mỗi ngày vẫn nhắn tin, động viên lẫn nhau nỗ lực trong cuộc sống.

Giữa rất nhiều những trường hợp con cái tệ bạc, bất hiếu, câu chuyện nhỏ của Thanh Dung khiến nhiều người xúc động. Cư dân mạng đồng tình rằng: Không cần phải đợi đến khi có điều kiện mới chăm lo cho cha mẹ, mà hãy quan tâm đến cha mẹ ngay bằng khả năng ở hiện tại.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI