Không thể vì áp lực mà xe buýt Hà Nội trở thành hung thần!

13/04/2021 - 06:25

PNO - Thời gian vừa qua, nhiều thông tin phản ánh về tình trạng xe buýt ở Thủ đô Hà Nội phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn. Dẫu biết áp lực về giao thông nói chung và thời gian nói riêng luôn đè nặng lên lái xe nhưng không vì thế mà có thể coi thường tính mạng người dân.

Sau khi các loại xe tải lớn, xe “siêu trường, siêu trọng” bị cấm vào phố thì mối lo ngại lớn nhất của người dân thủ đô khi đi trên đường là xe buýt. Ba tháng đầu năm đã xảy ra hai vụ xe buýt gây tai nạn chết người.

“Hung thần” đường phố

Ông Nguyễn Xuân Đông, trú ngõ 356 Giải Phóng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, kể: “Hằng ngày tôi đi tập thể dục trên đường Giải Phóng, thấy nhiều xe buýt đi về hướng bến xe Phía Nam, rất vội lúc ra vào các điểm dừng. Có khi 2-3 xe nối đuôi nhau để vào điểm dừng gây ùn tắc giao thông”. Ông Đông dự đoán: Do sắp hết giờ hoặc quá giờ về bến, nên xe buýt phải chạy vội.

Xe buýt đang bị coi là “hung thần” trên đường phố Hà Nội
Xe buýt đang bị coi là “hung thần” trên đường phố Hà Nội

“Ít người dám đi bộ qua điểm dừng xe buýt đoạn ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng, bởi ở điểm này xe buýt thường ra vào nhanh như chớp” - ông Đông cho biết thêm.

Chị Thanh Bình (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) là hành khách đi xe buýt hằng ngày, nhưng cũng lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến phương tiện này. Chị Bình làm việc ở phường Trung Tự, quận Đống Đa, hằng ngày đi xe buýt tuyến 21 từ quận Hà Đông sang, lộ trình rất thuận tiện. Tuy nhiên, do xe thường cúp đầu ra, vào điểm dừng; lúc đường ùn tắc thì thường xuyên phanh gấp, rú ga, khiến chị dễ bị say xe.

Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn do tài xế xe buýt không làm chủ tốc độ. Thậm chí, nạn nhân của những vụ tai nạn là người đi bộ. Điển hình vào ngày 3/1/2021, tại ngã tư Đào Tấn - Văn Cao (phường Cống Vị, quận Ba Đình) xe buýt mang biển số 29B-047.59 đã đụng phải một cụ bà đang sang đường khiến nạn nhân tử vong. 

Sáng 8/4 mới đây, xe buýt tuyến số 14 mang biển kiểm soát 29B-145.55 của Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long, chạy trên đường Phạm Văn Đồng, khi rẽ vào đường Đông Ngạc (đoạn trước cổng khu đô thị Ciputra, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) bất ngờ lao lên vỉa hè đâm vào gốc cây và một người đi bộ khiến nạn nhân tử vong.

Theo báo cáo của Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long, tốc độ GPS của xe buýt này tại thời điểm va chạm giao thông (đơn vị km/h) là: “48-44-35-29-5-00-00”.

Anh Bảo Nam, một người từng lái xe buýt, phân tích: “Chiếc xe gây tai nạn đã di chuyển vào khúc cua với tốc độ quá quy định nên nếu gặp chướng ngại vật sẽ dễ không làm chủ tốc độ, dẫn đến mất lái”. Theo anh Nam, Luật Giao thông đường bộ quy định, khi xe cắt ngang qua đường ưu tiên (cụ thể là sang đường) thì chỉ được di chuyển với tốc độ không quá 20km/h.

Phóng nhanh, vượt ẩu vì… áp lực!

Phương tiện vận tải hành khách công cộng mà cụ thể là xe buýt, lẽ ra phải có những ưu tiên khi hoạt động. Tuy nhiên, ở Hà Nội hay các thành phố lớn khác, hiện xe buýt vẫn phải đi chung làn giao thông hỗn hợp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Xuân Bình - nguyên Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội - cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông đã tạo ra áp lực lớn lên tài xế xe buýt. Hiện tại, một số tuyến như 02 và 32 đang quá tải, do đi qua những tuyến đường đông dân cư, lượng khách đông, tần suất rất dày.

“Phải đảm bảo thời gian chạy trên tuyến chính là áp lực của kinh doanh vận tải công cộng trong đó có xe buýt”, ông Bình nói. Ông cũng nhắc lại, trước kia đường Nguyễn Trãi có làn đường dành riêng cho xe buýt (các phương tiện khác, kể cả xe máy, xe đạp cũng không được đi vào) thì tài xế xe buýt đỡ áp lực hơn bây giờ, thời gian di chuyển cũng ít bị ảnh hưởng. 

Về chuyện xe buýt lấn làn, ông Bình cho rằng, giao thông hỗn hợp thì khó tránh khỏi. Không chỉ xe buýt mà các phương tiện khác cũng thường xuyên lấn làn trên đường hỗn hợp.

Theo ông Bình, tình trạng xe buýt ép các phương tiện khác là có, nhưng không phổ biến. Cũng theo ông Bình, không thể lấy áp lực về thời gian và ùn tắc giao thông để lý giải cho tình trạng phóng nhanh vượt ẩu của lái xe.

Về những khó khăn mà xe buýt Hà Nội đang gặp phải, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội - cho rằng, hạ tầng vận tải công cộng cho xe buýt ở Hà Nội chưa được đáp ứng đầy đủ, đồng bộ khi thiếu quỹ đất. Bên cạnh đó, xe buýt chưa hấp dẫn người dân do tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm. 

Anh Bảo Nam thì cho rằng, ngày anh còn lái xe buýt đã phải rất vất vả để vào điểm dừng trong giờ cao điểm. “Xe buýt dài 10m, chỉ kém xe container, trong khi cứ 500-700m lại phải ra vào điểm dừng để đón, trả khách. Trong điều kiện ùn tắc giao thông, xe buýt phải vất vả di chuyển cùng với các phương tiện khác. Không có làn đường riêng, xe buýt buộc phải tạt đầu các phương tiện khác, vì nếu cứ nhường đường thì không biết đến khi nào mới hoàn thành chuyến xe”, anh Nam nói. 

TPHCM: Xe buýt số 99 lại gây tai nạn chết người

Ngày 11/4, nguồn tin từ Công an TP. Thủ Đức, TPHCM cho biết, đơn vị chức năng đang làm rõ nguyên nhân vụ va chạm giữa xe buýt và xe máy khiến một người tử vong.

Hiện trường vụ va chạm giữa xe buýt 99 và xe máy khiến một người tử vong

Trước đó, vào khoảng 8g ngày 10/4, xe buýt số 99 (chạy tuyến chợ Thạnh Mỹ Lợi - Đại học Quốc gia) mang biển kiểm soát 51B-063.69 chạy trên đường Lê Văn Việt hướng từ ngã tư Thủ Đức đi ngã ba Mỹ Thành (phường Long Thạnh Mỹ), khi qua khỏi cầu vượt Khu công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức) đã va chạm với xe máy biển kiểm soát 59X1-114.41 chạy cùng chiều phía trước, làm cho người đàn ông điều khiển xe máy (khoảng 50 tuổi) ngã xuống đường, bị xe buýt cuốn vào gầm, tử vong tại chỗ. 

Xe buýt số hiệu 99 được mệnh danh là “tử thần” vì đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tháng 11/2018, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có loạt bài Lạnh lưng trên xe buýt “tử thần”, phản ánh tình trạng những tài xế “nhí”, chưa đủ tuổi, không bằng lái, nhưng ngang nhiên điều khiển trên các chuyến xe 99. Sau vụ việc, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, chấn chỉnh hoạt động của tuyến xe buýt này.

Hoàng Lâm

Bảo Khang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI