Tôi mở cửa, Thùy Anh đẩy xe vào. Chỉ một mình cô ấy, không thấy thằng bé con đâu, tôi hiểu ngay là thằng bé đã bị ba nó đón lõng ở trường học, Thùy Anh đành về tay không.
|
Khi kết hôn, ai cũng muốn một cuộc hôn nhân êm đềm, hạnh phúc (ảnh minh họa) |
Đêm hôm trước, bỗng dưng Thùy Anh gọi cửa nhà tôi xin ngủ nhờ 1 đêm. Chồng tôi thu xếp để mẹ con cô và mẹ con tôi trong phòng ngủ, anh ôm gối ra phòng khách.
Chờ 3 đứa trẻ say giấc, Thùy Anh mới buồn bã kể về cuộc “đổ bộ” trong tình cảnh thế này. Cô bảo may mà cô nhớ ra tôi, chứ không thì chẳng biết đi đâu. Vào được nhà tôi, cô nghĩ anh chồng không thể lần ra, không thể nửa đêm đập cửa bắt mẹ con cô về.
Tôi và Thùy Anh là bạn học chung hồi cấp III. Chúng tôi cùng kết hôn và cùng có con đầu lòng trong một năm. Sau khi lấy chồng, tôi theo chồng sống ở nơi xa. Mấy năm gần đây tôi được nhà ngoại hỗ trợ mua mảnh đất nhỏ, tôi xây nhà riêng và về lại quê nhà.
Trong ngần đó năm, tôi vẫn nghe Thùy Anh kể về việc vợ chồng cô hay cãi nhau và Thùy Anh bế con bỏ đi thường xuyên. Mẹ chồng Thùy Anh cay nghiệt: "Cái giống đàn bà mất nết, hơi tí là bỏ nhà đi". Thùy Anh nói: "Con có muốn vậy đâu. Nhục lắm chứ!".
Nhưng không chạy đi thì bị chồng bạo hành. Biển người mênh mông, vậy mà một mái nhà nhỏ, một cái gối êm đối với một người phụ nữ bất hạnh sao mà khó khăn. Lắm lúc, Thùy Anh thấy mình chẳng khác gì một người vô gia cư. Người vô gia cư còn hạnh phúc hơn, không có chỗ ăn chỗ ngủ, nhưng họ không sợ bị chính người từng đầu gối tay ấp truy đuổi, chửi bới.
Hồi mới cưới, mỗi lần bị chồng đánh đập, Thùy Anh lại ôm con chạy ra ngoài, đầu tiên là về nhà mẹ. Với nhiều người phụ nữ, nhà mẹ là mái ấm, là chốn bình yên, mỗi lần gặp giông gió hôn nhân, họ chỉ cần chạy về nhà, mẹ sẵn sàng rộng cánh cửa đón, nấu cho con ăn món mà họ yêu thích, để con ngủ ngon lành trên chiếc giường luôn lưu mùi thân thể quen thuộc của mẹ. Rồi mẹ vỗ về, an ủi, khuyên nhủ...
Nhà mẹ Thùy Anh không phải nơi như thế. Ngày trước, vì muốn Thùy Anh sớm lấy chồng, để không mang tiếng có con gái lớn "như trái bom trong nhà", ngày nào cha mẹ cũng khuyên nhủ, mắng mỏ Thùy Anh. Thậm chí lúc đỉnh điểm, họ còn mang quần áo của cô xếp ngoài cửa như muốn nói "không lấy chồng mau thì liệu đi đâu thì đi!".
Vài lần Thùy Anh ôm con về nhà, cha mẹ cô không ngừng chì chiết. Họ sợ mang tiếng xấu, nhất là khi bà mẹ chồng Thùy Anh gọi điện tới sui gia buông những lời tàn nhẫn.
Tới lúc em trai có vợ, Thùy Anh càng không thể về nhà, vì mẹ cô bảo cô bỏ về nhà ngoại là “làm mẫu” cho em dâu. Em dâu sẽ học thói xấu của chị chồng. "Hở tí là về nhà ngoại, hư người", mẹ Thùy Anh nói.
Có vài lần bị chồng cầm dao, cầm gậy rượt, Thùy Anh bế con chạy vào quán cà phê, nhà nghỉ. Ở nhà nghỉ, ban đầu cô thuê phòng và 2 mẹ con được một đêm yên ổn. Nhưng rồi rất nhanh chóng các nhà nghỉ trong thị trấn nhỏ không thể chứa mẹ con cô. Họ ngán cảnh bà mẹ chồng, ông chồng, các em chồng Thùy Anh kéo tới quấy phá, cấm các chủ nhà nghỉ không được cho Thùy Anh thuê phòng.
Như vậy chỉ còn cách tá túc nhà bạn bè. Thùy Anh đã phải gõ cửa nhiều nhà, để rồi nửa đêm cửa nhà nhiều bạn bị đập ầm ầm, chồng Thùy Anh tới... đòi người. Hôm nay đến lượt gia đình tôi. Đêm trước, Thùy Anh bế theo đứa con mới vào lớp Một. Chiều nay cô đã bị chồng đón mất con khi cháu đi học ở trường.
|
Các nhà nghỉ từ chối, mẹ con cô ấy chỉ còn cách tá túc nhà bạn bè (ảnh minh họa) |
Vì sao sống trong cảnh tệ hại này mà Thùy Anh không ly hôn? Với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ bây giờ, việc ly hôn khá đơn giản. Nhưng với Thùy Anh thì không, vì con cô còn quá nhỏ. Chồng Thùy Anh là con người đa nhân cách. Mới hôm nay anh ta chiều vợ thương con hết lòng, nhưng mai lại biến thành người độc đoán, hành xử bạo lực. Thùy Anh cứ quay quắt trong cái vòng luẩn quẩn tha thứ, cảm thông rồi lại hận thù.
Không thể cứ trốn chạy mãi như thế này được. Lỡ chồng cô ấy tìm được nhà tôi thì sao? Hiểu nỗi lo của tôi, nước mắt Thùy Anh tràn ra, nhưng cô luôn vội lau rất nhanh, cô sợ nước mắt cô thấm ướt cái gối của tôi.
Đột nhiên Thùy Anh bảo tôi: “Mình sẽ đi xa, biến mất khỏi mảnh đất này. Mình đã nung nấu trong nhiều năm rồi mà chưa dám. Nhưng biết đâu, ngày mai mình sẽ thực hiện. Mình không tin ông trời triệt đường sống của mình…”
Tôi chợt nhớ hình ảnh người phụ nữ bế con nhỏ lang thang trên hè phố mà tôi gặp vài hôm trước. Phải rơi vào bế tắc, tuyệt vọng lắm cô ấy mới làm như thế. Bơ vơ ban ngày đã khổ, còn trong đêm, nguy hiểm rình rập, lại bị người không thấu hiểu buông những lời độc địa. Đâu phải ai cũng có nơi để trở về…
Yên Châu