PNO - Tuần qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố điểm chuẩn vào lớp Mười công lập. Trong số gần 96.000 học sinh dự thi, có khoảng 19.000 em không đậu vào công lập. Tại Hà Nội, dư luận cũng “nóng lên” vì hàng trăm phụ huynh phải thức xuyên đêm xếp hàng giành suất học cho con tại nhiều trường THPT công lập theo mô hình tự chủ. Vào lớp Mười quá căng thẳng, không ít phụ huynh đã cho con tìm đến trường nghề, giáo dục thường xuyên, bởi thực tế, các em vẫn đạt được mục tiêu học tập ở các hình thức đào tạo này.
8 năm liền là học sinh giỏi, em B.T. (ngụ quận Phú Nhuận) khá thất vọng khi chỉ đạt 14 điểm cho cả 3 môn thi lớp Mười. Sau khi trượt cả 3 nguyện vọng là Trường THPT Phú Nhuận, Trường THPT Võ Thị Sáu và Trường THPT Phan Đăng Lưu, em và gia đình buồn bã, thậm chí là căng thẳng giữa các thành viên vì không biết con đường học phía trước thế nào. Cuối cùng, do điều kiện kinh tế không mấy dư dả, cha mẹ quyết định cho em học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Phú Nhuận.
Học sinh Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành - Ảnh: T.T.
Cách đây nửa tháng, chị Hồng Như (ngụ quận Bình Tân) băn khoăn tìm hướng đi cho con vì có khả năng con rớt cả 3 nguyện vọng. Với mức lương của công nhân, chị quyết định cho con học tại Trung tâm Giáo dục phổ thông của Trường đại học Công Thương TPHCM. Chị chia sẻ: “Mức chi phí ở trung tâm cao hơn trường công lập nhưng không đáng kể. Tôi thấy nhiều cháu ở gần nhà cũng học ở đó nên khá yên tâm”. Tương tự, em P.T. (ngụ quận Tân Phú) đã chủ động đăng ký vào học tại Trung tâm GDTX quận Tân Phú từ sớm, bởi em đã nhận ra sự phù hợp và lợi ích của GDTX.
“Vì không quá áp lực về thời gian, kiến thức nên các em có điều kiện để trau dồi kỹ năng mềm, tiếng Anh hoặc các môn học yêu thích. Cuối lớp Mười hai, các em vẫn dự thi tốt nghiệp THPT và có cơ hội học tại các trường cao đẳng, đại học như những học sinh khác” - ông Cao Văn Hóa - Phó giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận 1 - cho hay. Năm nay, trung tâm tuyển 250 chỉ tiêu lớp Mười vào 2 cơ sở. Với mức học phí 120.000 đồng/tháng, các em được học các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thời gian trống có thể sinh hoạt thể dục thể thao hoặc học lớp định hướng nghề nghiệp với các nghề như điện, điện tử, tin học, nấu ăn… Cơ sở vật chất của trung tâm được đầu tư khang trang, sạch sẽ, phòng học được trang bị máy lạnh, ti vi, sàn gỗ… để đảm bảo môi trường học tập tốt nhất. Sĩ số mỗi lớp dưới 25 học sinh cũng tạo thuận lợi để giáo viên quan sát, hiểu rõ tình hình học tập của từng em.
Thực tế, nhiều học sinh dù học GDTX nhưng vẫn đậu vào trường cao đẳng, đại học mình mơ ước. Em Nguyễn Lê Minh Hiếu (ngụ quận Tân Bình) từng bị ngăn cản khi chọn học tại Trung tâm GDTX quận Tân Bình. Nhưng cuối cùng, em vẫn trở thành sinh viên ngành quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM) với tổng điểm xét tuyển là 21 (khối C00). Em nói: “GDTX có học phí thấp, chất lượng giảng dạy tốt và bằng cấp cũng tương đương với trường THPT công lập. Học ở môi trường nào cũng vậy, quan trọng là do mình cố gắng”.
Đường vòng mà không xa
Tuần qua, thay vì chen chúc nộp hồ sơ vào lớp Mười, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đã “quyết” cho con mình học nghề theo mô hình 9+. Chị Trần Thu Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết con gái chị có lực học khá, dù 38 điểm nhưng với mức độ cạnh tranh gay gắt như năm nay, con chị trượt hết các nguyện vọng. “Gia đình cũng tính đến chuyện cho con học trường tư, tuy nhiên năm nay trường tư có tiếng lấy điểm rất cao, chưa kể học phí đắt đỏ. Vậy nên, tôi cho con học hệ 9+ tại trường cao đẳng. Trường có nhiều ngành để con chọn như chăm sóc sắc đẹp, công nghệ dệt may và thời trang…” - chị Mai cho hay.
Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp năm 2023 của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM là 960 học sinh với 15 ngành học, trong đó có cả chỉ tiêu dành cho học sinh tốt nghiệp THCS 9+ (trong ảnh: Học sinh của trường trong giờ học thực hành) - Ảnh: T.T.
“Ưu điểm của mô hình 9+ là học sinh có thể rút ngắn thời gian học. Học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp hoặc cao đẳng sau 3-4 năm học. Hơn nữa, học sinh học nghề được miễn học phí, còn học phí học văn hóa thì đóng theo quy định của các trường công” - tiến sĩ Nguyễn Yên Thắng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm (Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) - thông tin. Ở trường này, chương trình được thiết kế 70% thực hành và 30% lý thuyết nên rất thiết thực. Học sinh còn được trải nghiệm và làm việc thực tế tại doanh nghiệp sản xuất. Một số ngành như công nghệ ô tô, máy lạnh, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, cắt gọt kim loại, cơ điện tử… sinh viên ra trường có thể đi làm ngay với thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng.
Tại TPHCM, mô hình 9+ được nhiều trường triển khai và đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều phụ huynh, học sinh. Ông Phan Văn Thanh Cần - Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM - cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp năm 2023 là 960 học sinh với 15 ngành học, trong đó có cả chỉ tiêu dành cho học sinh tốt nghiệp THCS 9+. Học sinh hệ 9+ được miễn phí học nghề, chỉ đóng học phí học văn hóa theo quy định. Trường còn có học bổng khuyến khích học tập cho học sinh có kết quả học tập khá, học bổng xã hội cho những trường hợp khó khăn, hỗ trợ vay vốn tín dụng tại địa phương đối với học sinh mồ côi cha mẹ, hộ nghèo, cận nghèo…
Năm nay, Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM tuyển 180 chỉ tiêu hệ 9+, đến nay trường đã tuyển được hơn 150 chỉ tiêu. Trong 7 ngành tuyển sinh: quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, điện công nghiệp thì ngành kỹ thuật chế biến món ăn và thiết kế đồ họa được học sinh chọn nhiều nhất. Ông Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Hiện tại đã có 5 khóa 9+ cao đẳng ra trường. 60% sinh viên học tiếp lên đại học, 30% chọn đi làm. 5 năm liền, học sinh của trường đậu tốt nghiệp THPT 100%. Nhiều em học rất tốt, như Trần Khánh Bảo, 3 năm liền là học sinh giỏi, đang học năm cuối cao đẳng ngành dược, và học song song ngành y của Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM”.
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội: Cơ hội tiếp cận việc làm sớm
Không phải cứ học sinh trượt THPT công lập mới vào học nghề mà quan trọng là việc định hướng cho các em chọn hướng học tập phù hợp với năng lực và sở trường của mình.
Hiện nay, học sinh học THPT công lập hay học văn hóa tại các trường nghề (gọi tắt mô hình 9+) thì cơ hội các em là ngang nhau. Sau 3 năm, các em vẫn có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các bạn cùng học lớp Chín với mình trước đó.
Thậm chí, học sinh học 9+ có cơ hội tiếp cận việc làm sớm hơn. Học sinh đã học mô hình 9+, không học liên thông cao đẳng thì đi làm cũng có lương tối thiểu 7 triệu đồng/tháng.
Quan trọng hơn cả là khi vào học, nhà trường sẽ có cam kết với phụ huynh về vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Như trường tôi luôn có liên hệ với các doanh nghiệp lớn trong việc hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
9+ cao đẳng bán du học Úc Trường cao đẳng Quốc tế TPHCM vừa triển khai chương trình phổ thông cao đẳng của Úc dành cho học sinh sau THCS. Theo đó, học sinh học 3 năm hệ THPT (lớp Mười, Mười một, Mười hai) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT và dự bị cao đẳng của Úc tại Việt Nam. Năm thứ tư (19 tuổi) học năm cuối của bậc cao đẳng tại Úc. Các ngành tuyển sinh: công nghệ thông tin (phát triển web), quản trị kinh doanh, quản trị du lịch lữ hành.
Sau khi tốt nghiệp tại Úc, sinh viên được trường đối tác giới thiệu việc làm tại Úc hoặc học tiếp lên đại học của Úc (chỉ 2 năm). Đây là chương trình giảm được chi phí du học do thời gian đầu học tại Việt Nam.