Chị Hạnh Dung thân mến,
Chồng em đang thất nghiệp 6 tháng nay. Mới đây, anh nói với em là anh muốn về làm công ty của người yêu cũ. Anh nói, bạn chung của hai người là giám đốc nhân sự ở đó, và người bạn ấy kêu anh về làm. Nhưng em nghĩ chắc anh về đó vì được cô người yêu cũ giới thiệu, chứ làm gì có người bạn nào ở đây.
Điều làm em khó chịu là vì sao cô ta biết chồng em đang thất nghiệp? Không lẽ anh than thở hay nhờ vả gì cô ta? Chẳng lẽ anh không có chút sĩ diện hay tự ái gì của đàn ông hay sao? Quan hệ hai người như thế nào mà giờ lại tiếp tục liên lạc với nhau, trong khi chồng không hề kể với em về việc này.
Thực tế thì hiện nay tụi em cũng hơi khó khăn, do chỉ còn có lương em, và tiền tiết kiệm đang cạn dần. Em nói thà chết đói chứ không muốn chồng làm chung chỗ với người yêu cũ, thì anh nổi nóng với em: "Em chết đói được kệ em, nhưng hai con chết đói thì anh không chịu được".
Em nói anh nếu thật sự thương yêu vợ con thì bỏ qua tự ái, đi chạy xe ôm, chạy grab cũng được, chứ không việc gì phải gieo mầm bất hạnh cho gia đình. Anh nhìn em đầy vẻ kinh ngạc và bảo: "Hóa ra em coi thường anh đến mức như vậy".
Rồi từ hôm đó đến nay, đã 1 tuần lễ, anh không nói chuyện gì với em nữa. Em có sai không chị Hạnh Dung?
Bích Ngân
|
Ảnh minh họa |
Em Bích Ngân thân mến,
Thật ra trong câu chuyện này, em không sai mà chồng em cũng... không sai nốt. Từ phía em, đây là câu chuyện "đề cao cảnh giác" của một người vợ muốn bảo vệ gia đình mình.
Thứ nhất, những nghi ngờ, lo lắng, băn khoăn của em cũng là hợp lý chứ không phải không. Vì sao chồng em lại liên lạc với người yêu cũ? Liên lạc lúc nào và như thế nào? Nếu anh hỏi ý kiến em trước, bàn bạc với em xem nên hay không nên, thì em sẽ bớt lo lắng hơn. Đó là tâm lý bình thường.
Thứ hai, giả sử đây chỉ là chuyện tình cờ, hay người bạn giám đốc kia là có thật, thì em cũng không thể không lo ngại chuyện hai người vốn là người yêu cũ, giờ lại làm việc chung, nghĩa là họ sẽ ở gần nhau suốt 8 tiếng một ngày, chuyện "lửa rơm", chuyện "tình cũ không rủ cũng tới" không phải là chuyện không thể xảy ra.
Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, em cảm thấy không yên tâm, nên thà rằng ngăn chặn trước, ngừa hậu họa, mà mình cũng không phải lo lắng từng ngày là hơn.
Chồng em cũng không sai gì, nếu với anh, đây quả thật đơn giản chỉ là một cơ hội có việc làm trong thời buổi khó khăn hiện nay. Khó khăn là khó khăn chung của cả nền kinh tế, khi nhiều người đang không có việc làm, là khó khăn của gia đình, khi như em nói, cả nhà giờ sống dựa vào thu nhập của em, tiền tiết kiệm thì đang cạn dần.
Chồng em, chắc chắn là người có trách nhiệm với gia đình, với vợ con, điều đó thể hiện trong câu anh nói: anh không chịu được nếu con anh chết đói. Và trong hoàn cảnh đó, anh coi chuyện có công ăn việc làm là một cơ may.
Nếu anh hoàn toàn tin vào bản thân và không hề có chút suy nghĩ, lung lạc nào với người yêu cũ, thì anh đâu có gì là sai, phải không em? Thậm chí, thay vì mắng mỏ, trách móc, em còn phải thương anh vì đã dẹp bỏ lòng tự hào, sĩ diện của đàn ông vì gia đình mình.
Trong khi tranh luận hay cãi cọ như em kể, chồng em có nói rằng em coi thường anh ấy, Hạnh Dung chưa hiểu ý rõ ràng của chồng em, rằng em coi thường anh ấy khi nghĩ rằng anh ấy có thể ngoại tình với người cũ, hay coi thường anh ấy là muốn anh ấy đi làm những công việc anh thấy không phù hợp, không xứng đáng với mình?
Trong một tình huống mâu thuẫn gia đình mà chẳng có ai sai, ai cũng có cái lý của mình, thì hay nhất là cùng xin lỗi nhau về điều mình sai, cùng chấp nhận bỏ qua cho nhau, và sau đó là cùng bàn bạc một cách bình tĩnh, tin tưởng xem giải quyết thế nào về vấn đề đã gây nên mâu thuẫn này.
Việc cần quyết định của vợ chồng em lúc này, là chồng em có nên làm việc ở công ty người yêu cũ không? Đây là một vấn đề khó khăn, cần có sự bàn bạc nghiêm túc và quyết định, khi cả hai đều thấy có đầy đủ cơ sở để tin tưởng - một bên là tự tin vào mình, một bên là tin vào người kia.
Nếu không có được sự tin tưởng, thì cả hai cần phải cân nhắc lại có nên chấp nhận công việc ấy hay không. Khi không chấp nhận được thì phải đưa ra được phương án thay thế - mà cả hai cùng gánh vác được, có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm của mỗi người...
Hạnh Dung không biết tình hình kinh tế của gia đình em thế nào, khả năng chuyên môn, khả năng tìm việc của chồng em ra sao, nên không thể đề xuất xem anh ấy có nên làm chung công ty với người yêu cũ hay không, nhưng dù sao thì sự bình yên trong gia đình, sự yên tâm của cả hai vẫn là điều quan trọng hơn cả. Và khi bàn bạc, quyết định, phải ưu tiên cho điều đó.
Làm gì cũng được, quyết định nào cũng là đúng và tốt, nếu cả hai đã hiểu ý nhau và cùng chung một mục tiêu: lo cho gia đình, em nhé. Hãy đặt lòng tin vào nhau, nhất là trong cơn khó khăn, để động viên, nhắc nhở, chia sẻ với nhau từng ngày. Chắc chắn rồi khó khăn sẽ qua khi "đồng vợ, đồng chồng".
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn