Không thể sống thiếu khí trời

04/11/2023 - 06:05

PNO - Ai cũng biết giá trị của khí trời, khỏi nói nhiều. Tôi kể chuyện mẹ tôi ngày xưa. Năm 1955, sau khi Pháp rút, cha tôi là bộ đội, được giao nhiệm vụ ở Hải Phòng nên cả nhà phải từ Hà Nội chuyển về đây.

Mẹ đi tìm nhà thuê. Tôi còn nhỏ, đi theo mẹ, chứng kiến cảnh này: mẹ tôi bảo chủ nhà dẫn lên lầu 2, mở hết các cửa lớn, cửa sổ ra. Khi đến cái cửa sổ lớn nhất thì chủ bảo không mở được. Bên kia là tường nhà bên cạnh. Lúc xem nhà, mẹ yên trí căn phòng có cửa sổ lớn, nên không hỏi kỹ, khi chuyển đồ đến mới biết là có cửa sổ mà không mở được. Chỉ vì thế, mẹ tôi bỏ cả tiền cọc, đi ngay. Bà bảo, không thể sống thiếu khí trời.

Ảnh mang tính minh họa - Ph.Huy
Ảnh mang tính minh họa - Ph.Huy

Từ đó, tôi cũng vậy. Những năm trước, tôi ở Hà Nội. Mùa đông giá buốt, cả khu tập thể ai cũng đóng cửa kín mít. Chỉ có nhà tôi nhỏ xíu không bao giờ đóng cửa sổ. Rét mướt, nhưng mẹ con tôi mặc ấm, ăn cơm nóng, canh nóng… Giờ đây tôi ở trong một chung cư tại TPHCM, không có mùa rét như Hà Nội, lại luôn “thừa” gió.

Nhà bên cạnh, có khi đóng bớt cửa vì gió quá. Các con tôi miêu tả nhà tôi: “Tầng 17, căn nào có rèm luôn tung bay, vì không bao giờ đóng cửa sổ, là nơi mẹ tôi ở”. Tôi trả lời con: “Con người rất cần phơi nắng cho… tiệt trùng”. Nắng sớm cho tha hồ rọi vào giường, vào các góc nhà. Nắng thật là quý hóa. 

Bạn bè tôi ở Sài Gòn cũng có không ít người sống không thể thiếu khí trời như vậy. Mới đây đi họp lớp, gặp bạn bè ở Hà Nội, tôi hay đùa: “Các ông bà giờ đâu có ở Hà Nội nữa đâu. Toàn bắn ra ngoại ô, nhà quê… để hưởng nắng, hưởng gió”. Cũng còn người “bám nội đô” và khi mọi người bảo “bà sướng nha, ở phố cổ sang chảnh” thì bà ấy giãy nảy lên: “Ừ, nhà giá trị đấy, ngồi trên đống vàng đấy, nhưng… phố cổ là phố khổ đó nhé”. 

Đi một vòng thủ đô hôm nay, những thay đổi hoành tráng là điều không thể chối cãi. Cầu, đường, nhà, xe, những hồ và công viên… đều tuyệt vời. Nhưng có một thực tế đập ngay vào mắt là Hà Nội của một thời “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó”, trừ các biệt thự và chung cư sang trọng ra, giờ đây đã như chim lồng cả. “Sao không mở cửa chớp?” - tôi hỏi bạn. “Mở để trộm nó khều hết đồ à?” - bạn trả lời.

Đến một nhà khác, nhìn qua cửa kính dày, thấy ông chủ nhà đang ngồi trên sa lông bấm điện thoại mà tôi bấm chuông, đập cửa như phá, ông mới nghe. Ra mở lớp cửa kính bên trong, kéo cánh cửa sắt kêu rít, cho khách vào. Ông chủ cười: “Cửa dày cho chắc ăn, không lo trộm”.

Có người bạn tôi vẫn dị ứng với chung cư, vẫn thích nhà riêng trong phố cổ, ngõ sâu hút, chật hẹp, tối tăm. Khách đến chơi nhiều khi phải leo thang đến ngã gãy cả xương. Người khác giải thích: “Tại quan niệm thôi. Chứ đem bán cái nhà “tối tăm” ấy, thừa sức mua chung cư sáng choang”.

Về nhà, sau chuyến đi thăm bạn bè, tôi vào căn hộ của mình, ngồi ngay cửa sổ hứng gió, đón nắng. Tôi nghĩ mình gặp may, khi đang sống tại một chung cư nhỏ, cũ, nhưng ngay trung tâm Sài Gòn, được đền bù quy hoạch, đủ tiền để mua căn hộ tại một chung cư mới tại TP Thủ Đức.

Thẻ tầng nào chỉ lên được tầng đó, không đi lung tung được. Khi có khách đến, tiếp tân gọi điện thoại lên hỏi, xác nhận đúng khách, chủ nhà đồng ý mới cho lên. Vì thế, trộm muốn thăm nhà ai cũng khó.

Tôi nghĩ, nhiều người già cũng như tôi - đều đang “ôm bọc thuốc”, nhưng có một món không mất tiền, lại cần cho sức khỏe là khí trời, mình nên tận dụng. 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI