Trong lúc cả nước đang phải gồng mình chống dịch COVID-19 thì đồng bào miền Tây cũng lao đao vì hạn mặn, thiếu nước, đồng lúa chết khô. Trong “tai ương kép”, chị em phụ nữ Sài Gòn đã cùng hành động.
TIẾP SỨC CHO TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH
Hai bữa nay, trụ sở ban điều hành khu phố 5, P.Bình Trưng Đông, Q.2 sáng đèn từ 4 - 5g sáng. Ở đó, chị em nổi lửa chăm lo bữa ăn cho anh em. Chẳng là từ khi Q.2 có người nhiễm SARS-CoV-2, kéo theo chung cư The Ascent, khu B tòa nhà T4 chung cư Masteri và trụ sở công an phường bị phong tỏa, lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố/khu phố phải “trực chiến” 24/24 tại năm chốt, thì chị em đã rủ nhau mỗi ngày nấu hai bữa cơm với tổng cộng 170 suất ăn để phục vụ anh em. Tiểu thương chợ Bình Khánh hay tin cũng tình nguyện hỗ trợ gạo và các thứ nhu yếu phẩm. Người chị lớn của bếp cơm - dì Trần Thị Thanh Thủy, nói: “Hơn lúc nào hết, thời điểm này cần bình tĩnh và đồng lòng chống dịch. Chúng tôi già yếu, không làm được gì nhiều, chỉ mong góp tấm lòng tiếp sức các cháu”.
|
Chị em phụ nữ Q.2 mỗi ngày nấu 170 suất cơm phục vụ 5 chốt trực ở các khu vực bị phong tỏa |
Cũng ở Q.2, ngày 25/3 vừa qua, Hội Phụ nữ quận đã tiếp tế mì, nước ngọt, bánh ngọt, cà phê cho lực lượng đang bám trụ tại khu cách ly tập trung Q.2 và P.Thảo Điền. Bác sĩ Phan Minh Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Q.2, người đang túc trực tại khu cách ly cho biết, quà của chị em sẽ được sử dụng sao cho không chỉ các y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu, mà ngay cả người đang cách ly cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ.
Trước đó, chiều 23/3, Thành Hội và các nữ nghệ sĩ đã có chuyến thăm, trao tặng một tấn gạo và một số đồ dùng y tế cho bệnh viện dã chiến đặt tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh ở H.Củ Chi.
Mọi thứ đều rất tốt
Tôi là một du học sinh từ Anh trở về và đang thực hiện việc cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7, Q.12. Hơn 10 ngày tại đây, chúng tôi được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hai lần/ngày. Các nhân viên y tế và các chiến sĩ cũng thường xuyên thăm hỏi sức khỏe chúng tôi. Đến giờ, tôi và các bạn cùng phòng đã được làm các xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19.
Không khí tại khu cách ly thật sự thoải mái, ngoài việc nghỉ ngơi, ăn uống, giữ gìn sức khỏe, tối đến chúng tôi có thể đi dạo trong khu vực.
Ngày đầu mới về, xuống sân bay, tôi được đưa thẳng về khu cách ly, bản thân và gia đình đều lo lắng. Nhưng mọi thứ sau đó đều rất tốt. Tôi được xếp ở cùng phòng với hai người Việt từ châu Âu về. Phòng sạch sẽ, thoáng, có quạt máy, nhà vệ sinh riêng, mỗi người một giường. Mọi người được phát đồ dùng cá nhân từ chiếc khăn mặt, bàn chải đánh răng, gối, mền. Cơm ngày ba bữa sáng, trưa, chiều, được phục vụ tận phòng. Món ăn cũng thường xuyên thay đổi với các món mặn, canh, xào và trái cây. Bữa sáng thì phong phú hơn với bánh hỏi, bún chả giò, bún thịt nướng. Ở đây các chú bộ đội nấu ăn rất ngon. Thỉnh thoảng các chú còn đến cho thêm bánh, trái cây, ngũ cốc, có cả sô-cô-la nữa. Mọi thứ đều rất tốt.
Phạm Ngọc Thùy Vân
|
Hiện, nơi đây đang điều trị 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và tổ chức cách ly cho 376 người. Các chiến sĩ phải đảm nhận mọi việc, từ phục vụ cơm nước, giường chiếu, mùng mền, thậm chí cả nhu cầu cá nhân của người cách ly. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM - mong các chiến sĩ, y bác sĩ hãy vững lòng. Phụ nữ thành phố đã và đang sẵn sàng làm hậu phương trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Trong những ngày qua, Hội Phụ nữ các cấp đã và đang hành động cùng tuyến đầu chống dịch. Ở Q.10, chị em tiếp tế cơm và thực phẩm cho khu cách ly chung cư. Ở Q.Gò Vấp, chị em lên thực đơn, đi chợ giúp người dân. Tại Q.8, chị em vận động kinh phí để trang bị quần áo bảo hộ cho lực lượng làm việc tại khu cách ly phòng dịch…
CHỞ NƯỚC VỀ VÙNG HẠN MẶN
Với bà con miền Tây, cuộc sinh tồn chưa bao giờ khó khăn như lúc này, vừa lo COVID-19 lại vừa mỏi mòn mong nước ngọt về. Xã Tân Phước (H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn mặn kéo dài nhiều tháng qua. Ruộng đồng nứt nẻ, các dòng sông trơ đáy, nước trong đầm ao hóa mặn. Toàn xã có 3.500 hộ dân với 18.000 nhân khẩu đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Sáng 22/3, dưới nắng gắt, chị Nguyễn Thị Thảo, 54 tuổi, ở xã Tân Phước, cùng 300 hộ dân xếp hàng chờ nhận “quà Sài Gòn” của chị em phụ nữ P.4, Q.5. Mỗi hộ chỉ được một can nước sạch, 10 gói mì, 2 chiếc khẩu trang y tế… vậy mà bà con mừng ra mặt. “Bây giờ nước quý hơn vàng. Nhà có sáu nhân khẩu, mấy tháng nay thèm tắm một bữa đã đời mà đành nhịn, chỉ trút nước mặn lên người rồi dội lại một gáo nước ngọt nhỏ xíu. Được cho cả can nước như vầy, tụi tui mừng lắm” - chị Thảo thật tình.
|
Phụ nữ TP.HCM chở nước cứu viện bà con vùng hạn mặn |
Chị Nguyễn Vũ Anh Thư - Phó chủ tịch Hội LHPN P.4, Q.5 - cho biết, ban đầu các chị chỉ định tặng 300 chiếc bình để dân chứa nước sạch, nhưng các dì góp ý nên có nước sạch cho dân. Thế là các chị súc rửa bình rồi bơm nước sạch vào. “Thấy bà con vui mừng, chúng tôi cũng mát lòng” - chị Thư nói.
Không chờ đến những ngày cao điểm nắng nóng mà từ trước tết Nguyên đán, nhiều chuyến xe “Trao yêu thương” của chị em thành phố cũng đã xuôi về miền Tây. Ngày 20/2, Hội LHPN Q.Bình Thạnh mang 12 bồn chứa nước (loại 500 lít) về tặng bà con xã An Khánh, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Sau đó hai ngày, Hội LHPN TP.HCM đã tháp tùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tặng 1.000 bồn chứa nước và 9.000 bình nước sạch cho bà con H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Và ngay lúc này, các cấp Hội và Hội Phụ nữ các công ty cũng đang tích cực chuẩn bị để tiếp tục chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và chia sẻ khó khăn với bà con vùng hạn mặn.
Ánh Hiếu Nguyên
Cho tôi góp chút lòng
Chiều 25/3, chị Phan Thị Phương Tâm (P.Tân Thới Nhất, Q.12) đã gửi tặng lực lượng dân phòng và tình nguyện viên đang phục vụ tại các khu cách ly 100 áo mưa, 40 áo thun, 38 bình đựng nước cá nhân, 30 thùng nước ngọt. “Cho tôi góp chút lòng, chiều nay trời như muốn chuyển mưa. Tôi lo mấy em thanh niên tình nguyện tối lại phải trải thùng các-tông ngủ ngoài trời” - chị Tâm nói.
Một tuần trước, trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines, con gái chị Tâm cùng 24 du học sinh khác đã trở về từ Luân Đôn trước khi Anh đóng cửa hoàn toàn vì dịch bệnh bùng phát. Xuống sân bay, con gái chị được đưa vào cách ly tại một đơn vị quốc phòng ở Q.12. Một tuần sống trong khu cách ly, ngày nào con gái cũng điện thoại về khoe với mẹ những bữa ăn, những câu chuyện vui buồn từ nơi đặc biệt. Em nhắn bảo mẹ yên tâm, đừng gửi gì cho em mà hãy gửi tặng cho những người đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly.
Còn rất nhiều những ông bố, bà mẹ khác cũng như vậy. Chị Nguyễn Phương Hà (Q.8, TP.HCM) có cháu gái trở về từ Mỹ đang ở tại khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Thứ hai vừa qua tôi cùng chị gái lên tiếp tế đồ cho cháu. Tới nơi, cháu mới gọi điện bảo “mẹ và dì về đi, ở đây con và các bạn có đủ thứ rồi. Nếu có mang khẩu trang, nước uống, đồ ăn thì gửi cho các anh chị bảo vệ”. Chúng tôi đã tặng toàn bộ những gì mang theo cho các em tình nguyện viên, nhưng họ từ chối. Tìm đến người phụ trách cao nhất, nhưng anh ấy chỉ xin giữ lại số khẩu trang, găng tay và nước
rửa tay.
Chị Lê Thị Hằng, một nữ doanh nhân tại Q.3 có con trai đang cách ly theo dõi sức khỏe tại Củ Chi nói: “Mình cứ cuống cuồng vì con, nhưng con nói bố mẹ lo thái quá làm tụi nó xấu hổ”.
Ngày 25/3, trên facebook, chị Chi Nguyễn đưa tấm ảnh một bà mẹ đội nón lá cùng chiếc xe chất đầy sữa, bánh vào khu cách ly ở Trường Quân sự Sơn Tây (Hà Nội). Chị khoe, con trai là du học sinh về nước cách ly. “Nhà nước lo cho nó đủ rồi, còn mẹ lo cho các chú bộ đội” - chị viết.
Hạnh Chi
|