PNO - Tôi thật sự bất ngờ về sự bỉ ổi của con người đã từng đầu gối tay ấp. Con gái biết được thì khóc: Mẹ đừng giao con cho ba... Tiếng khóc của con trẻ nghe mà nhói lòng.
Hai tám tuổi với nhiều người đây là khoảng thời gian đẹp nhất, chín chắn nhất cho đời mình, thì tôi đã người mẹ của đứa con gái sáu tuổi. Cuộc hôn nhân vội vã khi mới rời khỏi trường đại học có thể nói là một sai lầm lớn của cuộc đời.
Tốt nghiệp loại giỏi trường đại học sư phạm Hà Nội, tôi may mắn được đặc cách biên chế về Phú Thọ ngay năm đó trong khi bạn bè vẫn chật vật xin việc. Có lẽ cũng bởi từ bé mọi việc của tôi khá thuận lợi, nên tôi luôn nhìn mọi việc thật đơn giản. Tôi dạy học cách nhà hai chục cây số nên ở lại khu tập thể của trường, chỉ cuối tuần tôi mới về nhà bố mẹ. Cuộc sống sau khi ra trường thật nhẹ nhàng và bình an.
Rồi tình cờ tôi gặp chồng tôi trong một lần về nhà và xe hỏng dọc đường. Câu chuyện của chúng tôi quả thực ban đầu lãng mạn hệt trong phim. Tôi hỏng xe, dắt bộ, anh xuất hiện trợ giúp. Một chút nhẹ nhàng, khéo léo, một chút ân cần chu đáo... nói chung tôi đổ rụp. Đám cưới của chúng tôi diễn ra rất chóng vánh mặc lời ngăn cản kịch liệt của ba mẹ và đồng nghiệp. Lý lẽ của mọi người là chúng tôi không tương xứng về trình độ (anh chỉ học hết lớp mười hai), tuổi tác (anh thua tôi tới ba tuổi)... Nhưng mặc kệ, tôi nghĩ rằng có tình yêu mãnh liệt thì chúng tôi có thể vượt qua tất cả. Anh chưa có công việc ổn định thì chúng tôi sẽ tìm sau. Người ta vẫn nói một túp lều tranh hai trái tim vàng kia mà...
Ảnh minh họa
Thời gian đầu chung sống, quả thật cuộc sống đúng như trong giấc mơ. Anh chiều tôi hết mực. Ngày lễ, ngày kỉ niệm anh luôn làm tôi bất ngờ. Đi dạy về nhà cửa cơm nước đã thấy anh chu toàn... Tôi thậm chí còn hãnh diện về điều đó.
Tuy nhiên mấy tháng sau tôi vẫn không thấy anh đả động gì đến chuyện đi làm cả. Từ gợi ý đến thẳng thừng... anh vẫn lơ đi. Rồi anh nổi cáu với tôi. Mỗi lần cần chi tiêu, anh đều lấy tiền vợ, thậm chí còn về xin tiền mẹ, trong khi gia đình chồng cũng không hề khá giả. Tới khi tôi bầu bì, anh cũng không có một đồng nào mua hộp sữa cho vợ, hỏng xe cũng phải lục ví vợ lấy tiền đi sửa. Cảnh đó tái diễn dài dài tôi bắt đầu thấy oải. Và cứ tôi cất lời thì anh cắt ngang: “Mày đừng cậy nhiều chữ mà lên mặt với tao”.
Đã vậy không hiểu vì sao, càng ngày anh càng ghen tuông một cách thái quá. Anh cập nhật thời khóa biểu hàng ngày lên lớp của vợ để theo dõi, mỗi lần đi đâu đó mà về muộn là nhà cửa lại một phen ầm ĩ. Tôi xấu hổ với cả khu tập thể bởi những lời lẽ chợ búa chồng dùng để chửi mình... Đồng nghiệp thương, cũng tìm giúp cho việc này việc khác, nhưng việc nào anh cũng chê. Mà thật, với một người mới chỉ tốt nghiệp THPT thì việc nào cho xứng mà anh ta đòi hỏi. Vậy nên, rạn nứt lớn dần và khi con gái được ba tuổi chúng tôi chia tay.
Ly hôn, tòa xử con gái ở với mẹ và anh ta trợ cấp nuôi con một triệu mỗi tháng. Tôi nghĩ thân anh ta còn không lo nổi thì nói gì con, vậy nên khi tòa hỏi thì tôi chỉ yêu cầu như vậy. Anh ta cũng đồng ý.
Ảnh minh hoạ
Nhưng rồi anh ta đã không để cho mẹ con tôi yên. Nuôi con một mình tôi khá vất vả. Khổ nhất là thi thoảng anh ta tự tiện đón con từ lớp về thẳng ngoài quê. Con bé phải xa mẹ, lại đang đi học nên mọi thứ bỗng xáo trộn hết lên. Độ bốn, năm ngày anh ta mới mang con bé “trả” về mẹ. Sau mỗi lần như thế, tâm lí con bé không được ổn định. Sau cùng tôi phải dặn cô giáo không cho ba cháu đón nữa.
Chuyện trợ cấp cho con thì đúng là chỉ có trên giấy tờ cho vui... Sau ly hôn, anh ta đi làm công nhân. Lương tháng có nhưng anh ta không đưa tôi tiền trợ cấp nuôi con một lần nào cả. Thi thoảng bé con về bên nội, anh ta mua cho độ hai lốc sữa tươi (chừng khoảng năm chục ngàn) là hên lắm rồi. Tịnh không có một món đồ chơi hay bộ quần áo nào từ bố.
Tôi nghĩ thôi thì lương mình tuy thấp nhưng vẫn đủ cho hai mẹ con sống nên không đòi hỏi gì. Và suốt mấy năm nay thực tế mẹ con tôi vẫn sống rất đoàng hoàng.
Đến giờ, bé con chuẩn bị vào lớp một. Anh ta đột nhiên giở chứng đòi tôi phải cho anh ta tiền thì tôi mới tiếp tục được nuôi con. Tôi thật sự bất ngờ về sự bỉ ổi của con người đã từng đầu gối tay ấp. Con gái biết được thì khóc: Mẹ đừng giao con cho ba... Tiếng khóc của con trẻ nghe mà nhói lòng.
Tất nhiên không đời nào tôi để anh nuôi con, nhưng tôi thật sự mệt mỏi mệt với con người ấy. Làm to chuyện đương nhiên luật pháp sẽ đứng về phía người mẹ đơn thân như tôi, nhưng con tôi sẽ càng thêm tổn thương vì cuộc chiến của đấng sinh thành. Bây giờ thi thoảng anh ta lại nhắn tin dọa sẽ đưa con về nội nếu tôi "không biết điều". Quả thật, tôi cảm thấy rất mệt mỏi và hoang mang.
Gặp nhau vì một chữ duyên trong đời, vậy mà chia tay khi hết duyên sao anh ta không để lại cho tôi và con một chút nghĩa tình, trách nhiệm?
Thùy Hương (Ghi theo lời kể của chị T.L giáo viên ở Phú Thọ)