Diễn đàn “Văn minh đô thị: Mỗi người cùng góp một tay":

Không thể dùng bạo lực để ứng xử với bạo lực

26/09/2022 - 06:31

PNO - Mọi người, dù là ai, đều phải ứng xử trên nền tảng pháp luật.

Vừa rồi, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến làm không ít người ngạc nhiên khi tỏ ra hả hê với việc người vợ bị người chồng ghen tuông chém đứt lìa hai tay. Hay mới đây, một số người lại tỏ ra thông cảm với kẻ “phạm tội hiếp dâm”, đồng thời còn công kích nạn nhân… Trước đó, trong nhiều vụ việc, từng có ý kiến trái chiều “chia sẻ” với cái ác, cái xấu, khiến nhiều người không khỏi giật mình. Chẳng hạn như việc cổ xúy, tán thành, thậm chí làm theo các hành vi vi phạm pháp luật của các “giang hồ mạng”.

Cán bộ công an phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Linh Nhi
Cán bộ công an phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) - Ảnh: Linh Nhi

Với những vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang (năm 2011), vụ Nguyễn Hải Dương ở Bình Phước (năm 2015), phần đông ý kiến đều lên án hành vi của kẻ thủ ác bằng thái độ cũng ác không kém, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Ngược lại, có người lại xem đó là “hình mẫu” để bắt chước khi ứng xử với các cá nhân khác, các vụ việc khác tương tự.

Như vậy, đã và đang có hai xu hướng ứng xử với cái ác, cái xấu. Một là, nhân danh bảo vệ cái tốt, cái đúng, đã có thái độ, cách hành xử vi phạm pháp luật, vượt ra ngoài khuôn khổ đạo đức. Chẳng hạn, vì bức xúc trước một hành vi sai trái của ai đó mà một số người đã kéo đến tận nhà người có hành vi sai trái để “dạy cho một bài học”. Hai là, xem các việc ác, việc xấu như là gợi ý có thể làm theo với những trường hợp tương tự, bất chấp điều đó không phù hợp pháp luật và đạo đức xã hội. Rất tiếc là cả hai cách ứng xử đều lệch chuẩn, cần phải phê phán, lên án và điều chỉnh. 

Chúng ta không thể ứng xử với cái xấu, cái ác bằng cái xấu, cái ác khác, vì như thế sẽ tạo ra cái xấu, cái ác nhiều hơn. Việc xử lý mọi việc đều phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật đã có các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Mọi người, bất kể ai, không thể vì bức xúc, tức giận mà tự làm “Bao Công”.

Mọi người, dù là ai, đều phải ứng xử trên nền tảng pháp luật. Không thể vì quá bức xúc mà hành xử vượt ra ngoài quy định pháp luật; cũng không vì “đồng cảm” mà thỏa hiệp với cái ác, cái xấu. Mỗi người cần có cách thức bày tỏ ý kiến đúng mực, không kích động bạo lực, cổ xúy hành vi sai trái hoặc góp phần làm môi trường (nhất là trên không gian mạng) trở nên vẩn đục.

Suy cho cùng, cái gốc của mọi hành vi, của việc xử lý phải từ gia đình. Người lớn phải nêu gương trong các cách thức hành xử sao cho phù hợp các chuẩn mực; đồng thời phải giáo dục, định hướng cho con em về cách thức ứng xử phù hợp, trong từng việc nhỏ. Chẳng hạn, bắt đầu từ độ tuổi mẫu giáo, khi có các “va chạm” giữa trẻ con với nhau, người lớn phải hướng dẫn cho con em cách xử lý phù hợp, không gieo rắc tinh thần bạo lực, đề cao việc trả đũa cho trẻ.

Người lớn cần minh định các việc đúng - sai trên các quy tắc, chuẩn mực đúng đắn của pháp luật, của đạo đức xã hội chứ không theo đám đông, không vì lợi ích riêng mà sẵn sàng chà đạp lợi ích người khác bằng mọi giá… Và, người lớn phải nghiêm túc trong việc dạy cho trẻ tinh thần ứng xử nhân văn, độ lượng, khoan dung với các sai trái, lỗi lầm của người khác nhưng không phải thỏa hiệp, bao che, dung túng cho cái ác, cái xấu.

Tương tự như vậy, nhà trường, truyền thông, cộng đồng xã hội… cũng phải ứng xử phù hợp với các biểu hiện chưa lành mạnh, trong xã hội. Tất cả chúng ta không thể dùng bạo lực để ứng xử với bạo lực, lấy cái xấu này để đối phó với cái xấu khác, đem cái ác để đàn áp cái ác khác… mà phải đem cái tốt cảm hóa, cải biến, thay đổi cái xấu. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển của một xã hội nhân bản, nhân văn!

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI