Không về quê để né câu hỏi "bao giờ lấy chồng"

07/02/2024 - 14:48

PNO - Mỗi lần về quê ăn tết, Hà lại sượng đơ với những câu hỏi của người nhà. Vì vậy Hà tuyên bố sẽ không về quê ăn tết nếu chưa lấy chồng.

Bố mẹ Hà mất đã lâu nên cái tết cũng rời rạc. Các anh chị có gia đình thì về quê nội, ngoại của đám nhỏ. Có gia đình đi du lịch từ trước tết, hết tết mới về. Hà chưa lấy chồng, nên ai rủ đi đâu mà đủ hứng thú thì cô mới đi.

Về ăn tết cùng người yêu, Hà phải trả lời những câu hỏi gây khó chịu (ảnh minh họa)
Về ăn tết cùng người yêu, Hà phải trả lời những câu hỏi gây khó chịu (ảnh minh họa)

Có một năm Hà về quê cùng người yêu. Người lớn trong nhà Hà, đương nhiên ai cũng muốn Hà lập gia đình, mà theo quen niệm của họ là “để có nơi có chốn”. Vì vậy mà Hà dắt bất cứ ai về cũng được người nhà ủng hộ.

Sự nhiệt tình quá mức của người nhà, đôi khi khiến Hà thấy mình “mất giá”. Đó là khi người nhà hỏi những câu gây khó xử cho cả 2 như "khi nào cưới?" Thậm chí có người nói cả chuyện sinh con sớm sẽ tốt hơn vì Hà cũng đã có tuổi… Trong khi cô và bạn trai chỉ mới đang tìm hiểu.

Tiếp đến là khác biệt văn hóa, từ những món ăn không hợp, những ngôn ngữ trên bàn nhậu của cánh đàn ông, chẳng thể nào bạn trai Hà quen được. Cuộc tình chưa kịp chín đã phát sinh những dấu chấm hỏi trong đầu. Thêm vài nút thắt sau đó mà nút nào cũng chẳng thể mở, Hà và bạn trai chia tay.

Tết năm kế tiếp, Hà về quê ăn tết một mình. Nghĩ như vậy sẽ ổn hơn, Hà không còn là tâm điểm để người nhà chú ý nữa, cô sẽ có cái tết nhẹ nhàng hơn. Nhưng không như Hà nghĩ, người nhà nhao nhao hỏi thăm về bạn trai cũ. Tiếp tục là những câu hỏi khiến Hà khó chịu như "tại sao chia tay?", "anh ấy có người yêu mới chưa?", rồi thì, sao giờ Hà chưa quen ai, giỏi giang, xinh đẹp vậy cơ mà…

Những người lớn trong nhà tiếp tục những câu chuyện cũ: Con bà A nào đó bằng tuổi Hà mà con đã học cấp II, Hà còn đợi đến khi nào? Sinh con trễ quá, biết khi nào con mới lớn khôn, tuổi sinh nở của phụ nữ cũng có hạn…

Mỗi người mỗi câu, nhắc nhở có, gợi ý có, xúi giục có… đến nỗi Hà hoang mang: mình tệ lắm hay sao? Hình như trong mắt họ hàng ở quê, phụ nữ chỉ có sứ mệnh duy nhất là lấy chồng và sinh con, những việc khác có làm được hay không, không quan trọng.

Vì muốn giữ hòa khí nên Hà đành cười trừ, nhưng trong lòng cô không vui. Đến khi trở lại thành phố, những cảm xúc khó chịu từ chuyến về quê ăn tết vẫn chưa hết hẳn, coi như mất toi cái tết.

Đúng là phụ nữ đến tuổi lập gia đình, thì có chồng vẫn hơn một mình, nhưng không có nghĩa là vì điều ấy mà phải có chồng. Sự vội vàng đôi khi mang lại những cuộc hôn nhân bất như ý, làm dở dang người trong cuộc.

Ở thành thị, việc kết hôn hay không là lựa chọn của mỗi người (ảnh minh họa)
Ở thành thị, việc kết hôn hay không là lựa chọn của mỗi người (ảnh minh họa)

Hơn nữa, cuộc sống thành thị khác nông thôn. Ở nông thôn, có những bạn trẻ “mở mắt ra đã kết hôn”. Ở thành thị, việc kết hôn hay không đã trở nên cởi mở hơn. Đó là sự lựa chọn của mỗi người. Có người chọn lấy chồng, sinh con mới gọi là bắt đầu cuộc sống, cũng có người chọn công việc, những đam mê để làm nên một cuộc đời thú vị. Cũng có người làm tốt cả 2, vừa lập gia đình, vừa phát triển sự nghiệp...

Điều quan trọng không phải là có lập gia đình hay không, mà chất lượng cuộc sống của họ ra sao. Chúng ta không thể thoát xác, sống 2 lần trong cuộc đời này. Vì vậy Hà nghĩ cần phải sống sao để về già chẳng còn điều gì phải hối tiếc.  

Năm nay, Hà chọn ăn tết ở thành phố. Sáng mùng Một, trên con đường Hà qua lại vẫn có những quán cà phê mở cửa xuyên tết. Hà sẽ chọn một chiếc bàn nhỏ, gọi món thức uống yêu thích, vừa nhâm nhi vài lát bánh ngọt, vừa ngắm những cánh mai khẽ bung sắc. Hà ăn tết theo cách của mình.

Khoảng lặng hiếm hoi từ những ngày đầu năm ấy sẽ giúp Hà nạp thêm năng lượng để bản thân bước sang một năm mới hứng khởi.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI