Không tiền lấy gì nghỉ hưu?

17/05/2023 - 06:01

PNO - Ở nhiều nước phát triển đang có xu hướng người nghỉ hưu phải quay lại làm việc để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, không ít người trẻ cũng đang cố gắng bắt đầu kế hoạch dành dụm cho tuổi nghỉ hưu.

Trở lại làm việc để trang trải cuộc sống

Vào dịp Giáng sinh năm 2022, một video TikTok và chiến dịch GoFundMe đã giúp quyên góp hơn 100.000 USD để ông Warren Marion - nhân viên thu ngân 82 tuổi của siêu thị Walmart tại bang Maryland (Mỹ) - có thể nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ. 

Báo cáo về Người lao động lớn tuổi và Hưu trí của Viện Chính sách kinh tế (EPI, Mỹ) cuối năm 2022 cho thấy, những người không đủ khả năng tài chính để nghỉ hưu phải chấp nhận mức lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ vì biết rằng họ có rất ít cơ hội tìm được một công việc tốt hơn hoặc cơ hội quay lại thị trường lao động nếu chẳng may mất việc. Trong 2 thập niên qua, những người lao động lớn tuổi đã trở thành bộ phận ngày càng quan trọng của lực lượng lao động. Trong quá trình phục hồi kinh tế sau cuộc đại suy thoái 2008-2009, khoảng 4/10 người Mỹ từ 55 tuổi trở lên chọn tiếp tục làm việc. Tính đến năm 2020, những người lao động lớn tuổi này chiếm 23,6% tổng lực lượng lao động Mỹ, tỉ lệ cao nhất được ghi nhận. 

Ông Yoshihito Oonami - một lao động lớn tuổi ở Nhật - nói: “Làm việc ở độ tuổi của tôi không vui chút nào.  Nhưng tôi làm để tồn tại” (ảnh chụp ông Oonami làm việc tại một cửa hàng tươi sống ở Tokyo vào tháng 7/2022) - ẢNH: SHIHO FUKADA (The New York Times)
Ông Yoshihito Oonami - một lao động lớn tuổi ở Nhật - nói: “Làm việc ở độ tuổi của tôi không vui chút nào. Nhưng tôi làm để tồn tại” (ảnh chụp ông Oonami làm việc tại một cửa hàng tươi sống ở Tokyo vào tháng 7/2022) - Ảnh: Shiho Fukada (The New York Times)

Tại sao rất nhiều người Mỹ lớn tuổi không thể nghỉ hưu? Câu trả lời của nhiều người không phải là vì họ muốn như vậy. Theo một nghiên cứu gần đây của công ty cung cấp dịch vụ lao động Paychex, 1/6 người Mỹ đã nghỉ hưu cho biết họ đang cân nhắc xem có nên kiếm việc làm hay không. Những lý do hàng đầu được đưa ra là “lý do cá nhân” (57%), “cần thêm tiền” (53%), “buồn chán” (52%), “cảm thấy cô đơn” (45%) và “lạm phát” (45%).

Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Nhật Bản liên tục đứng đầu về tỉ lệ dân số tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng người làm việc trên 65 tuổi không ngừng tăng lên trong 18 năm liên tiếp. Vào năm 2021, có 60.000 người cao niên mới tái gia nhập hàng ngũ lao động, nâng tổng số người lao động sau tuổi nghỉ hưu toàn quốc lên 9,09 triệu. Cùng năm, số người đang làm việc trong độ tuổi từ 65-69 đạt tỉ lệ 50,3%. Ngay cả ở nhóm dân số từ 70-74 tuổi vẫn có 1/3 tiếp tục làm việc thay vì nghỉ ngơi. Giữa tình trạng thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực, một số công ty đã khởi xướng các chương trình nhằm giữ chân những lao động lớn tuổi có kỹ năng chuyên môn. Tính đến tháng 3/2022, khoảng 50.000 tài xế tại Nhật Bản ở độ tuổi từ 70-74 và 20.000 tài xế khác - tương đương 8% tổng số tài xế - từ 75 tuổi trở lên.

Thế hệ trẻ chuẩn bị cho nghỉ hưu sớm hơn

Giới trẻ thường khiến các thế hệ đi trước kinh ngạc vì những sở thích tốn kém của mình. Theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester, hầu hết người sử dụng các ứng dụng “mua ngay, trả sau” đều ở độ tuổi khoảng 20.

Theo đó, thế hệ Y (sinh từ năm 1981 đến 1995) và Z (sinh từ năm 1995 đến 2012) tại Mỹ hiện tích lũy được ít của cải hơn so với cha mẹ và ông bà của mình khi ở cùng độ tuổi. Một nghiên cứu của McKinsey công bố vào năm 2022 cho thấy 1/4 thế hệ Z nghi ngờ khả năng chi trả của bản thân sau khi nghỉ hưu, có chưa đến một nửa tin rằng họ có thể sẽ sở hữu một ngôi nhà. Hay mới đây, một khảo sát tại Hàn Quốc cho thấy, cứ 5 thanh niên Hàn Quốc thì có 1 người đang nợ nần chồng chất, tiền nợ phải trả cao gấp 3 lần thu nhập.

Đối với thế hệ Y, sự bi quan về khoảng thời gian hưu trí được thể hiện rõ ràng khi 1/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ phải dựa vào con cái về mặt tài chính khi về già. Shea German-Tanner (22 tuổi) - một nhân viên xã hội ở bang Indiana, Mỹ - hiện có khoảng 600 USD trong tài khoản phòng ngừa rủi ro và cô chưa nghĩ đến việc tiết kiệm để nghỉ hưu. Dù luôn cố gắng tiết kiệm nhưng cô thường xuyên phải “đập ống heo” để chi trả các chi phí sinh hoạt ngoài dự kiến. Cô chia sẻ: “Mọi người nói với bạn rằng hãy tiết kiệm tiền và đầu tư, nhưng tôi cảm thấy mình không thể làm điều đó bởi vì tôi đang chật vật sống qua ngày”.

Ngày càng có nhiều thanh niên ở châu Á lựa chọn sống ở những căn phòng nhỏ gọn để tiết kiệm tiền - ẢNH: THE JAPAN NEWS
Ngày càng có nhiều thanh niên ở châu Á lựa chọn sống ở những căn phòng nhỏ gọn để tiết kiệm tiền - Ảnh: The Japan News 

Dù vậy, tư duy lập kế hoạch nghỉ hưu hiện nay đang thay đổi rất nhiều qua từng thế hệ. Một nghiên cứu tại Mỹ được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường OnePoll và tập đoàn bảo hiểm Prudential cho thấy, 45% người thuộc thế hệ Z đã bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ hưu trước tuổi 20 và 33% khác nghĩ đến điều đó ở độ tuổi 20. Theo một nghiên cứu mới từ công ty tư vấn đầu tư Vanguard (Mỹ), thế hệ Z đang tiết kiệm để nghỉ hưu với tỉ lệ cao hơn nhiều so với những người thuộc thế hệ Y. Catherine Collinson - Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu hưu trí TransAmerica (Mỹ) - nhận xét: “Các thế hệ trẻ đang bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn nhiều so với các thế hệ trước và điều đó hứa hẹn giúp họ có tương lai tốt hơn ở tuổi già”.

Ở... chẳng bao nhiêu 

J. - một nhân viên văn phòng sống trong căn hộ khoảng 10m2 ở trung tâm Tokyo (Nhật) được xây dựng cách đây khoảng 40 năm. Căn phòng không có phòng tắm, nhà bếp và nhà vệ sinh. Đồ đạc của J. chỉ có 1 cái bàn, 1 cái ghế, không có ti vi hay tủ lạnh. “Tôi muốn cuộc sống nhẹ nhàng, vì vậy tôi không muốn sở hữu đồ gia dụng. Tôi không cảm thấy bất tiện mà thấy thoải mái khi ở đây vì tôi có thể giao tiếp với mọi người xung quanh trong khi vẫn giữ được không gian riêng phù hợp” - người phụ nữ 31 tuổi nói.

Với Hang Dea Uk (29 tuổi), mặc dù có điều kiện mua căn nhà lớn hơn, anh chọn mua căn hộ nhỏ khoảng 30m2 gần ga Dangsan ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc). “Tôi sẽ chuyển đến nơi rộng rãi hơn khi tôi kết hôn, nhưng hiện tại tôi rất thoải mái với căn phòng của mình vì gọn gàng, tiện lợi”. Riêng John Hwang - một người Úc gốc Hàn - khi đến Hồng Kông (Trung Quốc) làm việc, dù tìm được căn hộ có kích thước chỉ bằng phòng tắm của anh ở Úc, John vẫn sống ổn và vui vẻ.

Trước khi đại dịch xảy ra, Doris Fu đã hình dung ra tương lai với căn hộ lớn hơn, xe xịn, ăn ngon vào cuối tuần và những kỳ nghỉ trên khắp thế giới. Nhưng giờ đây, nhà tư vấn tiếp thị 32 tuổi làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc) này là một trong số nhiều người trong độ tuổi 20-30 ở Trung Quốc ưu tiên cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền nhiều nhất có thể. Một bộ phận thanh niên Trung Quốc đã tìm đến lối sống đơn giản hơn trước và cảm thấy thoải mái với quyết định này.

Theo đại lý bất động sản Balleggs ở phường Meguro (Tokyo), trước đây chủ yếu là những người lớn tuổi tìm kiếm căn hộ nhỏ nhưng trong vài năm nay là những người trong độ tuổi 20-30. Arata Sato - nhân viên công ty bất động sản - cho biết: “Những người muốn sống ở một khu vực thuận tiện cao trong khi tiền thuê nhà thấp đang chọn phương án này”.

Theo ông Keisuke Nakama - Chủ tịch của Công ty Spilytus ở Tokyo - những người ở độ tuổi 20-30 ưa chuộng những căn phòng nhỏ tầm 9 - 10m2 và hầu hết những nơi cho thuê đều “full phòng”. Sacki - thợ làm tóc 22 tuổi - sống trong một căn hộ ở phường Adachi, Tokyo, rộng 9m2, bao gồm phòng tắm và nhà bếp, đồng thời có gác xép. Cô đã chọn căn hộ sau khi nhận thấy 2 yếu tố hấp dẫn: vị trí của nó gần ga tàu điện ngầm đến nơi làm việc của cô và giá thuê rẻ. “Vì thường đi làm về muộn vào ban đêm và dành ít thời gian trong phòng nên tôi không bận tâm đến diện tích nhỏ của nó. Nhờ ở chỗ nhỏ nên tôi không phải mua những sản phẩm không cần thiết vì có mua cũng không có chỗ để. Nhờ thế mà tôi không phải lãng phí tiền bạc và dành dụm kha khá”.

Ông Keisuke Nakama cho biết, những người trẻ bây giờ chọn lối sống ít vật chất hơn. “Nhiều người thuê nhà tắm tại phòng tập thể dục và một số sử dụng cửa hàng tiện lợi như tủ lạnh của họ. Điều này dường như phổ biến đối với những người coi trọng những trải nghiệm khác hơn là sở hữu đồ đạc” - ông nói.

Thu Thanh (theo Japan Times, Straits Times, SCMP)

Tấn Vĩ (theo New York Times, CBS News, Economist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI