Không thoải mái khi chồng bao bọc gia đình em trai quá mức

14/01/2019 - 19:00

PNO - Theo quan điểm của tôi, lo cho ba mẹ nhiều thế nào đi nữa thì tôi hoàn toàn không có ý kiến gì nhưng 'anh em kiến giả nhất phận', không thể bao bọc mãi được.

Vợ chồng tôi kết hôn gần 10 năm và đã có hai con đủ nếp đủ tẻ. Chồng làm ở công ty xây dựng còn tôi mở spa làm đẹp. Nhìn chung công việc kinh doanh của hai vợ chồng đều thuận lợi, tiến triển tốt nên thu nhập ổn định.

Hiện tại, chúng tôi đã có nhà lầu, xe hơi, sở hữu một vài bất động sản và vốn đầu tư khác. Gia đình chồng chỉ có hai anh em, em trai kém chồng 8 tuổi. Ba mẹ chồng làm nhà nước về hưu, có mức lương cơ bản đủ sống ở quê.

Khong thoai mai khi chong bao boc gia dinh em trai qua muc
Chồng thương em trai và luôn muốn bao bọc cả gia đình em. (Ảnh minh họa)

Vợ chồng em trai cũng có công việc, nhà cửa ổn định, lương cao. Ngôi nhà của em trai cũng do chúng tôi đầu tư gần như toàn bộ. Chồng tôi rất thương em trai, nhà tôi có thứ gì thì nhà em trai có thứ đó.

Thậm chí, khi anh đi mua sắm áo quần, giày dép đều mua gấp đôi để cho em trai. Nếu tôi sắm đồ cho con mà chưa mua cho cháu, chồng luôn tìm cách mua cho bằng được. Kể qua như thế để biết chồng tôi luôn bao bọc gia đình em trai hết mức có thể.

Tôi không phải vì ích kỷ nhưng lâu dần sự chăm lo quá mức của chồng cho gia đình em trai khiến tôi cứ lấn cấn. Lương bổng vợ chồng em trai làm ra đều chi tiêu cho thoải mái, chứ không tích lũy. Bởi họ biết chắc khi nhà tôi sắm đồ mới, thể nào nhà họ cũng có một cái tương tự.

Thông thường em trai luôn kêu không có tiền mua, chồng tôi sẵn sàng chi trả phần còn lại. Đến nỗi cái nồi cơm điện hay máy sấy tóc hư cũng báo anh trai. Thậm chí con cái đau ốm cũng gọi cho chồng tôi đầu tiên với mục đích đóng viện phí giùm.

Thà rằng vợ chồng em không có khả năng lao động thì việc san sẻ là đương nhiên, đằng này họ đều kiếm ra tiền dù ít hơn chúng tôi. Anh em bên nhà tôi lại không vậy mặc dù hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều.

Thỉnh thoảng tôi vẫn cho em gái áo quần mỹ phẩm nhưng em chỉ nhận những cái giá trị thấp hoặc đồ cũ và luôn từ chối những thứ đắt tiền. Tôi nghĩ đó là lòng tự trọng tối thiểu dù là anh em ruột.

Trong khi, em chồng có xu hướng ngày càng vòi vĩnh thêm. Vợ chồng tôi mới đổi xe hơi được hơn một năm có trị giá 1,5 tỷ đồng. Vì gia đình em trai chưa có xe nên chồng quyết định đổi tiếp xe khác và đưa xe cũ lại cho em trai.

Anh tự ý làm việc này và về nói với tôi để lại cho em trai với giá 500 triệu. Em mới chỉ gửi được 200 triệu, phần còn lại sẽ trả dần dần. Nhưng sau một thời gian, 300 triệu còn lại vẫn chưa thấy thanh toán đồng nào trong khi vợ chồng em đi du lịch hết nước này đến nước khác.

Khong thoai mai khi chong bao boc gia dinh em trai qua muc
Tôi cảm thấy không thoải mái khi chồng quá chăm lo cho vợ chồng em trai. (Ảnh minh họa)

Tôi hỏi chồng thì anh tỏ vẻ quên và nói cho luôn em trai. Tôi không đồng ý bởi sự giúp đỡ nên có chừng mực. Chúng tôi đã bán xe lại với giá đó là quá rẻ, giờ còn cho không chừng đó tiền.

Tiền làm ra là mồ hôi nước mắt, kiếm ra tiền không có nghĩa là không cần tiền. Quan trọng hơn, chuyện gì anh cũng dễ dàng với em trai như thế sẽ tạo ra tâm lý dựa dẫm lâu dài.

Khoản nợ đó không trả luôn được thì trả sau chứ không thể cho hẳn để em chồng có trách nhiệm. Tôi phân tích như thế nhưng chồng chỉ im lặng. Theo quan điểm của tôi, lo cho ba mẹ nhiều thế nào đi nữa thì tôi hoàn toàn không có ý kiến gì nhưng “anh em kiến giả nhất phận”, không thể bao bọc mãi được.

Tôi thật sự thấy không công bằng khi mình quần quật kiếm tiền còn vợ chồng em trai thảnh thơi, có việc gì chỉ cần gọi chồng tôi là xong, không cần phải lo lắng điều gì cả.

Hiền An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI