PNO - Hôm nay 3/7, theo kế hoạch, TPHCM công bố điểm chuẩn lớp Mười công lập. Trong số 98.681 thí sinh dự thi, chỉ có 76.555 thí sinh (tương đương 77,5%) đậu vào trường THPT công lập. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cánh cửa khác rộng mở chào đón 22.126 thí sinh còn lại.
Học sinh tốt nghiệp THCS đang thực hành nghề tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng - Ảnh: T.T.
Đâu chỉ có “lớp Mười công lập”
Thời điểm này năm ngoái, Minh Thư - lúc đó vừa hoàn thành chương trình lớp Chín tại Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) - vẫn đang buồn bã, thất vọng vì trượt cả 3 nguyện vọng lớp Mười công lập. Sau nhiều cuộc thảo luận, thậm chí là tranh cãi, gia đình quyết định cho em đi học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Phú Nhuận. Ban đầu, em không mấy hứng thú nhưng sau 1 năm học, điều này đã được xóa bỏ hoàn toàn.
Minh Thư tâm sự: “Em cứ nghĩ ở đây chỉ toàn những bạn học kém hoặc quậy phá nhưng thực ra vẫn có nhiều bạn học tốt. Thầy cô thì luôn quan tâm đến hoàn cảnh của từng học sinh. Em hiện đang học 9 môn là toán, ngữ văn, tiếng Anh, lịch sử, địa lý, hóa học, tin học, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhưng em thường chỉ học trong buổi sáng, còn buổi chiều thì tự học ở nhà và đi luyện vẽ để sau này thi vào Trường đại học Kiến trúc TPHCM”.
Phân tích việc nhiều học sinh cảm thấy sốc, thất vọng khi trượt lớp Mười công lập, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và Hướng nghiệp 4.0 Jobway - cho rằng, nguyên nhân là vì căn bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu và niềm tin cố hữu rằng phải vào trường công thì mới tốt. Tuy nhiên, hành trình phát triển của con người là suốt đời chứ không chỉ trong một giai đoạn. Các em trượt trường công lập nhưng sự giáo dục không bị đóng lại. Còn rất nhiều cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được quản lý chất lượng bởi Sở GD-ĐT.
Ông nói thêm: “Khi bạn thành công ở tương lai, không ai hỏi trước đó bạn đậu nguyện vọng lớp Mười nào. Môi trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn sự phát triển là do bản thân. Mình có hiểu mình hay không, có biết đâu là đam mê, thế mạnh để trau dồi hay không? Ngày xưa, học sinh chỉ cập nhật kiến thức trong lớp, trong trường nên hạn hẹp. Còn ngày nay, chỉ cần các em biết mình cần học gì, muốn trở thành người như thế nào thì cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức là vô cùng rộng lớn. Thực tế cho thấy, có nhiều bạn học GDTX vẫn đi thi và đậu trường y vì có nhiều thời gian tập trung cho các môn lý, hóa, sinh”.
Động lực để quyết tâm cao hơn
Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) - cũng cho rằng lý do học sinh, phụ huynh thấy sốc khi rớt lớp Mười công lập là vì chưa chuẩn bị tâm lý về khả năng rớt cao. Tuy nhiên, trượt lớp Mười công lập không phải là vấn đề nghiêm trọng. Học sinh có thể học trường tư, hệ GDTX hoặc học trung cấp nghề rồi liên thông lên cao đẳng, đại học.
Sau khi có bằng đại học nếu muốn vẫn có thể học tiếp lên thạc sĩ như bình thường. Khi vào học những mô hình này, học sinh nên xem đây là con đường vào tương lai duy nhất để cố gắng học thật tốt. Vấp ngã ở tuyển sinh lớp Mười là động lực để các em quyết tâm cao hơn.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng - cho biết: quan điểm “chuột chạy cùng sào” mới vào GDTX hay trường nghề đã không còn đúng. Rất nhiều học sinh đã đậu trường công lập, gia đình khá giả nhưng vẫn chọn những hướng đi khác như học nghề, học GDTX hoặc trường tư thục.
Nếu học nghề, sau 3 năm, học sinh vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có chứng nhận đã hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông để liên thông lên cao đẳng, đại học. Những em này bước ra xã hội sớm, có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, không chỉ giúp ích cho gia đình, bản thân mà còn là nguồn nhân lực tốt cho xã hội.
Về những việc cần làm sắp tới, cô Bùi Thị Phương Quyên - giáo viên kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong (quận 5) - nhắn nhủ: “Các em cần trò chuyện với chính mình, viết ra những kế hoạch sắp tới. Chúng ta không nên buồn quá nhiều vì những điều đã xảy ra mà phải nhìn về tương lai, làm tốt hơn để tránh những sai lầm trước đó. Các em còn rất nhiều hướng khác để lựa chọn nên không cần áp lực đồng trang lứa”.
Ông Đào Lê Hòa An nói thêm rằng, phụ huynh phải là chỗ dựa cho con chứ không phải sụp đổ, bế tắc theo con hay trở thành áp lực của con. “Cha mẹ cần thủ thỉ với con rằng con đậu vào đâu cũng được, có chỗ học là tốt rồi. Bởi có những nơi, có những người còn không có chỗ để học. Thay vì tập trung những thứ bên ngoài, phụ huynh nên tập trung giúp con phát triển nội lực, kiên trì trên hành trình chinh phục tri thức” - ông nhấn mạnh.
Nhiều lựa chọn tốt dành cho học sinh
Ông Cao Minh Quý - Trưởng phòng GDTX, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết: TPHCM hiện có 31 trung tâm GDNN - GDTX, phủ đều ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Năm nay, tổng chỉ tiêu của các trung tâm khoảng 12.000 học sinh. Do vậy, học sinh trượt lớp Mười công lập vẫn “rộng cửa” khi chọn học ở các trung tâm này.
Ông cũng khuyên học sinh, phụ huynh không nên “kỳ thị” GDTX vì chương trình không khác gì so với các trường THPT. Học sinh vẫn học chương trình văn hóa đủ các môn để thi tốt nghiệp THPT, được giảm tải một số môn như giáo dục quốc phòng; tiếng Anh là môn lựa chọn…
Tùy theo mỗi quận, huyện nhưng mức học phí GDTX thấp hơn so với trường THPT công lập, dao động từ 100.000-180.000 đồng/tháng. Ngoài ra, tùy trường sẽ có thêm các khoản thu về chương trình tiếng Anh, tin học quốc tế… “Các em có môi trường học tập gần nhà và cũng có thể tham gia các cuộc thi của thành phố. Do vậy chỉ cần nỗ lực học tập thì ở môi trường nào cũng sẽ phát huy được khả năng của mình” - ông nhắn nhủ.
Ngoài hệ GDTX, ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, hiện TPHCM có khoảng 120 trường trung cấp, cao đẳng nhận đào tạo văn hóa song song với học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS. Các em có thể học trung cấp ở các trường trung cấp hoặc học hệ trung cấp trong các trường cao đẳng. Đồng thời, chọn học thêm văn hóa (7 môn) để thi tốt nghiệp THPT. Sau đó tiếp tục con đường học lên cao hoặc chọn chuyên sâu học nghề để sớm ra trường, tham gia vào thị trường lao động khi hoàn thành chương trình.
Hiện nay, ngành nghề đào tạo của các trường rất phong phú, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng rất khả quan. Chưa kể, học sinh tốt nghiệp THCS mà quyết định học song song chương trình văn hóa và đào tạo nghề sẽ được miễn học phí, được cộng điểm nghề nếu thi tốt nghiệp THPT.
“Nếu lấy đích đến là thị trường lao động thì so với việc học lên lớp Mười ở các trường THPT công lập, hướng đi này lại giúp các em tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí” - ông nói.
Ở các trường THPT ngoài công lập, mức học phí rất đa dạng, dao động từ dưới 1 triệu đồng đến trên 60 triệu đồng/tháng. Có nhiều trường chỉ tiêu tuyển sinh rất cao như: Trường THCS và THPT Hoa Sen gần 1.000 chỉ tiêu, học phí 2.548.000 đồng/tháng, học 2 buổi/ngày. Trường tiểu học - THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm có 1.260 chỉ tiêu, học phí là 3,6 triệu đồng/tháng, học sinh có thể chọn học bán trú hoặc nội trú. Trường tiểu học - THCS và THPT Trương Vĩnh Ký có 950 chỉ tiêu, học bán trú hoặc nội trú, học phí 3,2 triệu đồng/tháng…
Tùy tình hình thực tế có thể tuyển bổ sung
Năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã tăng thêm 5.535 chỉ tiêu lớp Mười, từ 71.820 lên 77.355. Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, sau khi công bố điểm chuẩn, sở sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để tiếp tục tuyển bổ sung, tạo cơ hội cho những thí sinh có điểm cao nhưng không đậu nguyện vọng nào (do cách đặt nguyện vọng vượt quá khả năng của bản thân) được vào các trường THPT công lập. Đồng thời với các trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu, sở cũng cho phép tiếp tục tuyển bổ sung đủ chỉ tiêu.