Không thể nuôi 'nghệ sĩ công chức'!

02/09/2017 - 07:30

PNO - Không thể vung tiền thuế của nhân dân - khán giả để nuôi những 'nghệ sĩ công chức', những cá nhân không thể đóng góp gì cho cải lương; nếu không muốn nói là làm hại cải lương vì khiến khán giả ngán đến rạp.

Làm nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là với cải lương, không thể chỉ có đam mê mà còn phải có năng khiếu và nhiều yếu tố khác. Không thể vung tiền thuế của nhân dân - khán giả để nuôi những “nghệ sĩ công chức”, những cá nhân không thể đóng góp gì cho cải lương; nếu không muốn nói là làm hại cải lương vì khiến khán giả ngán đến rạp.

Khong the nuoi 'nghe si cong chuc'!

Cõng mẹ đi chơi - tác phẩm rất thành công ở sân khấu kịch nhưng “ảm đạm” ở Nhà hát Trần Hữu Trang do chất lượng diễn viên chưa thuyết phục được khán giả

Buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND TP.HCM với Nhà hát Trần Hữu Trang (NHTHT) sáng 31/8 đã lộ ra nhiều vấn đề bất cập kéo dài tại đơn vị này như lãng phí ngân sách, năng lực nghệ sĩ, quản trị nhân sự…

Trung bình mỗi năm, NHTHT được ngân sách cấp gần sáu tỷ đồng kinh phí thường xuyên và cấp thêm từ 1-1,7 tỷ để đầu tư dựng vở. Với bảy tỷ/năm, hoạt động của nhà hát, thật ngạc nhiên, lại loanh quanh trong ngõ cụt. Thực tế, số tiền gần sáu tỷ mới chỉ để chi lương và duy trì hoạt động - những hoạt động không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Được biết, nhân sự của NHTHT hiện là 97 người, trong đó có 48 diễn viên. Với một đơn vị tầm cỡ như NHTHT, con số 48 nghệ sĩ không phải là quá nhiều. Điều đáng nói là trong đội ngũ này có không ít người năng lực làm nghề rất kém. NSND Trần Ngọc Giàu - GĐ nhà hát - thừa nhận: “Trong số 19 diễn viên của chương trình đào tạo liên kết giữa nhà hát và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, chỉ 10 diễn viên có đủ khả năng làm nghề”.

Năng lực nghệ sĩ của nhà hát phô bày rất rõ qua các vở diễn cũng như số lượng khán giả từ khi rạp Hưng Đạo sáng đèn trở lại. Trong khi tác phẩm của các đơn vị xã hội hóa thường có doanh thu khá ổn thì nhiều đêm diễn của NHTHT có khi chỉ bán được chừng... mười vé. Công tác quảng bá, tiếp thị chỉ là một phần. Phần khác là nhiều tên tuổi hiện nay của NHTHT chưa đủ sức hút với công chúng.

Khong the nuoi 'nghe si cong chuc'!
Một cảnh trong vở Đời Như Ý

Ba đoàn hát cùng tồn tại kéo theo đội ngũ nhân viên hỗ trợ khiến quỹ lương đội lên, kinh phí dựng vở phải chia nhỏ. Quan trọng là, ba đoàn dựng ba vở mỗi năm, nhưng diễn viên “non” nghề, tác phẩm dựng xong đành cất đó vì có lẽ nhà hát cũng không tự tin để mang ra bán vé; e chừng càng diễn càng phải bù lỗ.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm nhà hát có khoảng 115 suất diễn phục vụ và diễn hợp đồng. Tuy nhiên đa phần những suất biểu diễn phục vụ, do nhu cầu của khán giả tại địa phương và điều kiện sân khấu hạn chế, chương trình chủ yếu là các tiết mục ca cổ, trích đoạn, chặp hài… Rất ít khi biểu diễn nguyên tuồng. Các suất diễn bán vé thì không có khán giả. Vậy, có cần duy trì đến ba đoàn hát?

NSND Trần Ngọc Giàu trăn trở: “Nhà hát đã từng nghĩ đến việc chỉ nên có hai đoàn, nhưng rồi lại lấn cấn việc sẽ sắp xếp đội ngũ diễn viên ra sao? Giữ ai, giảm ai? Rồi những diễn viên nếu phải rời nhà hát sẽ đi đâu? Giữ lại tất cả thì lại khó khăn trong tổ chức biểu diễn, sắp xếp vai diễn. Diễn viên không đủ lực, vở không thuyết phục được người xem. Mọi thứ cứ như cái vòng lẩn quẩn”.

Có thể ông Giàu đúng về cái tình với nghệ sĩ, nhưng giữ những diễn viên kém năng lực rồi phải xuất ngân sách chi trả lương bổng là điều khó chấp nhận. Không thể nói vì họ yêu cải lương, vì cần thế hệ kế thừa nên phải giữ những người trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống. Yêu và đam mê là một chuyện, nhưng tài năng lại là chuyện khác.

Khong the nuoi 'nghe si cong chuc'!
NH THT đều đặn ra vở nhưng ấn tượng của các DV với công chúng lại không nhiều

Một thực tế khác, không hiện trên văn bản, nhưng người trong giới đều biết: nhiều diễn viên đầu quân về nhà hát hay chấp nhận đồng lương ít ỏi chỉ để có cái “mác” nghệ sĩ của NHTHT. Qua đó họ sẽ dễ dàng có được những hợp đồng cá nhân và cát-sê cao hơn so với nghệ sĩ tự do.

Đã đến lúc phải thay đổi. Nên chăng chỉ đầu tư tập trung cho hai nhóm: những nghệ sĩ giỏi nghề, đủ sức thuyết phục công chúng và những người trẻ có khả năng đi xa trong nghề nghiệp. Cần thiết phải có chế độ đãi ngộ thích hợp để nghệ sĩ bớt “lăn tăn” chuyện cơm áo, yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Đồng thời phải xây dựng những vở diễn chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu thưởng thức của khán giả, xứng tầm với thương hiệu của nhà hát cải lương tiêu biểu ở miền Nam - chiếc nôi của sân khấu cải lương. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI