Không thể “thấy ăn khoai” rồi “vác mai đi đào”

11/07/2013 - 22:46

PNO - PN - Đó là vấn đề được nhiều đại biểu cảnh báo tại Hội nghị Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại các tỉnh Nam bộ do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 11/7, tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CCCT) trên đất lúa kém hiệu quả là nhu cầu bức thiết ở Nam bộ. Việc này không chỉ làm hạ nhiệt nỗi lo về giá cả và tiêu thụ lúa đang có chiều hướng ngày càng ảm đạm, mà còn góp phần đa dạng hóa cây trồng, làm gia tăng độ phì, giảm sâu bệnh, cắt đứt nguồn dịch bệnh gây hại cây trồng giữa hai vụ so với việc độc canh cây lúa vốn mang nhiều tác động tiêu cực đến dinh dưỡng, cấu trúc đất…

Ngoài ra, việc chuyển đổi CCCT theo hướng tăng cường cây màu, mà cụ thể là bắp, đậu nành… rất phù hợp với thổ nhưỡng Nam bộ, còn góp phần giúp các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc trong nước chủ động được nguồn nguyên liệu, tạo ra ngoại tệ tại chỗ. Theo thống kê, hàng năm VN nhập 1,5 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô đậu nành, 600 ngàn tấn hạt đậu nành với tổng trị giá khoảng ba tỷ USD.

Khong the “thay an khoai” roi “vac mai di dao”

Nam Bộ đang rất cần chuyển những vùng đất lúa kém hiệu quả thế này sang trồng cây màu

Tuy nhiên, không ít đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng đối với việc chuyển đổi này. Đại diện Sở NNPTNT Bạc Liêu bày tỏ: “Hiện chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu dự báo về nhu cầu thị trường từng sản phẩm cây màu, chủng loại, giá cả và khả năng tiêu thụ trong nước cũng như trên thế giới”. Đồng tình, đại diện Sở NNPTNT Bình Phước nhấn mạnh thêm: “Nếu không giải quyết tốt bài toán này, nông dân sẽ là người gánh hậu quả xấu hơn cả thực trạng ảm đạm của việc trồng lúa hiện nay”.

Thậm chí có ý kiến còn cảnh báo: “Không thể thấy ăn khoai rồi vác mai đi đào”. Ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ lưu ý: Chuyển đổi phải được đặt trên cái nền thị trường với sự gắn kết chặt chẽ, minh bạch và chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp - nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học. Không được xuất phát từ ý chí, nếu không sẽ thất bại”. Ngoài ra, theo ông Đoàn, Nhà nước nên thiết lập hàng rào bảo vệ sản phẩm từ chuyển đổi CCCT: “Chắc chắn sau sự xuất hiện của hàng trong nước, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ tìm cách giành lại thị phần. Với thế mạnh về công nghệ, giống chuyển đổi gen… họ sẽ có nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh với hàng trong nước…”.

Khong the “thay an khoai” roi “vac mai di dao”

Đồng Tháp đã từng thất bại với mô hình bông-bắp-bò do thiếu gắn với thị trường

Chiều cùng ngày, tại buổi làm việc với ba tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản xuất khẩu cũng như tái cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thống nhất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có thể giảm diện tích sản xuất lúa hè thu, có thể không trồng lúa mà chuyển sang trồng các cây khác như ngô, đậu nành,… nhưng phải xem xét diện tích, thổ nhưỡng… Chuyển đổi đất lúa nhưng khi các cây trồng khác không hiệu quả vẫn phải đảm bảo canh tác lại lúa được.

 TÙNG HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI