Không thể dùng người theo kiểu phủi tay

17/07/2024 - 15:57

PNO - Tình trạng khan hiếm nhân công là điều chưa từng xảy ra ở TPHCM từ khi tiến hành công nghiệp hóa sau chủ trương đổi mới của Đảng.

Thời gian này, rất nhiều doanh nghiệp không tuyển được công nhân. Tình trạng khan hiếm nhân công là điều chưa từng xảy ra ở TPHCM từ khi tiến hành công nghiệp hóa sau chủ trương đổi mới của Đảng. Điều đó cho thấy, một bộ phận người lao động ở các tỉnh, thành không còn thiết tha với việc làm công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM nữa.

Nữ công nhân được tư vấn, khám sức khỏe miễn phí tại Ngày hội nữ công nhân năm 2024
Nữ công nhân được tư vấn, khám sức khỏe miễn phí tại Ngày hội nữ công nhân năm 2024 - Ảnh: Thiên Ân

Lý do đầu tiên là tất cả tỉnh, thành đều có các khu công nghiệp, có tỉnh nhiều, có tỉnh ít nhưng rõ ràng, người lao động không nhất thiết phải đến TPHCM để tìm kiếm việc làm nữa. Thêm vào đó, những năm gần đây, các tỉnh trước kia thuộc nhóm nghèo nhất cũng đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo ra nhiều việc làm.

Sản phẩm nông nghiệp cũng bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất từ trước đến nay, nông thôn mới đang làm thay đổi cuộc sống nông thôn vốn nghèo nàn, lạc hậu. Người lao động có nhiều cơ hội việc làm tại chỗ nên họ ở lại quê nhà nhiều hơn để được ở nhà mình, đỡ đi nhiều chi phí và dễ sống với phong tục, tập quán quê nhà.

Sau đại dịch COVID-19, người lao động nhận thấy cuộc sống bấp bênh với những rủi ro quá lớn nơi thị thành. Với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng nếu tăng ca liên tục, họ sẽ không có khoản tích lũy, trong khi chi phí cho thuê nhà, ăn uống, đi lại, chữa bệnh, lo con cái học hành chiếm gần hết thu nhập. Chỉ cần 1 lần gặp chuyện không may như tai nạn, đau ốm, họ có thể rơi vào bế tắc ngay. Cho nên, có người làm việc ở TPHCM 20-30 năm mà vẫn không sao khá lên được. Họ có xu hướng tìm đến những công việc có thể thu nhập không cao nhưng lại an toàn và ổn định lâu dài.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những xung đột thế giới khiến cho tất cả các nước bị suy thoái, người dân ở các nước phát triển phải thắt lưng buộc bụng, nên nhiều công ty ở TPHCM không có đơn hàng xuất khẩu hoặc có thì không bền vững, phải ăn đong. Các công ty gia công như may mặc, giày da, túi xách, đồ gỗ, thiết bị điện phụ thuộc hoàn toàn vào việc có đơn đặt hàng hay không, mà nay có khi chỉ có đơn hàng 3 tháng, 6 tháng. Do vậy, công nhân trở thành người làm thuê thời vụ. Tất cả những thứ đó cộng hưởng khiến việc tuyển dụng công nhân rất khó khăn.

Để giải bài toán nhân lực này, các công ty không thể trông chờ vào chính quyền thành phố mà chủ yếu là tự thân vận động. Chủ các công ty cần ý thức được rằng, thời mà người trẻ tuổi đứng xếp hàng dài ngoài cổng nhà máy chờ phỏng vấn đã qua rồi, để từ đó cần thay đổi chính sách đãi ngộ và thái độ trọng thị đối với người lao động nhằm giữ họ lại với mình dài lâu.

Người lao động phải có đồng lương sống được và có tích lũy. Do đó, ngay cả khi đợi đơn hàng, chủ doanh nghiệp cũng cần có cách cho họ mức sống tạm đủ để chờ cơ hội. Việc sa thải ngay khi không có việc và tuyển lại ngay khi cần khiến công nhân bất an. Ngoài chuyện đóng đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp phải tính đến chuyện “an cư” cho công nhân thông qua việc hỗ trợ phần tiền thuê nhà hoặc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê giá rẻ, đồng thời hỗ trợ người lao động khi sinh con, gửi con vào nhà trẻ, trường học, chữa bệnh, vui chơi, giải trí.

Nếu giới chủ cứ giữ quan niệm “công nhân là người bán sức lao động”, bắt họ làm 8-10 giờ/ngày, sau đó phủi tay thì chả có người lao động nào gắn bó lâu dài cả. Thời buổi 4.0 này, nếu không thay đổi cung cách quản lý thì khó mà tồn tại. Hãy học người Nhật. Ở đó, nhờ giới chủ có chính sách đãi ngộ tốt nên có những nhà máy được người lao động nhiều thế hệ trong 1 gia đình, dòng họ tận tâm làm việc, cống hiến và phục vụ hết mình.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI