PNO - Vết thương chiến tranh hằn lên cơ thể kéo theo những cơn đau dằng dặc, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn can trường bước qua bão giông như đã từng và tiếp tục cống hiến cho đời.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM – thăm hỏi sức khỏe nữ biệt động thành Lê Hồng Quân.
Thương hoài nội đô
Sáng 19/7, tôi theo chân đoàn cán bộ do bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - dẫn đầu về Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ thăm bà Lê Hồng Quân, một nữ biệt động mà cuộc đời và sự nghiệp đã thành huyền thoại. Đang thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Xuân - thấy khách tới, bà Lê Hồng Quân chống gậy đi vội ra cửa, siết tay từng người, xuýt xoa: “Mọi năm tôi ở Bình Thạnh (TP.HCM), Hội tới thăm quen rồi, nay về dưới này cứ nghĩ xa xôi quá các cháu không đến được, nào ngờ...”.
Bà Lê Hồng Quân tên thật là Đào Thị Huyền Nga, sinh năm 1947 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng của vùng đất Tây Đô xưa. Mười lăm tuổi, bà được xét đặc cách vào Đảng. Tại lễ kết nạp ngày 13/12/1962, tổ chức đặt tên Lê Hồng Quân làm bí danh cho Huyền Nga. Theo chủ trương của Trung ương cục miền Nam, cuối năm 1965, Lê Hồng Quân được điều động tăng cường lên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, về sau trực tiếp tham gia và là chỉ huy Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chiến đấu trong hai đợt của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Sáng 5/5/1968, bị thương, bà đã tự cầm dao chặt cánh tay trái đang lủng lẳng của mình để khỏi vướng trong lúc chiến đấu. Tiếp đó là 6 năm dài đòn roi, tra tấn từ các nhà tù ở đất liền ra đến Côn Đảo.
Bốn mươi ba năm sau ngày giải phóng, cánh tay cụt quá nửa, đôi chân đầy mảnh đạn, mắt trái mất thị lực, 23 lần phẫu thuật, nữ thủ lĩnh Lê Hồng Quân can trường, quả cảm ấy vẫn tiếp tục chống gậy đi gõ cửa khắp nơi, vừa làm chính sách cho đồng đội còn sống, vừa lo thủ tục công nhận liệt sĩ cho đồng đội đã hy sinh. “Thương hoài nội đô Sài Gòn, nơi tấm lòng bà con dành cho cánh biệt động mình như trời, biển. Có những người là cơ sở bí mật của Tiểu đoàn Lê Thị Riêng như “chị Hai đòn gánh”, “bác Tư cơm tấm”, “chị Sáu gà”, không rõ họ tên, quê quán nên làm hồ sơ khó lắm, phải ráng thôi”. Ngồi giữa những cán bộ Hội trẻ, bồi hồi nhớ thời hoa lửa, bờ vai người nữ biệt động gan góc năm xưa chợt rung lên, bà ngâm mấy câu trong bài thơ “Ngày đồng đội” do chính mình viết: “Trong nén hương lòng thêm nhớ đau/ Rõ từng gương mặt sát vai nhau/ Trên đường phố Sài Gòn xưa ấy/ Tiếp bước chân lên những chiến hào/ ... Những nòng thép đỏ trên đường tiến/ Vang lại lời vĩnh biệt thiết tha”.
Những niềm vui mới
Ngoài 70 tuổi, nữ thương binh Ba Thành vẫn còn lắm trăn trở, muốn góp sức cùng Hội chăm lo đời sống hội viên, phụ nữ.
Chiều cuối tuần, nữ thương binh Ba Thành (Nguyễn Thị Thành), ngụ P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM, ngồi ngoài hiên, miết tay lên tấm hình chụp thuở đôi mươi, móm mém cười: “Lúc trẻ cũng đẹp gái chớ. Giờ tuổi già lẻ bóng, coi Hội là bạn, là nguồn vui”. Câu nói ấy kéo ký ức bà về đoạn đời cách đây hơn 40 năm, cô gái Ba Thành vừa tròn mười tám đã thoát ly đi kháng chiến, hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Để ngụy trang tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng, vận chuyển vũ khí, Ba Thành bán hàng bông ở chợ Bà Chiểu, Thị Nghè, chợ Tân Định. Bà bị bắt trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Từ đó là chuỗi ngày nếm đủ mọi đòn tra tấn của địch, qua bốt Hàng Keo, nhà tù Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa rồi ra Côn Đảo.
Trước đây bà Ba Thành làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức (cũ). Để phát triển hội viên mới, bà ra đồng gặt lúa, nhổ cỏ, kể chuyện mình đi kháng chiến, ở trong nhà tù thế nào cho các bạn trẻ nghe. Bà xuống tận Tiền Giang mua dưa hấu mang về bán kiếm lời gây quỹ chăm lo phụ nữ nghèo. Cứ thế năm này qua năm khác, chuyện chồng con, bà gác lại. Ngồi trò chuyện, người bà Ba Thành cứ run bần bật, bước đi khập khiễng, đây là di chứng của những vết thương chiến tranh. Hỏi có khi nào chạnh lòng trong những ngày thui thủi vào ra một mình, bà cười: “Ngày ấy, như phần đông người trẻ thế hệ mình, tôi ra trận, có tiếc gì đời xanh. Thương một người lính, anh hy sinh, tôi quyết ở vậy. Bù lại, mình đã có điểm tựa mới, niềm vui mới là Hội”. Hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Hội mẹ truyền thống P.Tăng Nhơn Phú A, bà Ba Thành vẫn đi sớm về khuya vận động nguồn lực chăm lo cho các mẹ và góp phần phát triển tổ chức Hội tại địa phương.
Vừa bước vào nhà thăm, bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM – đã ôm chầm nữ thương binh Hai Liên.
Chiều cuối tuần, trước căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm đường Phan Văn Hớn, nữ thương binh Hà Thị Liên (Hai Liên, tên gọi khác là Hà Thị Hiệp) - sinh năm 1948, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN H.Hóc Môn - khom khom đỡ mẹ nhấc từng bước chân. Mấy mươi năm hai mẹ con nương nhau sống. Người trong xóm quở: “Phải chi hồi xưa chịu chồng con thì giờ đỡ biết mấy”, bà gãi đầu cười: “Duyên
không tới”.
Bảy tuổi, Hai Liên mồ côi cha, mẹ tảo tần gánh hàng bông nuôi con. Mười bảy tuổi, Hai Liên thoát ly đi kháng chiến, làm công tác quân y. Giai đoạn Mậu Thân, bà chuyển sang làm giao liên cho cánh biệt động thành rồi bị bắt. Bị đòn roi nhiều nên bây giờ những hôm trái gió trở trời, đầu bà lên cơn đau dữ dội, có đợt hai cánh tay tê cứng không nhấc lên được.
Rời cuộc chiến, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, bà còng lưng đạp xe từ Hóc Môn lên Bình Thạnh, Q.5 học. Nhà có mấy công ruộng, bà cho người ta mướn làm, phần mình thì xắn tay đào kênh, vét đất cùng chị em hội viên. “Hồi đó, tôi phụ trách mảng đời sống chị em vùng An Phú Đông, Nhị Bình, Thạnh Lộc, có đợt ở lại nhà dân tới 4-5 ngày, cực mà hạnh phúc. Thời gian qua như cái chớp mắt, nhìn lại thấy mẹ đã già, mình cũng có tuổi rồi. Tình duyên dang dở, nhưng đời tôi kể ra cũng đã trọn vẹn, tuổi trẻ theo cách mạng, hòa bình về gắn với Hội, nay mẹ con rau cháo nuôi nhau”, bà Hai Liên bộc bạch.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.