Không thể phát triển TP.HCM chỉ dựa vào niềm tin

07/12/2018 - 06:13

PNO - TP.HCM phát triển đột phá, mới kéo các đô thị vệ tinh, các địa phương khác phát triển theo. Muốn thành phố phát triển, phải có nguồn lực chứ không thể phát triển bằng niềm tin.

Phan Thùy Tâm (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên): Không thể phát triển chỉ dựa vào niềm tin

Theo tôi, trung ương nên để cho TP.HCM được giữ lại ít nhất 50% nguồn thu. Tôi nghĩ, TP.HCM cho đi một nửa “tài sản” mà mình kiếm được là quá tử tế đối với các địa phương khác rồi.

TP.HCM cần phải có đủ nguồn lực để tái đầu tư và phát triển. Tôi không phải là dân Sài Gòn nhưng tôi muốn nhìn thấy Việt Nam mình có được một thành phố mà ở đó hạ tầng phát triển ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực để có thể hãnh diện với bạn bè thế giới.

Khong the phat trien TP.HCM chi dua vao niem tin
TP.HCM cần phải có đủ nguồn lực để tái đầu tư và phát triển.

TP.HCM phát triển đột phá, mới kéo các đô thị vệ tinh, các địa phương khác phát triển theo. Sức hút của TP.HCM hiện nay đến từ lợi thế tự nhiên của nó, tức vị trí địa lý, chứ không phải từ những phát kiến mang tính đột phá. Muốn thành phố phát triển, phải có nguồn lực chứ không thể phát triển bằng niềm tin.

Không nên để xảy ra tình trạng TP.HCM làm ra nhiều tiền nhưng không được xài, mỗi lần xài phải đi xin xỏ trung ương dẫn đến chậm trễ, làm tăng chi phí đầu tư, như đã xảy ra với tuyến metro số 1 hiện nay. TP.HCM làm ra được nhiều tiền thì phải chi tiêu nhiều, trung ương không thể bắt “người khổng lồ” ăn khẩu phần như người bình thường được.

Ông Nguyễn Nhạ (tỉnh Hà Tĩnh): 18% là một tỷ lệ quá thấp

Để bứt phá, TP.HCM cần phải được đầu tư tương xứng nguồn lực tài chính. Tôi thấy chỉ có 18% nguồn thu được giữ lại là một tỷ lệ quá thấp. Tuy nhiên, nếu TP.HCM phát huy và sáng tạo thì sẽ không bị động vào 18% này.

Thứ nhất, TP.HCM nên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, bắt đầu với những nơi khả thi và giảm thiểu thủ tục hành chính để nhanh gọn, minh bạch.

Thứ hai, tiết kiệm từ đầu tư công thông qua việc phòng, chống tham nhũng; chặn được 10 “ông” tham nhũng lớn, sẽ tiết kiệm được chục ngàn tỷ đồng.

Thứ ba, tránh lãng phí: chỗ nào chưa bức thiết thì đầu tư sau, ưu tiên và tập trung đầu tư cho các công trình cấp bách, tác động hằng ngày đến người dân và sự phát triển. Thứ tư, cắt giảm triệt để thủ tục hành chính lặt vặt, chặn tham nhũng lặt vặt đi đôi với tăng thu từ dịch vụ công.

Khong the phat trien TP.HCM chi dua vao niem tin
 

TP.HCM có gần 14 triệu dân tính cả nhập cư, lượng giao dịch dịch vụ công hằng ngày rất lớn. Nhiều loại phí thấp nhưng người dân phải trả phí “bôi trơn” lớn gấp nhiều lần do thủ tục rườm rà và công chức, viên chức “tự làm luật”. Các đơn vị như phường/xã, quận/huyện, thuế, hải quan... là nơi có giao dịch vặt tương đương cả ngàn tỷ đồng/ngày, tức người dân cũng phải bôi trơn khoản chi phí tương đương ấy.

Ông Huỳnh Ngọc Sâm (tỉnh Bình Định): Không đủ nguồn để tái tạo dẫn đến sự trì trệ chung

TP.HCM là một thành phố lớn nhất cả nước, có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất nước, có lực lượng kinh tế tư nhân lớn nhất nước, là trung tâm tài chính lớn nhất nước, năng suất lao động cao nhất nước và có truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới… và đặc biệt, nguồn thu ngân sách cũng đứng đầu cả nước. Tổng thu ngân sách thuộc loại cao nhất mà tỷ lệ được giữ lại để phát triển vào loại thấp nhất cả nước (18% tổng thu ngân sách) xem ra có gì đó bất cập và mâu thuẫn.

Có thu thì phải chi là lẽ thường, nhưng thu nhiều chi ít thì lấy gì tái tạo để thu hút đầu tư? Từ đó, doanh nghiệp và dân mất đi niềm tin, dẫn đến việc giảm sút cả ý muốn phát triển của doanh nghiệp. Nó cũng dẫn đến sự trì trệ chung của cả nền kinh tế, văn hóa của một thành phố đứng đầu cả nước. 

Ông Nguyễn Kỳ Phong (bang Virginia, Hoa Kỳ): TP.HCM tự tạo ra thế thụ động này?

Là một Việt kiều sống nhiều năm ở nước ngoài và sau một thời gian ở TP.HCM, tôi thấy rằng, nếu nói TP.HCM bị chính quyền trung ương “vắt” như “bò sữa” thì chúng ta cũng có thể trách tại sao TP.HCM để bị nằm hoài trong hoàn cảnh này? Hay nói cách khác, phải chăng TP.HCM tự tạo ra thế thụ động này?

Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép TP.HCM có được sự chủ động về chi và thu. Do đó, tôi thấy TP.HCM đã vượt xa về nguồn thu, nhưng lại chậm trễ về kế hoạch chi cho phát triển hạ tầng cơ sở, điều chỉnh lương cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù trên thực tế, TP.HCM cần một ngân khoản lớn để phát triển hạ tầng cơ sở và nhân lực, nhưng dường như lại không có một kế hoạch cụ thể để trình cho Quốc hội như Nghị quyết 54 đòi hỏi.

Khoản 1, điều 8 Nghị quyết 54 quy định, TP.HCM có 3 năm để thực hiện sơ khởi nghị quyết này, và phải trình bày cho Quốc hội kết quả sơ khởi vào khóa họp năm 2020. Điều cần thiết để TP.HCM tránh được cảnh bị “vắt” như "bò sữa" là phải nhanh chóng có một kế hoạch thực tiễn về hạ tầng và nhân sự; quyết định và áp dụng càng sớm càng tốt kế hoạch và nghị quyết đó.

Quốc Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI