Không xa đâu, Trường Sa ơi!

21/05/2014 - 17:23

PNO - PN - “Tối nào tôi cũng xem ti vi để nắm bắt tình hình Biển Đông. Tôi tự hào vì chồng mình đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa” - người phụ nữ trẻ thổ lộ. Chị là Trần Thị Thu Huyền, vợ Thượng úy Đỗ Mạnh Xuyến - sĩ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khong xa dau, Truong Sa oi!

Bé Tiến Vương, con trai út của Thượng úy Đỗ Mạnh Xuyến hát bài Gần lắm Trường Sa

“Hậu phương” vững mạnh

Thượng úy Đỗ Mạnh Xuyến (SN 1974) ra đảo từ tháng 12/2013. Với người lính phòng không quê ở Bắc Giang này, đây là lần thứ ba anh ra đảo. Lần đầu anh ra đảo là vào năm 2001. Khi đó, trong bề bộn nỗi nhớ đất liền chưa có nỗi nhớ tiếng con trẻ bi bô và ánh mắt khắc khoải của vợ. Lần thứ hai, tháng 12/2010, anh Xuyến ra đảo, đến ngày 2/9/2012, anh mới trở về. Khi anh đi, đứa con thứ hai của anh chị mới năm tháng tuổi. Sáng sáng, chị Huyền dậy sớm chuẩn bị mọi thứ rồi đưa con trai lớn đến trường, con nhỏ đến nhà trẻ, sau đó vượt hơn 20km từ Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đến TP.Tuy Hòa học lớp trung cấp chính trị. Gần một năm chị tất tả đi - về cho đến khi khóa học kết thúc.

“Hậu phương” của Thượng úy Đỗ Mạnh Xuyến làm việc tại văn phòng Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam. Trái với cái tên đầy nữ tính, chị rất mạnh mẽ, tháo vát. “Tôi là con nhà lính, bố mẹ tôi lúc trước đều ở Binh đoàn Hương Giang” - chị kể. Là con bộ đội nên chị Huyền hiểu được nhiệm vụ đặc biệt của bộ đội, khi quyết định xây dựng gia đình với một người lính, chị đã “xác định tư tưởng”. Trước khi ra đảo, anh Xuyến làm việc tại Trạm rađa 68 (Phú Yên). Người lính luôn đặt nhiệm vụ lên trên tất cả và có rất ít thời gian dành cho gia đình. Chị Huyền hiểu nên cố gắng cáng đáng mọi việc trong nhà để chồng yên tâm công tác. Người phụ nữ mảnh mai sinh năm 1982 này có thể leo lên mái nhà sửa lại mấy miếng ngói vỡ, biết chằng chống nhà cửa khi hay tin bão tới. Hai con trai được mẹ rèn theo “nếp” nhà binh, giờ nào việc nấy, thưởng phạt phân minh. Cậu cả Đỗ Tiến Thịnh học lớp 3, đã biết quét nhà, lau nhà, nấu cơm, nhặt rau… giúp mẹ. Cậu út Đỗ Tiến Vương bốn tuổi, biết tự ăn, tự tắm và rất ngoan. Hai đứa trẻ là niềm vui, là chỗ dựa tinh thần để chị Huyền vơi đi bao mệt mỏi…

Khong xa dau, Truong Sa oi!

Tiến Thịnh nấu cơm phụ mẹ

Nước mắt giấu trong lòng

“Cuộc sống của những người vợ lính đảo có rất nhiều cái khó” - chị Huyền tâm sự - “Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của những người xung quanh”. Chị nhớ, ngày 8/3 năm nọ, các bạn cùng lớp tổ chức họp mặt tại một quán nhỏ trên đường Bạch Đằng ven sông Chùa (TP.Tuy Hòa). Chiều buông, nhiều cặp vợ chồng cũng đưa con cái đến đây hóng mát. Nhìn cảnh vợ chồng người ta đưa con đi chơi, cảm giác tủi thân lại trào lên. Vậy là người vợ lính lặng lẽ ra về.

