Không thể và có thể

18/07/2018 - 06:15

PNO - Vị phụ trách khảo thí (và còn những ai tiếp tay nữa), nếu nhận thấy mặt bằng điểm của thí sinh mà tuân thủ thống kê, đánh giá theo đúng chức trách, bổn phận của mình, không táo tợn, bất chấp như thế.

Sửa bài thi, nâng khống điểm thi lên cao gấp từ 1 đến 8,75 điểm cho hầu hết các môn, nhiều thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với điểm thẩm định, thậm chí tăng đến 26,8 điểm, có trường hợp còn tăng đến 29,95 điểm so với điểm thật… Đó là những con số đếm được cho cái gọi là không thể - không thể nghĩ ra (để làm), không thể hình dung lại được thao tác, thực hiện bởi một vị phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng - Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, không thể được thông đồng, chấp thuận tráo đổi của những người trong cuộc…

Khong the va co the

Nhưng đổi lại, tất cả những gì không thể ấy lại đều có thể - có thể biết đích xác khả năng làm bài thi không đạt của thí sinh, biết khả năng điểm kém của con em mình mà tìm cách nhắn tin số báo danh vào máy của ông phó trưởng phòng khảo thí, người nắm “cỗ máy kỳ diệu” để mã hóa mọi đáp án trắc nghiệm sai thành đúng, biết nắm bắt cơ hội có một không hai, nhoáng 6 giây đã chỉnh sửa một bài thi của ông quan khảo thí…

Sự có thể mang tính đồng bộ ấy là hệ quả của thói gian dối, tham lam và bất chấp. Gian dối thực lực, đánh tráo kết quả lao động, bất chấp mọi quy chuẩn, quy định để biến sai thành đúng, trắng ra đen. Sự có thể mang hình hài đồng dạng ấy phản chiếu một nền tảng về cách sống, lối hành xử và nhất là đích nhắm thành công - theo cách mà họ muốn, bằng mọi giá. 

Chuyện đã xảy ra, bây giờ ngồi lại phê bình… cái máy, chính nó đã khiến cho quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của công an cũng như của thanh tra sở, bộ (trong khâu chấm thi) chưa chặt chẽ. Vậy thói gian dối, sẵn sàng “bẻ khóa” mọi phần mềm, đánh tráo, qua mặt các quy trình thì máy nào giám sát được? 

Một học sinh đã qua tuổi 17, nếu nhận ra thực lực học tập của mình qua kỳ thi thử trước đó, đủ tự trọng, trung thực và ý chí cho những nỗ lực cuối cùng, sẽ không dễ dàng và gian dối chấp thuận tráo điểm như thế.

Những bậc phụ huynh, nếu nhận thấy khả năng, tính cách, sở thích của con em mình trước ngưỡng cửa vào đại học, đủ yêu thương, tỉnh táo và trung thực mà không đồng lõa, dối trá chạy điểm như thế. 

Vị phụ trách khảo thí (và còn những ai tiếp tay nữa), nếu nhận thấy mặt bằng điểm của thí sinh mà tuân thủ thống kê, đánh giá theo đúng chức trách, bổn phận của mình, không táo tợn, bất chấp như thế.

Tham thì thâm, nâng khống mà lại khống quá lố, đến mức chỉ riêng mốc 27 điểm (điểm giỏi) ở thí sinh khối A1, Hà Giang đã đạt đến 43,37% của cả nước. Mà đã khống thì thế nào không lố, cũng lú. Với mức độ sàng lọc khá cao và sâu của bộ đề thi năm nay, chắc chắn điểm thi sẽ không thể cao. Nếu có lỡ nhận “kèo” thì cũng khôn mà tính cách nâng mức vừa phải, tham cho lắm, đẩy lên tới 8-8,75 điểm/môn thì quả là… chưa có kinh nghiệm.

Chuyện của mấy con số, ở một cái hội đồng thi ở nơi chót vót đá vôi ấy, rốt cuộc lại bung bét nhiều thứ đến… chảy cả nước mắt. Nào đấy chỉ là khúc xạ cái sự nghiệp giáo dục của thầy và trò, nó còn phản chiếu tam giác gia đình - xã hội với những cách nghĩ, cách làm, cách sống của những người trẻ đang lớn, của những người lớn đang cố tô vẽ mặt nạ thành nhân. Chua chát thay, liệu cái phần ngọn mà các cơ quan chức năng đang tập trung cao độ giải quyết, xử lý có bứng được phần gốc - đang bám rễ trong từng cá thể thí sinh, phụ huynh và những quan thầy khảo thí, về cái đạo đức căn cốt nhất của mọi nền giáo dục, ấy là sự trung thực làm người. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI