Không thể 'hãm cơn điên' thì đừng làm giáo viên

17/05/2019 - 09:20

PNO - Xin hỏi, khi giơ tay đánh xuống thân thể trẻ, có ai vì giáo dục không? Hay chỉ vì điên tiết, cáu giận, ức chế, mệt mỏi... Nếu không đủ yêu thương và kiên nhẫn dạy trẻ, các thầy cô nên tìm việc khác mà làm!

Thế là "cô Trang Hải Phòng" đã trở thành nhân vật nóng nhất mạng xã hội những ngày này. Xem đi xem lại clip cô Trang (trường Trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đánh học trò lớp Hai, không người mẹ nào có thể ngồi im.

Khong the 'ham con dien' thi dung lam giao vien
VÌ có camera trong lớp, nên cô Trang không thể chối lỗi

Có ai không giận sôi khi nghe cô gằn giọng sỉ vả, chửi bới và tay vung lên hạ xuống chan chát. Cô cứ nhè đầu nhè mặt mà đánh, dù cô biết rõ những nơi đó rất dễ bị tổn thương.

Là mẹ của hai anh nhóc nghịch ngợm hiếu động không hợp tính nhau, hơi tí là gây gổ cãi lộn rồi mách người lớn, thú thật nhiều khi tôi cũng phát khùng. Bắt úp mặt vào tường thì đứng phút trước phút sau chân cẳng ngọ nguậy, mặt áp vào tường và buông thõng hai tay, có khi còn ngủ gật. Bắt dọn vệ sinh thì làm quấy quá cho xong, phút trước vừa hứa không gây sự với anh/em nữa, phút sau đã huých trỏ nhau ầm ầm. 

Trình độ của hai đứa ngày càng tăng thì phận làm phụ huynh, tôi cũng phải nghĩ ra hình phạt mới. Nào là rèn chữ (tập kiên nhẫn), đọc sách và viết thu hoạch (tập đọc hiểu), làm việc nhà (tập giữ vệ sinh)...

Nhưng cũng có lúc không kìm được, tôi đã bép vào mông hai anh một hai cái. Đấy là tôi chỉ có hai đứa con mà nhiều khi không giữ được bình tĩnh, nói gì giáo viên quản một lúc bốn mấy cháu bằng tuổi.

Nên nói nghề giáo viên áp lực, cực khổ, vất vả và khổ tâm, tôi hoàn toàn có thể hiểu, chia sẻ và thông cảm. Nên khi con tôi học lớp Một, chiều đó cô đứng chờ tôi ở cổng với lời xin lỗi: "Khi chiều em nóng quá, chỉnh thế cầm viết cho cháu bốn lần cháu vẫn sai, em có đánh dùng thước khẻ vào tay cháu. Cháu không khóc mà sau đó cứ nhìn em sợ hãi, em ân hận quá chị!".

Thú thật khi nghe con bị đánh, tôi cũng bực lắm, suy nghĩ của tôi và chắc của một số các bà mẹ rằng: “Con tui tui có quyền đánh chứ cô là ai mà dám...”, nhưng tôi đã kịp định thần, nhìn cô giờ này còn đứng chờ để nói một câu hối lỗi, dù xót con nhưng tôi sẵn sàng bỏ qua và tin cô sẽ thay đổi.

Khong the 'ham con dien' thi dung lam giao vien
Những giáo viên "dễ lên cơn điên" làm ảnh hưởng tới uy tín những người thầy chân chính. HÌnh ảnh minh họa

Nhưng không phải giáo viên nào cũng như cô giáo lớp Một của con tôi, và không phải đứa học trò nào cũng chỉ bị một khẻ vào tay. Gần như mỗi ngày, các ông bố bà mẹ lại sửng sốt hết hồn vì một sự kiện, một scandal chấn động trong ngành giáo dục. Nay cô bắt trò uống nước giặt giẻ lau bảng, mai cô đánh trò bầm mình bầm mẩy.... Ngày nối ngày, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước, và đó là những vụ được biết đến qua báo chí, qua mạng xã hội. Còn bao vụ bị ém nhẹm, bị lấp liếm cho qua thì sao?

Ngày bé tôi cũng từng bị ăn đòn. Sau những trận đòn, có tật tôi sửa, có tật không, nhưng tôi không bao giờ cho đó là phương pháp giáo dục, vì sau đó là bao nhiêu mặc cảm, hận thù với người ra đòn. Bây giờ, khi giận mất khôn và lỡ tay đánh đòn con, tôi biết đó là khi tôi thất bại thảm hại, tôi là bà mẹ tệ, chẳng gì có thể biện minh được. Vì thế sau đó tôi phải xin lỗi con, phải tìm các giải pháp phân tán cảm xúc tức giận của mình khi đối mặt với lỗi lầm của con.

Trước hết, thầy cô thử đánh mình xem có đau không, nói gì những đứa học trò nhỏ còn non nớt. Ngoài nỗi đau thể xác, các em còn thêm nỗi đau tinh thần, xấu hổ với bạn bè, và khi ấy những đòn roi có tác dụng răn đe không hay sẽ có tác dụng ngược, tạo nên những đứa trẻ hoặc nhút nhát sợ hãi, ám ảnh tâm lý, hoặc lì đòn, bất cần?

Cách đây bốn năm, cháu gái tôi đi mẫu giáo, khi về đến nhà nhất định đòi ẵm chứ không chịu tự đi. Mẹ cháu hỏi vì sao, cháu nói chân đau. Mẹ cháu lại nghĩ cháu bị con gì cắn nên lòng bàn chân có hơi sưng. Mấy ngày sau cháu vẫn thế, và ban đêm phát sốt, trong giấc mơ cháu nức nở: "Con không nói mẹ mà cô, con không nói gì hết!".

Sáng hôm sau, mẹ cháu dùng hết lời nhỏ nhẹ, năn nỉ đến dọa nạt, cháu mới òa khóc nói bị cô đánh do cô đút cơm nóng quá, cháu nhè vội ra, rơi vào quần áo và rơi xuống sàn. Để phụ huynh không thấy dấu vết, cô giáo đã chọn lòng bàn chân cháu mà đánh. Đánh vào lòng bàn chân, cháu không đau lâu tới mức không thể đi đứng, nhưng ám ảnh bị đánh và sự sợ hãi khiến cháu sợ đặt chân xuống đất, điều đó cũng dễ hiểu.

Tất nhiên, em gái tôi đã đến trường nói chuyện với cô hiệu trưởng, sau đó cô giáo bị tạm cho không đứng lớp. Nhưng cháu tôi cũng được xin chuyển sang trường khác. Bởi, nào biết sau thời gian tạm ngưng, cô giáo có được giao đứng lớp lại không; và liệu cô có "chừa" được thói đánh trẻ, còn học kiểu đánh rất tinh vi nhằm qua mặt phụ huynh, còn đe dọa trẻ cấm được về mách ba mẹ. 

Xin hỏi, khi giáo viên giơ tay lên đánh xuống thân thể những đứa trẻ, có giáo viên nào dám nói cô đánh đòn thương yêu không? Đánh vì điên tiết, đánh vì cáu giận, đánh vì bực tức, ức chế, mệt mỏi... Cô đánh cho hả cơn điên như lời cô nói, thì nên mời cô ra khỏi ngành sớm. Chứ án phạt đình chỉ dạy 6 tháng không thể giải quyết được gì.

Khong the 'ham con dien' thi dung lam giao vien
Vết đòn roi của cô Trang trên chân học sinh

Chính những giáo viên như cô Trang làm ảnh hưởng đến bao giáo viên chân chính khác, đẩy phụ huynh đang ở tư thế hợp tác thành tư thế đối kháng, nên phụ huynh nóng giận chạy vào trường bắt cô giáo quỳ... cũng từ đó mà ra.

Giáo viên là nghề đặc biệt. Nếu đã theo nghề thì thầy cô đã nắm vững những biện pháp sư phạm, chứ không như những bà mẹ chưa từng được đào tạo việc dạy dỗ trẻ như chúng tôi. Cũng không thể biện minh "ở nhà mẹ cũng đánh bé, sao chúng tôi không được đánh", hay vì phụ huynh nói "nếu cháu hư cô cứ đánh cho chừa" mà áp dụng những hình phạt phụ huynh yêu cầu.

Tôi cho rằng, nếu ai thấy không đủ kiên nhẫn, không phù hợp làm nghề nuôi dạy trẻ thì không nên thi vào sư phạm. Khi đi làm, nếu thấy không chịu đựng nổi thì nên chuyển nghề, tìm việc khác, đừng tiếc đừng cố níu để rồi lại mang áp lực, căng thẳng, ức chế ra biện minh.

Ngay điều cơ bản nhất là tôn trọng học sinh, không được dùng những biện pháp bạo lực vầ thể chất hay tinh thần cho trẻ mà các thầy cô không tuân thủ, thì liệu các thầy cô có thể dạy ai nên người?

Thùy An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI