Không tìm ra người sửa điểm tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, kết luận cho xong?

20/12/2019 - 07:24

PNO - Sau hơn tám tháng, tổ xác minh đã không tìm ra nhân tố chính trong sự vụ này nhưng đã “kết luận”. Liệu “kết luận” này có đủ thuyết phục hay đơn giản chỉ muốn khép lại vụ việc cho êm chuyện?

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản trả lời về việc phản ánh sửa điểm bài kiểm tra giữa kỳ tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp). Nội dung thể hiện rằng, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc sửa điểm bài kiểm tra giữa kỳ học kỳ II năm học 2018 - 2019 tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, ngày 22/4/2019, Sở GD-ĐT đã yêu cầu nhà trường báo cáo nhanh và cử tổ công tác đến trường làm việc. 

Khong tim ra nguoi sua diem tai Truong THPT Nguyen Cong Tru, ket luan cho xong?
Buổi sinh hoạt chuyên đề về kiến thức pháp luật tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ - Ảnh: website trường

Tổ công tác đã hướng dẫn nhà trường quy trình thẩm tra các bài kiểm tra cũng như phương pháp nghiệp vụ liên quan; đồng thời yêu cầu nhà trường đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, sớm có kết luận. Căn cứ báo cáo của tổ xác minh, trong đó, tổ xác minh nhận thấy quy chế tổ chức các kỳ kiểm tra tại trường không bàn giao bài làm và tổ chức chấm thiếu chặt chẽ, không đủ cơ sở kết luận nội dung phản ánh. 

Căn cứ vào hàng loạt báo cáo từ tổ xác minh, kiểm điểm từ phía nhà trường, Sở GD-ĐT cho rằng quy trình tổ chức chấm bài kiểm tra tập trung của trường này thiếu chặt chẽ, không rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận. Vì vậy, không đủ điều kiện để xác minh nội dung phản ánh việc sửa điểm.

Bên cạnh đó, sở này nghiêm khắc phê bình bà Phạm Thị Thu Hồng, hiệu trưởng nhà trường, với lý do ban hành quy chế kiểm tra đánh giá chưa chặt chẽ; thiếu kiểm tra, giám sát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà trường và của ngành GD-ĐT thành phố.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lành, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tham mưu quy chế kiểm tra không đầy đủ, thiếu chặt chẽ; tổ chức chấm bài trắc nghiệm lỏng lẻo, thiếu khách quan, không rõ ràng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà trường và ngành GD-ĐT thành phố. Đồng thời, sở yêu cầu hiệu trưởng nhà trường thông báo văn bản này trước tập thể sư phạm, rút kinh nghiệm và xây dựng lại quy chế kiểm tra đánh giá, đảm bảo tính khách quan, rõ ràng, đúng quy định.

Từ đây, có thể thấy, từ trường đến cơ quan quản lý đã không thể tìm ra hoặc không thể nói ra được ai là người sửa điểm, sửa như thế nào. Nếu không tìm ra được bản chất của sự vụ sao đã kết luận? Giáo viên, học sinh và dư luận cũng không cần một kết luận vội bởi vốn đã chờ đợi thời gian “ngâm cứu” quá lâu kể từ ngày có đơn tố cáo vụ việc.

Trước đó, từ ngày 11/3 - 13/3, Trường THPT Nguyễn Công Trứ tổ chức kiểm tra giữa học kỳ II năm 2018 - 2019 cho học sinh các khối lớp. Theo phản ánh của giáo viên, cô Huỳnh Thị Ngọc Lành, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, phụ trách chấm thi cho trường có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quy chế thi cử. Những giáo viên này cho rằng, có sự bất thường trong bài làm và điểm thi của một học sinh lớp 12A9. Do nghi ngờ trước, các giáo viên đã chụp lại bài làm của học sinh ngay sau khi bài thi hoàn thành. Sau khi kết quả kỳ thi được công bố, các giáo viên khẳng định có sự gian lận, điểm thực tế của học sinh thấp hơn điểm được công bố nên ngày 19/4 đã tố cáo sự việc lên nhà trường. Cụ thể, các câu trắc nghiệm trong phiếu trả lời bài thi các môn toán, tiếng Anh, sinh, lý, hóa đã được chỉnh sửa từ sai thành đúng nhằm nâng điểm. Trong đó, môn toán được sửa bảy câu (nâng 1,6 điểm), môn tiếng Anh sửa chín câu (1,8 điểm), môn sinh sửa sáu câu (1,5 điểm), lý và hóa mỗi môn sửa hai 
câu (0,8 điểm).
Theo thông tin từ các giáo viên tố cáo, học sinh này trong lớp có học lực trung bình khá nhưng điểm thi thường đạt loại khá giỏi. Từ sự bất thường này, các học sinh có ý kiến và nhiều giáo viên trong trường đã âm thầm theo dõi.

Câu hỏi đặt ra là: vì sao học sinh biết, giáo viên có thể theo dõi ra sự việc nhưng cả tổ xác minh không thể tìm ra được ai thực hiện hành vi đó? Hành vi sai trái đó được tiến hành như thế nào?... Chỉ một câu vì quy trình lỏng lẻo nên không đủ điều kiện để xác minh nội dung phản ánh việc sửa điểm - là không đủ thuyết phục.  

Nghi vấn là vì sao có sự sửa điểm này và nó chỉ diễn ra với một cá nhân? Thông tin từ các giáo viên của trường cho biết, học sinh được sửa điểm có cha mẹ là cán bộ quản lý cấp trường ở trường phổ thông khác và giáo viên tại trường này. Vậy, vụ sửa điểm này chỉ trùng hợp ngẫu nhiên là “thương trò” hay vì mục đích khác? Thiết nghĩ, dù với lý do gì thì hành động gian dối này không chỉ bất công với những học sinh khác mà còn nhẫn tâm với cả học sinh bị sửa điểm.  

Trở lại vụ sửa điểm, trong cuộc gặp những giáo viên phản ánh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng thừa nhận: qua xác minh, bộ phận chuyên môn đã thấy rõ có hành vi sửa điểm, xóa đáp án này để chọn đáp án khác.

Nhưng với trình độ, năng lực và điều kiện của tổ xác minh thì không xác định được người nào thay đổi đáp án. Người tố cáo cho rằng, hiệu phó chỉ đạo vụ này nhưng cũng không đủ chứng cứ để xác định. Ông dẫn chứng vụ gian lận điểm thi ở phía Bắc cũng cần phải có nghiệp vụ giám định của công an mới ra được kết quả… Trong khi đó, giáo viên thì cho rằng “ai cũng biết là ai đó” nhưng vì không đủ chứng cứ nên phải “bó tay”. 

Nếu ngành giáo dục không đủ nghiệp vụ tìm ra vấn đề để xử lý thì có thể mời công an vào cuộc điều tra. Đừng nghĩ rằng quy mô kỳ kiểm tra nhỏ, chuyện lại chỉ xảy ra trong phạm vi một vài cá nhân mà xem nhẹ. 

Gia Tuệ

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI