Nhiều vấn để nổi cộm của ngành giáo dục được“mổ xẻ”, từ đội ngũ giáo viên (GV) mầm non (MN) ở các trường ngoài công lập đến “lệnh cấm” dạy thêm học thêm (DTHT) một cách máy móc.
Nâng chất giáo viên ngoài công lập
Năm học 2016-2017, TP.HCM có gần 747.000 trẻ MN, tăng hơn 11.600 trẻ. Để đáp ứng nhu cầu, TP đã có thêm 747 phòng học mới cho bậc MN, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, số trường lớp hiện nay vẫn chưa đáp ứng được các chuẩn theo quy định của Bộ, đặc biệt là khối các trường ngoài công lập. “Số trường MN ngoài công lập ở TP rất nhiều, thậm chí ở khu vực nội thành, số trường ngoài công lập nhiều gấp đôi so với công lập. Tuy nhiên, nhiều trường ngoài công lập không thể xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, khó đáp ứng các chuẩn Bộ GD-ĐT quy định về mật độ học sinh (HS), bếp ăn, hình thức trường lớp…”, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM lo lắng. Trả lời vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các trường MN ngoài công lập bắt buộc phải đảm bảo đủ điều kiện mới được Sở cấp phép để hoạt động. Những năm qua, TP đã chú trọng các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường ngoài công lập, nhiều quận huyện cho vay không lấy lãi.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Cùng với cơ sở vật chất, nhiều đại biểu quan tâm đến việc giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, lo ngại không đủ trường lớp, GV giữ những trẻ này. Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP bày tỏ: "Việc giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi đã được chú ý nhưng số lượng còn quá í t. Chẳng hạ n, huyện Bình Chánh có sáu trường nhận những trẻ này nhưng mỗi trường chỉ nhận khoảng 15 trẻ. Trong khi đó, đây là một trong những địa bàn tập trung công nhân, dân nhập cư".
Bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT cần quan tâm, đẩy mạnh việc nuôi dạy trẻ lứa tuổi này ở các trường công lập. Ông Lê Hoài Nam khẳng định, nguyên nhân của vấn đề không nằm ở những khó khăn trường lớp, cơ sở vật chất hay GV mà ở phụ huynh (PH). Nhiều trường MN vẫn chưa đạt hết hiệu suất giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng, có trường nhận giữ 10 cháu nhưng chỉ có khoảng năm PH đến đăng ký; do phần lớn PH vẫn giữ truyền thống để cho ông bà giữ hoặc thuê người giúp việc.
Thực trạng bạo hành trẻ ở một số trường MN ngoài công lập thời gian qua cũng khiến các đại biểu đòi hỏi ngành giáo dục phải có giải pháp căn cơ cho năm học mới. Bà Hoàng Thị Khánh đặt vấn đề: “GV, bảo mẫu ở nhiều trường MN ngoài công lập chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kinh nghiệm, đã xảy ra một số trường hợp đánh trẻ.
Nhu cầu giữ trẻ ở các trường MN ngoài công lập là có thật, Sở phải có kế hoạch nâng chất lượng đội ngũ này để loại trừ cho được bạo lực học đường. Lãnh đạo ngành giáo dục giải thích, riêng trong năm học này, ngành GD-ĐT sẽ chi 36 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng GVMN ở các trường ngoài công lập để nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ chuẩn. Sở đã thống nhất với các trường có đào tạo khoa MN ở TP, đã làm việc với các trường TCCN, giao nhu cầu GV MN cho các trường này đào tạo. Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn thực hiện các chính sách ưu đãi cho GV MN như tăng lương thêm 60%.
Không nên cứng nhắc
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc cấm DTHT trong trường là quá máy móc, vì nhu cầu PH cho con HT là có, GV cũng có nhu cầu DT. Vậy tại sao lại phải cấm? Sao không tìm cách quản lý để hoạt động này tốt hơn? Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP nêu thực tế: "DTHT có hai mặt, có những GV dạy không hết chương trình, tìm cách kéo HS về nhà mình để học hoặc cho điểm thiếu công bằng nhằm buộc HS phải đi HT là tiêu cực, trái với đạo đức nghề nghiệp, nhưng đó là vấn đề cá nhân.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận, việc DT có thể giúp cho những em học yếu tiến bộ hơn. Với các em học yếu, GV có thể sắp xếp DT sau giờ học chính khóa. Việc này nếu nhà trường làm sẽ tốt hơn. Các em được nâng cao kiến thức, được GV quan tâm và theo dõi sát hơn, vừa tận dụng được cơ sở vật chất của trường, vừa để GV có thêm thu nhập thì cũng tốt". Bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT nên chỉ đạo việc DTHT trong trường thế nào cho phù hợp, không nên cấm quá máy móc. “Cấm trường nhưng lại cho phép ở bên ngoài, trong khi các trung tâm bên ngoài chủ yếu là quan tâm đến lợi nhuận, làm sao họ có thể làm tốt hơn các trường được?”.
Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến này vì bản thân họ cũng là PH, cũng có nhu cầu gửi con, nhờ GV kèm thêm kiến thức cho con. DTHT chưa thể cấm lúc này khi chương trình giáo dục vẫn như cũ, vấn đề là quản lý thế nào để hoạt động DTHT không bát nháo. Bà Hoàng Thị Khánh cho biết, qua tổng hợp ý kiến từ các cơ sở thì hầu hết đều cho rằng cấm DT trong trường là vô lý vì việc HT xuất phát từ nhu cầu có thật. Theo bà, việc DT nên được tổ chức trong trường, để GV nào dạy thì trường phải tính toán, phải tìm những GV có tâm huyết, tay nghề vững.
Quan trọng là sở, ngành phải quản lý được chất lượng trong giờ chính khóa chứ không để HS tiếp thu một cách “lơ mơ” trên lớp rồi kéo nhau đi HT. Nếu một trường có quá nhiều HS phải HT chứng tỏ việc giảng dạy ở trường không chất lượng. Khi nào chương trình giáo dục được cải thiện, HS không còn quá tải, học trên lớp đã đủ nắm vững kiến thức, thì tự khắc DTHT sẽ không còn đất sống.
Gia Tuệ