Không vì sợ ế mà lấy chồng

22/05/2024 - 17:00

PNO - Con gái lớn kén chọn, “quá lứa”, là chúng đặt mẹ cha trên đống lửa, không hiểu nỗi lòng cha mẹ. Đàn bà con gái coi sự nghiệp quan trọng hơn hạnh phúc hôn nhân là đàn bà ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân, không suy nghĩ về lâu dài...

Đứa con gái lớn 32 tuổi của chị vừa chia tay người yêu. Cô gái út 22 tuổi, đang học năm cuối đại học. Chị cảm giác con gái lớn đã “toan về già” nhưng vẫn cứ nhởn nhơ như không có chuyện gì xảy ra. Chị cho rằng, tuổi này, con đã mất nhiều cơ hội lựa chọn bạn đời - cái tuổi mà đàn ông... chê.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhưng bạn bè chị bảo, thời nào rồi mà lo con gái ế? Thời nay, đàn bà con gái tuổi nào cũng có thể lập gia đình một cách rực rỡ, nghiêm túc, nhất là khi người đó có sự nghiệp. Con gái chị là một thạc sĩ kinh tế, trưởng phòng kinh doanh ở một công ty địa ốc có tiếng. Con quan niệm, trong tình yêu có thể chọn nhầm chứ không chọn bừa, nên khi phát hiện bạn trai có ý đồ “bắt cá hai tay”, con liền chia tay.

Lúc ấy, chị khuyên con gái bình tĩnh, xem có nhầm lẫn gì không, chứ... 32 tuổi rồi đó. Chị sợ con ế. Nếu con tìm được mối quan hệ mới, sẽ mất một thời gian nữa, lúc đó, chuyện bầu bí, sinh nở sẽ bắt đầu khó khăn. “Nhưng hôn nhân không thể nóng vội. Độ tuổi nào cũng không thể nóng vội. Khoa học ngày càng tiến bộ, nếu biết tính toán, sinh con khi tuổi đã lớn sẽ không thành vấn đề. Cuối tháng này, con sẽ tới bệnh viện phụ sản trữ trứng. Trước mắt, con tập trung sự nghiệp và vui chơi cho thỏa”. Con nói vậy, chị chịu thua.

Nhìn con đi về một mình, đam mê công việc, chị thương. Đàn bà con gái, tiền nhiều mà thiếu tình yêu, kiểu gì cũng kém vui, thua thiệt. Bạn bè, đồng nghiệp rồi ai về nhà nấy, chỉ có vợ chồng, người yêu mới cho nhau sự ấm áp, vỗ về. Cho nên, gặp ai chị cũng nhờ mai mối.

Con gái vừa thương vừa giận mẹ, làm như con ế tới nơi, mà con sẵn sàng ế nếu không tìm đúng người trong mộng. “32 tuổi thì đã sao? Con người ta càng trưởng thành thì càng chín chắn chứ sao. Hôn nhân cần sự chín chắn”. Chị biết con có lý lẽ riêng. Con thành đạt, nói kiểu gì cũng có lý. Chị “bỏ” đứa lớn sang bên, bỏ luôn suy nghĩ nếu em gái nhỏ có chồng trước, coi như “vượt mặt” chị, khiến cô chị càng khó lấy chồng.

Chị chấp nhận chuyện con gái nhỏ ra trường vài năm thì cưới, mà cưới ngay cũng tốt, bởi con gái có thì. Chị sợ con gái nhỏ lại làm chị mất ăn mất ngủ như chị của nó. Dòng họ nghe tin chị giục con gái nhỏ sớm lấy chồng, có người bảo để con hưởng thụ thanh xuân thêm vài năm nữa, kẻo phí đời.

Người bảo, con gái học ra trường, phải báo hiếu ba mẹ vài năm hãy lấy chồng mới là con gái ngoan. Cũng có người bảo để con cái “tùy duyên”, mình có hối thúc cũng không được; đủ duyên, hạnh phúc sẽ tự tìm tới. Những người có con gái lớn chưa chịu lấy chồng thì thông cảm cho chị.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Họ cho rằng, con gái lớn kén chọn, “quá lứa”, là chúng đặt mẹ cha trên đống lửa, không hiểu nỗi lòng cha mẹ. Đàn bà con gái coi sự nghiệp quan trọng hơn hạnh phúc hôn nhân là đàn bà ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân, không suy nghĩ về lâu dài...

Khi chị chẳng thèm giục con lấy chồng, thì con về báo tin có người yêu, người ấy trẻ hơn con 3 tuổi. Vấn đề này, nếu rơi vào cô con gái nhỏ, chắc chị bàn ra. Chị là mẫu phụ nữ truyền thống. Chị luôn quan trọng chuyện chồng phải hơn tuổi vợ, nhưng bây giờ con lấy ai chị cũng chịu, chị tin vào sự lựa chọn của con.

Từ ngày con gái lớn đi lấy chồng, chị thôi ý định giục con nhỏ chuyện kết hôn. Chị bắt đầu tin hôn nhân có lẽ một phần còn “tùy duyên” nữa. Mà nhìn quanh, có thấy đàn bà, con gái nào ế đâu. Ế chẳng qua do mình quyết định chứ không phải không có “đối tác”. Chưa kể “nồi nào, vung nấy”.

Lấy chồng sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là khi con chuẩn bị đầy đủ tâm thế và hành trang. Hôn nhân khi ấy sẽ bền vững hơn.

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI