Không thể mãi nín lặng

28/07/2014 - 16:13

PNO - PN - Hồi cuối tuần, Hội thảo quốc tế Bạn gái trẻ lần đầu tiên diễn ra tại Anh, với sự phối hợp của UNICEF, đã tập trung vào việc huy động nguồn lực quốc tế để chấm dứt các tệ nạn cắt bỏ bộ phận sinh dục và hôn nhân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khong the mai nin lang

Nữ diễn viên Freida Pinto thăm nữ sinh ở Ethiopia trong một dự án từ thiện - Ảnh: Telegraph

“Siêu nhân nữ”

Cắt bộ phận sinh dục ở các bé gái (FGM) là hủ tục diễn ra thường xuyên ở 29 nước châu Phi. Nhiều nước đã cấm việc này với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, chẳng hạn Kenya, nhưng điều đó vẫn diễn ra, có khi bí mật có khi công khai và rất ít người bị luật pháp “sờ gáy”. Những phụ nữ lớn tuổi đồng tình với hủ tục FGM nhiều nhất, họ cũng thường có tiếng nói quan trọng nhất trong gia đình.

Năm rồi, tại Kenya có nhiều cuộc tuần hành với hàng nghìn người tham dự nhằm ủng hộ FGM. Xóa bỏ hủ tục này không hề đơn giản, thống kê cho thấy 27% phụ nữ Kenya đã bị cắt bỏ bộ phận sinh dục từ khi còn nhỏ.

Tại một số nước nghèo và chậm phát triển về giáo dục như Sierra Leone và Ethiopia, cứ mỗi 10 giây là một bé gái có nguy cơ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, cứ mỗi hai giây là một bé gái bị đẩy vào cuộc hôn nhân ngoài ý muốn. Không ai có thể đưa ra các lý do tôn giáo hay văn hóa để biện hộ cho việc này. Đơn giản, đó là sự lạm dụng quyền con người.

Nhân dịp tham dự hội nghị Bạn gái trẻ ở London, nữ diễn viên của bộ phim Triệu phú ổ chuột Freida Pinto đã truyền cảm hứng cho nhiều người với câu chuyện một bé gái người Ấn Độ biết “vùng dậy” làm chủ đời mình, đó chính là “Siêu nhân nữ”.

Vào khoảng chín hay mười tuổi, "Siêu nhân nữ" phải chứng kiến chị ruột kết hôn ngoài ý muốn. Các cô giáo của em đã dạy cưỡng hôn là một dịch họa. Họ cũng dạy cho em ảnh hưởng tai hại của việc này. Vào đêm trước đám cưới, người mẹ nói với "Siêu nhân nữ" “rồi sẽ đến lượt con”. Cô bé trả lời dứt khoát bằng một từ mà các bé gái như cô thường bị cấm nói: “KHÔNG!” và cô nói thêm: “Nếu mẹ gả con đi, con sẽ báo cảnh sát”. "Siêu nhân nữ" đã cầu cứu một tổ chức từ thiện địa phương, họ giải thích cho cha mẹ cô bé tác hại của việc cưỡng hôn, dần dần người thân của cô đã bỏ cuộc. Sự dũng cảm của "Siêu nhân nữ" này đã lan tỏa. Kết quả, 170 "siêu nhân" nữ và nam đã tụ hội tại London, trong sự kiện Tuổi trẻ dành cho sự thay đổi. “Chúng ta không thể tạo ra sự thay đổi cho các em gái nếu không lắng nghe các em. Chỉ bằng cách đó, hợp sức lại, chúng ta sẽ chấm dứt việc cắt bỏ bộ phận sinh dục và cưỡng hôn trong vòng một thế hệ”, đó là tuyên ngôn của giới trẻ sau sự kiện này.

Mẹ chồng không phải luôn luôn đúng

Nếu các bé gái “siêu nhân” xứng đáng là tấm gương trong chiến dịch chống cưỡng hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ thì Sharmila Devi được xem là biểu tượng của việc xây dựng nếp nghĩ mới cho phụ nữ. Melinda Gates vợ của tỷ phú Bill Gates, đồng sáng lập quỹ Bill and Melinda Gates đã nói thế về Sharmila.

Sinh trưởng tại một làng quê xa xôi ở Patna, Ấn Độ, Sharmila sinh đứa con thứ tư mà cô đặt tên là Babita khi Melinda gặp cô trong chuyến công tác thiện nguyện gần đây. Ngay khi Sharmila vừa sinh Babita, mẹ chồng đã đòi con dâu sinh đứa kế tiếp ngay. Tuy nhiên, Sharmila biết kinh tế gia đình không khá giả lắm và cô không muốn sinh thêm con khi không đủ điều kiện chăm sóc. Các nhân viên xã hội đã ủng hộ và hướng dẫn Sharmila biện pháp ngừa thai. Sharmila đã mất rất nhiều giờ mới thuyết phục được chồng đồng ý việc này. Thế nhưng, rào cản lớn nhất là... mẹ chồng. Cũng như những bậc cao niên ở làng quê Ấn Độ, bà kịch liệt phản đối việc ngừa thai “trái với đạo lý”. Thế là Sharmila đành “một mình chống mafia”. Cô bắt đầu uống thuốc ngừa thai và kể lại chuyện của mình cho nhiều người khác, với hy vọng có thêm nhiều người biết ngừa thai đúng cách.

Thông qua câu chuyện của Sharmila, Melinda Gates đã nhắn nhủ với nhiều phụ nữ ở hoàn cảnh tương tự là “Không phải lúc nào cũng tuân theo ý kiến của mẹ chồng”. Theo Melinda, phụ nữ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

THIỆN NGA - PHAN QUỲNH DAO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI