Không thể thu hồi đất xây dự án thương mại theo ý của nhà đầu tư

03/11/2023 - 17:05

PNO - ĐBQH nhấn mạnh, việc thu đất để xây nhà ở thương mại, dịch vụ phải có tiêu chí, điều kiện cụ thể, không thể theo ý nguyện của nhà đầu tư.

 

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, thu hồi đất để xây nhà thương mại, dịch vụ phải có tiêu chí cụ thể, không thể theo ý nguyện của nhà đầu tư

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, thu hồi đất để xây nhà thương mại, dịch vụ phải có tiêu chí cụ thể, không thể theo ý nguyện của nhà đầu tư

Không thể thu hồi khu đất sản xuất tốt để xây nhà dịch vụ

Chiều 3/11, tiếp tục thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Luật đất đai (sửa đổi), ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, người dân, cử tri rất quan tâm tới nội dung về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô trông đợi xem dự thảo Luật này có những quy định gì có lợi cho người dân.

Đại biểu cho rằng cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.

“Không thể thu hồi theo ý nguyện của nhà đầu tư, không thể thu hồi với những nơi người dân đang sử dụng tốt đất để sản xuất”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ĐBQH, việc thu hồi đất nếu để nhà đầu tư với người dân thỏa thuận, trên thực tiễn thì rất khó để đạt được sự đồng thuận 100%. Vì vậy, trong trường hợp thu hồi, quy định, phương pháp định giá đất rất quan trọng. Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất với phương án thứ 2 do Chính phủ trình trong dự thảo luật là sử dụng 4 phương pháp để định giá là phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư, phương pháp điều chỉnh, phương án thu nhập. Việc xác định giá phải phù hợp với thực tiễn, với từng trường hợp cụ thể và hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ĐBQH Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) lại đề xuất bỏ quy định việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ.

Ông cho rằng, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là các dự án chủ yếu mang lại giá trị lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó nên áp dụng cơ chế tự thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đồng thời, dự thảo luật cần quy định cơ chế để giải quyết trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết với các chủ sử dụng đất có liên quan.

Đề xuất người Việt Nam mang quốc tịch Việt Nam mới có quyền tiếp cận đất đai

Liên quan tới quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tại dự thảo luật, ĐBQH Trần Thị Vân (tỉnh Bắc Ninh) ủng hộ chỉnh sửa “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Bà trích Luật Quốc tịch Việt Nam quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 2 đối tượng, đó là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và người đã từng có quốc tịch Việt Nam và con cháu của họ. ĐBQH cho rằng, cần có sự công bằng giữa công dân Việt Nam sinh sống trong nước và công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Bởi đây đều là người Việt Nam mang trong mình quốc tịch Việt Nam và cần được ứng xử như một công dân Việt Nam trong việc tiếp cận đất đai tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hòa lại nêu quan điểm, nếu người Việt Nam có quốc tịch Việt Nam thì có quyền tiếp cận đất đai giống như người Việt Nam, còn trường hợp là người gốc Việt nhưng không có quốc tịch thì không được.

Ông chia sẻ, rất nhiều người Việt Nam đi ra nước ngoài bỏ quốc tịch Việt Nam. Do đó, nên khuyến khích người Việt Nam có quốc tịch Việt Nam mới có quyền tiếp cận đất đai để khuyến khích họ ra nước ngoài không bỏ quốc tịch.

Đề xuất chưa thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này

Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và thông qua 9 dự án luật, trong đó có dự án Luật đất đai (sửa đổi). Dù vậy trong phiên họp ngày 3/11, còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra nhiều quyết sách quan trọng chưa có được phương án tối ưu. ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh đây là đạo luật rất quan trọng, nên cần thảo luận nhuần nhuyễn. Vì vậy, nên có hội nghị, kỳ họp bất thường của Quốc hội để thảo luận thêm để khi ban hành đi vào cuộc sống.

ĐBQH Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) cũng cho rằng phải hết sức cẩn trọng. Nếu như phiên thảo luận ngày 3/11 chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp thì nên cân nhắc để tiếp tục nghiên cứu ở kỳ họp sau.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI