Không vào được lớp 10 công lập, cánh cửa không khép lại

27/06/2022 - 07:28

PNO - Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM công bố điểm kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều học sinh buồn bã cho biết đã cầm chắc “vé rớt” trường công lập. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lựa chọn cho các em để tiếp tục con đường học tập.

Xem điểm, buồn, nhưng... 

Em M.C. (ngụ Q.6) cho biết sau khi thi xong em rất buồn vì làm bài thi không tốt. Biết chắc khó đạt nguyện vọng 1 và 2, nhưng em vẫn hy vọng điểm thi đủ để vào nguyện vọng 3 là Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q.8). Thế nhưng, em cũng khá bất ngờ khi biết tổng điểm thi 3 môn chỉ 6,5 điểm (văn 2,25 điểm; tiếng Anh 2,25 điểm; toán 2 điểm).

“Sức học của em không khá nhưng cũng không quá tệ. Khi thi, một phần do áp lực, căng thẳng quá mức nên em làm sai nhiều, dù sau đó bình tĩnh đọc lại đề thấy nhiều câu mình có thể làm được. Khi đăng ký nguyện vọng, em đã biết lượng sức chọn những trường tốp dưới. Nhưng lúc biết điểm thấp quá thì em thấy hết hy vọng rồi”, M.C. tâm sự.

Tại Trường cao đẳng nghề TP.HCM, học sinh hệ 9+ vừa được học văn hóa vừa được học nghề với cơ hội có việc làm là 100% - ẢNH: P.T.
Tại Trường cao đẳng nghề TPHCM, học sinh hệ 9+ vừa được học văn hóa vừa được học nghề với cơ hội có việc làm là 100% - Ảnh: P.T.

Có học lực khá nhưng điểm thi của em H.T. (Q.10) cũng không được như mong muốn, chỉ 14,75 điểm cho cả 3 môn. Mức điểm này khó lòng đậu cả 3 nguyện vọng em đăng ký là Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), Trường THPT Hùng Vương (Q.5) và Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10). Em cho biết thất vọng về môn toán vì chỉ được 3,35 điểm. Có thể vì đề toán có nhiều bài thực tế em bị trừ điểm lỗi diễn đạt nên kết quả thấp hơn dự tính.

Còn em Q.A. (ngụ Q.Bình Thạnh) thì không quá buồn nhưng cũng khá thất vọng vì chỉ đạt 3 điểm cho cả 3 môn (văn 0,5 điểm; tiếng Anh 1,75 điểm; toán 0,75 điểm). Ý thức được học lực yếu nên em cũng xác định trước khó có cửa vào trường công. Tuy vậy, suốt nhiều tháng trời em vẫn tập trung luyện thi rất nghiêm túc ở trường cũng như ở các trung tâm để hy vọng có thể tìm cho mình một cơ hội.

Trong khi đó, chị Thu Thủy (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết con chị có học lực dưới trung bình nên chị cũng xác định trước tinh thần con không vào được công lập và không quá đặt áp lực với con. Em H.P., con chị được tổng điểm ba môn là 9 nên dù chưa có điểm chuẩn chị cũng biết con khó có cửa đạt cả ba nguyện vọng. Vì vậy, chị Thủy đã tính toán tìm cho con một trường tư có học phí vừa phải. 

Còn nhiều con đường để đến cùng một đích

“Với những em có học lực quá thấp nếu cố gắng áp lực các em đạt đầu vào trường công thì sau này trong quá trình học các em cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thay vì vậy, còn nhiều lựa chọn khác phù hợp năng lực học sinh và khả năng kinh tế gia đình nhưng vẫn giúp các em đạt được mục tiêu của mình”, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM - cho hay.

Theo thầy Lộc, với thực tế “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay thì việc vừa học nghề vừa học văn hóa theo hệ 9+, các em có cơ hội tham gia thị trường lao động sớm và vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học. Đến khi có được bằng đại học, các em đồng thời cũng có thâm niên, vị trí trong công việc tốt hơn so với các em theo con đường học công lập lên đại học rồi mới đi làm. Thầy Lộc cho biết thời gian qua, nhiều em học lực giỏi cũng chọn học hệ 9+. Thậm chí, nhiều giám đốc doanh nghiệp vẫn cho con vào học trường nghề vì họ cũng từ học nghề đi lên nên muốn con mình nắm thực tế chứ không chỉ kiến thức sách vở suông.

Tại Trường cao đẳng nghề TPHCM, thạc sĩ Phạm Thị Châu Hương - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh đào tạo thường xuyên - cho biết năm nay trường tuyển 595 chỉ tiêu hệ 9+ và dù chưa có kết quả tuyển sinh lớp 10 công lập nhưng đã đạt gần 50% chỉ tiêu. Theo cô Hương, nhiều em chủ động chọn con đường vừa học văn hóa vừa học nghề vì giúp các em đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất, các em vẫn được học bảy môn văn hóa để có thể tham gia thi lấy bằng tốt nghiệp THPT và tiếp tục theo đuổi con đường đại học. Thứ hai, học sinh có thêm bằng nghề với tỷ lệ có việc làm là 100% vì trường giới thiệu chỗ làm, đảm bảo đầu ra cho các em.

Còn theo thầy Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5) - năm nay trường tuyển 400 chỉ tiêu lớp 10. Học sinh được học văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhưng không quá nặng nề mà chú trọng phát triển toàn diện học sinh với các hoạt động thể thao, văn nghệ, võ thuật... Học xong, các em cũng được thi tốt nghiệp THPT và có các cơ hội học tập như học sinh ở trường THPT khác. Trung tâm còn phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề để tổ chức dạy nghề miễn phí cho các em. Các ngành nghề năm nay đều thực tế, phù hợp nhu cầu của thị trường lao động, như: logistics, chăm sóc sắc đẹp, quản lý bán hàng siêu thị, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ điện tử, kế toán. Sau hai năm, các em có thêm bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, đồng nghĩa với có thêm một cơ hội so với các bạn ở trường 
phổ thông… 

Gần 50.000 chỉ tiêu ngoài công lập, trường nghề, giáo dục thường xuyên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm nay TPHCM có hơn 108.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có gần 93.000 em thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Như vậy, có gần 15.000 em đã chủ động chọn loại hình học tập khác phù hợp hơn. Trong đó, nhiều em chọn học tại trường tư, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc du học. Năm nay, các trường THPT công lập chỉ tuyển 72.800 chỉ tiêu, nghĩa là có hơn 20.000 em thi rớt công lập. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập, trường nghề, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có đến 50.000 chỉ tiêu hoàn toàn “rộng cửa” cho các em lựa chọn.

Phương Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI