Không thể phát triển đường thủy với kiểu “đụng đâu làm đó”

20/12/2023 - 06:25

PNO - Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - nhìn nhận, TPHCM có thừa tiềm năng phát triển giao thông và du lịch đường thủy, nhưng cách làm còn manh mún, thiếu bài bản.

Phóng viên: Việc phát triển giao thông và du lịch đường thủy được chính quyền TPHCM đặt ra hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa thực sự tạo được đột phá, theo ông, là do đâu?

Ông Nguyễn Văn Mỹ: Có lẽ không cần bàn đến tiềm năng phát triển đường thủy nữa vì TPHCM có thừa. Tuy vậy, giao thông và du lịch đường thủy TPHCM khó lòng “cất cánh” với cách làm manh mún, “đụng đâu làm đó” như hiện nay. Ngành giao thông bỏ hàng chục ngàn tỉ đồng cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xây các cây cầu trên tuyến kênh này, nhưng lại “quên” nghĩ đến nhu cầu giao thông và du lịch đường thủy. Bởi vậy, các cầu đều có tĩnh không thấp. Tàu trên kênh Nhiêu Lộc mỗi khi qua cầu Trần Khánh Dư phải chọn thời điểm nước ròng, “lùa” khách xuống hầm để tháo lan can thì mới qua được. Còn cầu Lê Văn Sỹ quá thấp nên đoạn giao thông thủy từ rạch Thị Nghè ra đến sông Sài Gòn rất đẹp và nhiều dấu tích lịch sử không thể khai thác. Đây là câu chuyện thiếu tầm nhìn và chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành giao thông, môi trường, du lịch.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - cho rằng, Muốn phát triển đường thủy, trước hết phải cải tạo được hệ thống sông, kênh, rạch
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - cho rằng, muốn phát triển đường thủy, trước hết phải cải tạo được hệ thống sông, kênh, rạch

* Vậy muốn làm bài bản, phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Muốn phát triển đường thủy, trước hết phải cải tạo được hệ thống sông, kênh, rạch. Trừ sông Sài Gòn, còn các kênh rạch đều ô nhiễm, hôi thối thì làm sao đòi phát triển đường thủy? Đến nay chỉ có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được cải tạo, nhưng vẫn để xả thải trực tiếp, nguy cơ tái ô nhiễm. Nếu cứ để các nguồn ô nhiễm đổ ra sông Sài Gòn thì vài năm tới sông cũng ô nhiễm. Không nước nào muốn phát triển đường thủy mà để nước kênh đen thui như Việt Nam. Họ đầu tư hệ thống cống ngầm và xử lý nước thải rất bài bản để giải quyết bài toán môi trường.

Muốn phát triển giao thông thủy, phải làm đồng bộ cả dưới nước và trên bờ. Phải đầu tư bài bản các điểm nhấn cảnh quan kiến trúc 2 bên bờ, xây dựng các điểm tham quan, dịch vụ, khu vui chơi tại các bến thuyền để thu hút hành khách đi tàu. Cần quy hoạch giao thông thủy trong tổng thể giao thông của TPHCM, trong đó có kết nối hiệu quả với giao thông bộ và phương tiện giao thông công cộng trên mặt đất. Trong tương lai, khi xây cầu, luôn phải tính tới tĩnh không, phương án kiến trúc và thắp sáng để mỗi cây cầu trở thành điểm nhấn trên sông nước.

Đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí trên mặt nước như: thuyền và ván chèo đứng, các hoạt động vui chơi tập thể, kết hợp với một số hoạt động mang tính lễ hội để thu hút du khách đến bến, từ đó kết hợp quảng bá, tăng mức độ quan tâm đến giao thông và du lịch đường thủy. 

* Theo ông, TPHCM có thể học hỏi cách phát triển giao thông thủy từ các nước như thế nào?

- Chúng ta có thể học ngay nước láng giềng Thái Lan. Khúc sông Chao Phraya có khoảng 21km chạy qua trung tâm thủ đô Bangkok, được họ tổ chức giao thông thủy rất chuyên nghiệp. Trên 2 bờ sông có 34 bến, cứ vài trăm mét lại có 1 bến, mỗi bến là những danh lam thắng cảnh và khu dịch vụ hấp dẫn, phong phú. Có bến là khu phong cách kiến trúc châu Âu, có bến là khu phố người Hoa, chùa, viện bảo tàng, khu phức hợp thương mại, chợ đêm, hoàng cung, chợ nổi, chợ truyền thống… Họ chia ra 4 loại tàu, phân biệt bằng 4 loại cờ hiệu có màu sắc khác nhau, ghé những bến khác nhau, nhằm mục đích đáp ứng tất cả đối tượng hành khách có nhu cầu đi lại gần xa, nhanh chậm khác nhau. 

TP Thượng Hải đầu tư hệ thống đèn trang trí cực kỳ đẹp mắt để phục vụ du lịch đường thủy về đêm. Ở Singapore, sông nhỏ giống như kênh Nhiêu Lộc, họ tổ chức tàu nhỏ chở khách, chạy rất êm. 2 bên là phố đi bộ sầm uất, cứ vài trăm mét là có chỗ cập bến, khách lên bến được thụ hưởng dịch vụ đa dạng, hấp dẫn.

Trong khi ở TPHCM, cả tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè không có bến nào để cập, chỉ có đầu bến và cuối bến. Do vậy, quan trọng nhất là Nhà nước cần có quy hoạch bến hành khách, bến hàng hóa, quy hoạch phát triển 2 bên bờ sông, kênh; sau đó có chính sách thu hút tư nhân tham gia đầu tư để mở rộng mạng lưới hạ tầng và phương tiện đường thủy.

* Xin cảm ơn ông. 

Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI