Không ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản là không công bằng

30/08/2021 - 07:50

PNO - Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi cá nhân, doanh nghiệp. Các ngân hàng đã hỗ trợ bên vay bằng cách giảm lãi suất cho vay, nhưng doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán lại bị bỏ nằm ngoài danh sách được ưu đãi lãi suất.

Ngân hàng “ưu tiên đối tượng khó khăn nhất” 

Hàng loạt ngân hàng (NH) thương mại công bố sẽ giảm lãi suất (LS) cho vay, LS mới chỉ từ 4%/năm, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Riêng bốn NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công Thương Việt Nam  (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) còn cam kết dành thêm 1.000 tỷ đồng mỗi NH để giảm lãi vay cho các khách hàng với mức giảm lãi từ 0,5 - 1,5%/năm tùy trường hợp.

Một số NH cũng giảm LS cho vay trung, dài hạn xuống còn 7%/năm. Các ngành nghề được hỗ trợ gồm dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu. Bất động sản (BĐS) và chứng khoán là những ngành không nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi vay.

Doanh nghiệp bất động sản không được hỗ trợ sẽ khiến nhiều ngành liên quan khó khăn theo
Doanh nghiệp bất động sản không được hỗ trợ sẽ khiến nhiều ngành liên quan khó khăn theo

Đại diện Vietcombank cho biết, sẽ giảm LS từ 0,3 - 0,5%/năm cho khách vay ở 19 tỉnh phía Nam từ ngày 18/8 đến 31/12, nhưng không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, kinh doanh BĐS, vay cầm cố giấy tờ… 

NH Quân Đội (MBBank) giảm LS cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Riêng khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ được giảm 1,5%/năm. Khách cá nhân vay sản xuất kinh doanh, mua nhà ở được giảm 2%/năm (khu vực phía Nam) và giảm 1,5% (các địa bàn khác).

Khách hàng doanh nghiệp (DN) vay vốn lưu động, đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh được giảm 1%/năm. NH chưa xem xét giảm LS vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh BĐS (mua đi bán lại). Theo ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MBBank, việc giảm lãi dựa trên đánh giá cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh, cam kết của khách hàng và mức độ bị dịch bệnh ảnh hưởng. 

Theo giám đốc chi nhánh một NH thương mại cổ phần tại TP.HCM, nếu DN BĐS bị thiệt hại nặng nề và có lịch sử tín dụng tốt thì tùy trường hợp, vẫn được xem xét giảm. Hiện cả xã hội đang khó khăn, NH phải ưu tiên hỗ trợ đối tượng khó khăn nhất. Cá nhân, DN vay kinh doanh BĐS có tài sản, có thu nhập tốt nên không quá khó khăn. “Đầu tư BĐS là một cuộc chơi, dịch bệnh là rủi ro, đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. NH cũng là DN, khả năng có hạn, không thể hỗ trợ được mọi đối tượng” - vị giám đốc này nói. 

Đại diện NH Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cho biết, NH đang giảm lãi cho cả khách hàng cá nhân và DN thuộc mọi lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh ở các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Khi có kiến nghị giảm lãi của khách (kể cả khách vay kinh doanh BĐS, DN BĐS), NH sẽ thẩm định mức độ bị ảnh hưởng, sự đáp ứng các điều kiện của NH rồi mới xem xét giảm lãi tùy từng trường hợp.

Theo đó, NH này sẽ giảm 1%/năm cho khách hàng DN đối với khoản vay tín chấp và 0,5% đối với khoản vay thế chấp từ ngày 20/7 đến hết ngày 31/12; giảm 1% đến hết kỳ trả nợ cho khách hàng cá nhân vay kinh doanh có thế chấp (gồm cả vay kinh doanh BĐS) đối với khoản vay ngắn hạn và đến ngày 31/12 đối với khoản vay dài hạn; giảm 1,5% cho khách hàng đối với khoản vay tín chấp mới được phê duyệt từ ngày 20/7 đến tháng 10/2021 trong kỳ hạn vay. 

Doanh nghiệp bất động sản đề nghị “không phân biệt đối xử”

Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc LDG Investment - cho biết trong gần ba tháng giãn cách xã hội vừa qua, ngành BĐS không thể hoạt động, chỉ giao dịch trực tuyến trong những ngày đầu giãn cách và nay cũng đã phải ngưng hoàn toàn: “Từ đầu tháng 7/2021, LDG Investment đã cho 100% nhân viên làm việc tại nhà nhưng vẫn phải trả lương và duy trì các hoạt động qua hình thức online. Trong khi hoạt động xây dựng và kinh doanh ngưng trệ, DN vẫn phải đóng lãi đủ cho NH. Do đó, NH cần sớm có hỗ trợ DN BĐS bằng cách giảm LS, giãn nợ để DN có thể trụ được và phát triển sau dịch”.

Trong dịch bệnh, doanh nghiêp bất động sản cũng đôi diện hàng loạt khó khăn cần được hỗ trợ
Trong dịch bệnh, doanh nghiêp bất động sản cũng đối diện hàng loạt khó khăn cần được hỗ trợ

“Sao lại phân biệt đối tượng khách hàng vay trong lúc này, khi mà ai cũng khó khăn và trả lãi sòng phẳng? Thậm chí, DN BĐS còn trả lãi cao hơn những ngành khác” - bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - bức xúc. Theo bà, dự án BĐS không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn tạo ra biết bao công ăn việc làm, thay đổi môi trường sống cho người dân, đóng góp rất lớn cho ngân sách. Khó khăn lần này không phải do nội tại DN hay do thị trường mà do dịch bệnh, là trường hợp bất khả kháng, nên DN cần được đối xử công bằng như nhau.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng việc giảm lãi của NH hiện nay có vẻ mang tính chiến thuật hơn là chiến lược. Trong khi với lợi nhuận “khủng” như công bố vừa qua, các NH có thể ân hạn, khoanh nợ, giãn nợ cho tất cả khách hàng khó khăn do dịch bệnh chứ không chỉ giảm lãi. Ngành BĐS không chỉ buôn bán nhà, đất mà còn tạo ra nhiều nhà ở mới, cung cấp một lượng hàng hóa cho thị trường nên nó vẫn tạo ra GDP thật, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề khác.

Ông nói: “Việc DN BĐS không được hỗ trợ, không được khoanh, giãn nợ, giảm lãi vay sẽ khiến những người lao động trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực liên quan khó khăn theo. Vì vậy, tôi cho rằng, cách hành xử của NH hiện nay chưa phù hợp”.  

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM - các tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán giảm LS cho vay. Vừa qua, có 16 NH cam kết giảm lãi từ tháng 7/2021 đến cuối năm, tương đương 20.300 tỷ đồng qua hai nguồn: cắt giảm chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận. Ngoài ra, bốn NH có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank giảm thêm mỗi NH 1.000 tỷ đồng cho các địa phương gặp khó khăn do dịch bệnh. Hiện NH Nhà nước chỉ giám sát việc thực hiện của các NH, còn việc chọn đối tượng nào để hỗ trợ, mức giảm bao nhiêu, hình thức giảm ra sao tùy thuộc quyết định của các tổ chức tín dụng.  

Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị: “Các tổ chức tín dụng cam kết giảm LS cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội NH Việt Nam cần giữ uy tín trước người dân và DN. Việc hỗ trợ cần thực chất, hiệu quả. NH Nhà nước sẽ giám sát dựa trên cam kết của NH. NH Nhà nước sẽ xem xét chính sách khuyến khích hoặc sẽ hạn chế tín dụng nếu NH giảm LS không thực chất”. Nội dung tiếp theo

Bất động sản liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) - cho rằng hằng năm, ngành BĐS đóng góp khoảng 7 - 8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN BĐS vượt qua đại dịch COVID-19 lần này. Hiện nay, muôn vàn cái khó đang bủa vây DN BĐS giống như bao ngành nghề khác, nhưng hầu như DN BĐS chưa được các NH xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì bị coi là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. HoREA đề nghị NH Nhà nước tác động để các NH thương mại xem xét giảm lãi vay cho tất cả khách hàng đang khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có DN BĐS.


Thanh Hoa - Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI