Không thể đem sức khỏe học trò ra thí nghiệm!

23/12/2019 - 11:46

PNO - Một số nhà khoa học cho rằng, quy định sữa học đường phải đảm bảo bổ sung đủ 21 vi chất cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, trước khi áp dụng vì không thể đem sức khỏe học trò ra thí nghiệm.

Ngày 5/12/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT, quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình . Theo đó, sản phẩm sữa sử dụng trong chương trình Sữa học đường phải đảm bảo bổ sung đủ 21 vi chất. 

Liên tục thay đổi

Trước khi thông tư này được ban hành, tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Viện Dinh dưỡng Quốc gia đề xuất bổ sung 21 loại vi chất dinh dưỡng cùng hàm lượng cụ thể vào sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường; nếu đã nghiên cứu có tính chất khoa học cao với đầy đủ mục tiêu, phương pháp và được hội đồng khoa học nghiệm thu thuyết phục thì đề nghị nộp về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo để báo cáo lãnh đạo bộ.

Nếu đủ cơ sở khoa học, lãnh đạo bộ sẽ xem xét bổ sung cả 21 vi chất; nếu chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu trên, Bộ Y tế chỉ định Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo triển khai đề tài nghiên cứu cấp bộ. Bà Kim Tiến yêu cầu, chú ý đảm bảo cỡ mẫu đại diện, yếu tố vùng miền (miền núi, đồng bằng đô thị, khu vực sinh thái) và nhóm tuổi. 

Thế nhưng, sau đó chỉ hơn ba tháng, khi chưa có bất cứ nghiên cứu toàn diện nào, Bộ Y tế đã ban hành thông tư trên.

Trước nữa, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5450/BYT về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, nhấn mạnh: sữa tươi sử dụng trong chương trình phải đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010/BYT và giao cho Viện Dinh dưỡng Quốc gia ban hành quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Ngày 6/7/2017, viện này có công văn số 351/VDD-DDHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm và Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (gửi kèm bản báo cáo kỹ thuật) nhằm “khuyến nghị” đưa 21 vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm sữa sử dụng cho chương trình Sữa học đường. Hơn một năm sau, ngày 17/9/2018, cũng chính viện này ra công văn số 437 gửi Cục An toàn thực phẩm, đề xuất bổ sung ba vi chất, gồm vitamin D, sắt, can-xi vào sữa học đường. 

Ngày 8/4/2019, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiếp tục có công văn số 195 chính thức đề xuất: “Do Quyết định số 1340/QĐ-TTg chỉ còn hiệu lực thực hiện đến năm 2020, Viện Dinh dưỡng đề nghị tiếp tục thực hiện chỉ thị của Thủ tướng và tổ chức đánh giá hiệu quả trước khi xây dựng chương trình can thiệp dinh dưỡng cho giai đoạn mới”.

Khong the dem suc khoe hoc tro ra thi nghiem!
Nhiều nước trên thế giới chỉ khuyến khích trẻ uống sữa tươi thanh trùng. Ảnh minh họa.

Đến ngày 18/6/2019, trong cuộc họp góp ý dự thảo quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chủ trì, đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia lại đề xuất bổ sung 21 vi chất, thay đổi quan điểm so với công văn gửi Bộ Y tế ngày 17/9/2018, và hàm lượng của một số vi chất trong danh sách này cũng khác so với khuyến nghị đã đưa ra. 

Thí nghiệm trên sức khỏe học trò 

Khi các đơn vị liên quan chưa thực hiện đề tài nghiên cứu một cách bài bản, chưa có kết luận khoa học và chính quy về bổ sung vi chất dinh dưỡng, chưa có các ý kiến phản biện của chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học, việc ban hành Thông tư 31 yêu cầu sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường phải đảm bảo bổ sung đủ 21 vi chất dinh dưỡng là chưa đủ căn cứ.

Về vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - đã bày tỏ quan điểm: “Ai đề nghị bổ sung 21 vi chất vào chương trình Sữa học đường khi chưa có tài liệu nghiên cứu, điều tra cộng đồng, chưa có cơ sở khoa học là cực kỳ vô trách nhiệm. Có những tác động cộng hưởng khi bổ sung đa vi chất theo nguyên tắc tương sinh hoặc tương khắc. Hai cái khắc nhau thì không được bổ sung, mà chỉ bổ sung hai hoặc những vi chất nào cộng hưởng có lợi. Việc bổ sung vi chất phải theo chỉ đạo của Nhà nước. Quyết định của Chính phủ phê duyệt chương trình Sữa học đường chỉ yêu cầu bổ sung ba vi chất vào sữa học đường là sắt, can-xi, vitamin D”.

“Viện Dinh dưỡng Quốc gia phải có trách nhiệm với phát ngôn, đề xuất của mình vì nó liên quan đến sức khỏe giống nòi. Muốn bổ sung chất gì, phải đưa ra được cứ liệu khoa học, thực tiễn nghiên cứu trên phạm vi, số lượng trẻ nhỏ đủ độ tin cậy. Dựa trên các cơ sở khoa học đầy đủ, Bộ Y tế sẽ phải có đề nghị với Thủ tướng; Thủ tướng xem xét mới ra quyết định bổ sung chất gì, cho đối tượng nào và ở vùng nào, lúc đó mới được triển khai. Không thể lấy sức khỏe học trò ra làm thí nghiệm được. Đó là việc làm vô trách nhiệm” - ông Đáng nhấn mạnh. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI