Chịu nhiều phiền toái
Là giáo viên dạy toán kiêm chủ một trung tâm bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật nên trang Facebook của anh Ngô Quân (TP Hà Nội) được đặt ở chế độ công khai để học viên dễ dàng tương tác. Nhưng từ tháng 9/2023 đến nay, anh chỉ muốn đóng tài khoản do dưới các bài viết, liên tục xuất hiện những bình luận với nội dung đòi nợ. Anh cũng thường xuyên nhận cuộc gọi điện thoại đòi nợ theo kiểu khủng bố dù anh chưa từng vay mượn tiền ai.
Tìm hiểu, anh Quân mới biết, một người em họ đã dùng số điện thoại của anh để đăng ký khoản vay với nhiều tổ chức tài chính và đã quá hạn trả nợ, các khoản nợ này đã bị tổ chức tín dụng bán cho các công ty đòi nợ. “Tôi đã đề nghị các tổ chức tín dụng xóa số điện thoại của tôi ra khỏi hệ thống, yêu cầu nhân viên công ty đòi nợ ngưng bình luận làm phiền trên Facebook cá nhân nhưng không ăn thua. Một số người còn nói rằng sẽ tiếp tục làm phiền cho đến khi em họ tôi trả hết nợ” - anh Quân kể.
Lương y Vũ Long (TPHCM) cũng không vay tiền ai nhưng liên tục nhận cuộc gọi đòi nợ từ những người tự xưng là nhân viên công ty tài chính. Ông nhiều lần giải thích mình không liên quan gì đến người vay tiền nhưng vẫn bị quấy rầy, đành phải làm đơn gửi cho cơ quan công an.
Bị người cháu cung cấp số điện thoại khi vay tiền của các tổ chức tín dụng, ngày nào chị Mỹ Duyên (TPHCM) cũng nhận hàng chục cuộc gọi đòi nợ. Gia đình chị còn nhận được một tờ giấy thông báo thu hồi nợ, trong đó dọa sẽ “hành động”. “Nếu người vay ghi số điện thoại của người thân làm số tham chiếu trên hợp đồng vay thì tổ chức tín dụng cần hỏi chủ các thuê bao điện thoại này xem họ có đồng ý cùng chịu trách nhiệm về khoản vay hay không. Trách nhiệm trả nợ là của người vay, nên đừng làm phiền người không liên quan khoản vay” - chị Mỹ Duyên nói.
Người tham chiếu không có nghĩa vụ trả nợ
Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - khi làm hồ sơ vay tín chấp, nhân viên ngân hàng thường yêu cầu người vay ghi 2-3 số điện thoại của người thân vào hợp đồng để làm số tham chiếu. Có người vay ghi số điện thoại của người thân nhưng cũng có người vay tự ý ghi số điện thoại của bạn bè, số của ai đó mà mình biết.
Theo ông, người tham chiếu trong hồ sơ vay chỉ đóng vai trò kết nối người vay với ngân hàng để khi người vay trốn nợ thì ngân hàng nhờ người tham chiếu giúp liên lạc. Người tham chiếu không có nghĩa vụ trả nợ thay người vay. Tuy nhiên, nhân viên một số tổ chức tín dụng lại gọi điện thoại đòi nợ người tham chiếu khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Số người than phiền bị đòi nợ kiểu khủng bố đang rất nhiều.
|
Nhiều người không vay tiền nhưng liên tục bị gọi đòi nợ, nhắn tin nhắc nợ - Ảnh chụp màn hình do bạn đọc cung cấp |
Luật sư Trần Xoa cho hay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bên cho vay chỉ được phép nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, từ 7 - 21g và không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước. Do đó, việc nhân viên ngân hàng, công ty tài chính gọi quấy rối, đòi nợ người tham chiếu là trái pháp luật. Ông khuyên: “Người tham chiếu nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung quấy rối và trình báo với cơ quan công an nơi mình đang cư trú. Đơn vị cho vay cần kiểm soát kỹ quy trình thẩm định hồ sơ cho vay, tránh cho vay không đúng đối tượng, phát sinh nợ khó đòi”.
Công ty tài chính gặp nhiều khó khăn
Đại diện một công ty tài chính cho biết, người vay phải điền thông tin người tham chiếu. Do lượng hồ sơ vay vốn rất nhiều nên công ty chỉ kiểm tra thông tin người tham chiếu ngẫu nhiên trên hệ thống. Điều này dẫn đến trường hợp dù thông tin về người tham chiếu của người vay không trung thực nhưng vẫn được chấp nhận. Về khách quan, tình trạng gọi đòi nợ tăng lên là do, sau dịch COVID-19, có những khách hàng bị thất nghiệp, không có khả năng trả nợ, nhưng cũng có một bộ phận khách hàng có khả năng trả nợ mà vẫn cố tình không trả, bị chuyển sang diện nợ xấu, bị tăng lãi suất, chịu phí phạt. Các công ty tài chính đang chịu nhiều khó khăn vì tình trạng này. Dù vậy, công ty có quy định phải ghi âm các cuộc gọi nhắc nợ và tuân thủ số lần, khoảng thời gian nhắc nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; nếu khách hàng phản ánh bị nhân viên đe dọa, khủng bố thì công ty sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Giám đốc một công ty tài chính trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (kết nối bên cho vay với người vay) cho biết thêm nhiều người vay đã cố tình né tránh nghĩa vụ trả nợ. Khi nhân viên công ty gọi nhắc nợ, một số người vay tiền đã dùng dịch vụ chuyển cuộc gọi đến số của cơ quan công an, tòa án, gây khó khăn cho công ty. Tỉ lệ nợ xấu ở các công ty tài chính rất cao nhưng công ty không thể kiện ra tòa bởi chi phí phục vụ cho việc kiện tụng này cao gấp nhiều lần số tiền cần thu hồi. Khi đã có phán quyết của tòa án, việc thi hành án cũng khó khăn.
Một nhân viên tín dụng thông tin, một số công ty tài chính còn quy định, nếu người vay không trả nợ thì nhân viên phải tạm ứng lương để trả nợ tháng đó cho khách rồi tìm cách đòi nợ sau. Đó có thể là lý do nhiều nhân viên tín dụng buộc phải gọi nhắc nợ cả người thân, người tham chiếu.
Có thể thấy cả 2 phía người vay và công ty tài chính đều có lỗi trong việc người tham chiếu bị làm phiền dai dẳng, tình trạng này cần sớm chấm dứt vì đó là hành vi trái pháp luật.
Cần áp dụng chấm điểm người vay, tổ chức tín dụng Việc thu hồi nợ của các công ty tài chính vô cùng khó khăn, tỉ lệ nợ xấu lên đến 9 - 10%, thậm chí 20%. Do thua lỗ và do tiền trích lập quỹ dự phòng rủi ro tăng cao nên phần lớn công ty tài chính không thể cho vay được nữa, kéo theo dư nợ cho vay so với năm 2022 bị giảm rất nhiều (tổng giảm trên 60.000 tỉ đồng). Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu tăng cao một phần do một bộ phận người vay lầm tưởng các công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp cũng là tín dụng “đen” nên không trả nợ sau khi cơ quan nhà nước tăng cường triệt phá các hội nhóm tín dụng “đen”. Điều này khiến cán bộ, nhân viên công ty tài chính nghỉ việc rất nhiều do áp lực quá lớn. Nhiều người vay tiền còn lập các hội, nhóm trên mạng xã hội, dạy nhau “bùng” (xù) nợ. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phải giám sát, xử lý triệt để các hội, nhóm này; nếu không, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục khó khăn do không đòi được nợ, tỉ lệ nợ xấu tăng cao, người cần vay tiền khó tiếp cận khoản vay, từ đó tín dụng “đen” có cơ hội phát triển. Để giải quyết tình trạng chây ì trả nợ, cần áp dụng chấm điểm tín dụng các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, chấm điểm công dân đối với người vay tiền. Hiện nay, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đang kết nối dữ liệu dân cư và ngân hàng, khi việc này hoàn thiện thì chỉ cần kiểm tra thông tin trên căn cước công dân, sẽ có cả thông tin tín dụng, điểm tín dụng. Trong tương lai, những người cố tình không trả nợ sẽ gặp khó khăn khi tìm việc, giao tiếp, kinh doanh bởi thông tin nợ xấu sẽ hiển thị trên dữ liệu dân cư. Chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ để các công ty tài chính tiêu dùng đã được cấp phép tiếp cận, đòi nợ những khách hàng cố tình không trả nợ. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) |
Có thể lập sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng, chiếm tỉ trọng tới 7% trong GDP, giúp những người yếu thế tiếp cận được tín dụng chính thức. Tuy nhiên cơ chế cho vay và thu hồi nợ vay tiêu dùng tại Việt Nam chưa đầy đủ, rõ ràng. Phía công ty tài chính thì không biết phải nhắc nợ như thế nào cho đúng, còn nếu kiện ra tòa thì gặp quá nhiều khó khăn về án phí, thời gian tố tụng. Nên chăng phải thành lập sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng nhưng đòi hỏi phải có hành lang pháp lý thông thoáng, cho phép dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp hoạt động. Tại nhiều nước, dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động rất phổ biến vì có quy định rõ ràng, chặt chẽ. Những ngân hàng mà tôi làm việc tại Mỹ họ đều sử dụng công ty thu hồi nợ thuê, đó là những người được đào tạo tâm lý, hiểu biết quy định pháp luật một cách chặt chẽ, đầy đủ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia tài chính ngân hàng |
Thanh Hoa