Có một kỷ niệm khó quên mà mỗi khi kể, chị Huyền lại rơm rớm nước mắt. Lần đó anh Xuyến về thăm nhà, bé Tiến Vương mới hai tuổi. Thằng bé không nhận ra bố, vì anh không mặc quân phục như trong những bức ảnh anh gửi về, và trông anh cũng đen hơn. “Cu cậu nghe tin bố về, rất háo hức. Chiều hôm đó, cu cậu tắm đến hai lần, mặc đồ đẹp đi đón bố. Thế nhưng, khi bố đứng ngay trước mặt, mẹ bảo “chào bố đi con” thì cu cậu cứ ngớ người ra. Về đến nhà, thằng bé vẫn chưa chịu nhận, vẫn gọi bố bằng “chú”, khăng khăng nói bố đang ở ngoài đảo. Bà ngoại thấy vậy, liền bấm điện thoại đưa cho cháu và bảo “cháu nói chuyện với bố đi”. Thằng bé líu lo hỏi: “Bố ở đâu, sao giờ vẫn chưa về? Bố còn ở ngoài đảo hở bố?”. Anh Xuyến bảo: “Bố đã về nhà với con rồi đây”, vừa nói anh vừa đi đến ngay trước mặt con. Thằng bé nghe tiếng bố, thấy bố đang nói chuyện qua điện thoại với mình ngay trước mặt mình. Lúc đó cu cậu mới buông điện thoại, ôm chầm lấy bố” - chị Huyền mỉm cười, một nụ cười thật khó tả.

Đến khi tiễn bố lên đường ra đảo, bé Tiến Vương nói: “Bố ơi, con bệnh rồi”. Chị Huyền vừa quệt nước mắt vừa đe: “Con mà bệnh là mẹ đánh đòn luôn đó”. Bất ngờ, thằng bé nói: “Ai bảo bố ra đảo, con nhớ nên con bệnh”.

Để con có được những niềm vui đơn sơ như bao đứa trẻ khác, đôi khi chị Huyền phải nói dối. Ví như mua thức ăn về, chị bảo: “Đây là thức ăn bố gửi cho con”. Mua quần áo mới cho bọn trẻ, chị cũng bảo: “Bố gửi về đấy”. Nhìn nụ cười và gương mặt rạng rỡ của các con, người mẹ trẻ cảm thấy phần nào nguôi ngoai…

Khong xa dau, Truong Sa oi!

Ba mẹ con chuẩn bị bữa cơm chiều

Gần lắm, Trường Sa!

Tối nào anh Xuyến cũng gọi điện về, trò chuyện với vợ con. Hai đứa trẻ nghe bố hỏi những câu quen thuộc nhưng ẩn chứa trong đó là tình yêu thương vô bờ bến: “Hôm nay con ăn gì? Con đi học có vui không? Làm bài được mấy điểm?”… Chị Huyền tâm sự với chồng chuyện gia đình, công việc để anh thêm yên tâm làm nhiệm vụ, vì chuyện nhà đã có vợ, có bà ngoại của bọn trẻ đỡ đần.

Những ngày qua, Biển Đông cồn cào sóng dữ. Cậu cả Đỗ Tiến Thịnh biết tin, mày mò lên mạng tìm hiểu rồi nói với mẹ: “Mẹ đừng quá lo lắng, bên bố còn có các chú các bác nữa mà!”. Đứa con út biết bố đi trên một chiếc tàu to ra đảo, biết bố đang ở Trường Sa nên mê bài hát Gần lắm Trường Sa. Chiều chiều, đi học về, thằng bé lại giục mẹ mở bài hát này, rồi ngồi vắt vẻo trên ghế, mắt nhìn vào màn hình chập chùng sóng biển, vừa vỗ tay vừa hát theo “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.

Tiếng hát con trẻ làm xôn xao gian bếp nhỏ trong nhà người lính đảo, khắc khoải nỗi nhớ của những người ở hậu phương.

Không xa đâu, Trường Sa ơi!

 PHƯƠNG TRÀ 

Thượng úy Đỗ Mạnh Xuyến: “Tôi yên tâm công tác vì có “hậu phương” vững chắc. Và tôi biết, gia đình, vợ con tôi được chính quyền địa phương quan tâm. Chúng tôi ở ngoài này luôn trong tư thế sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”.

Bài 2: Nhà vắng bố

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI