Không thể để lễ hội biến tướng và tha hóa như hiện nay

03/03/2015 - 12:53

PNO - PN - Cướp lộc ở lễ hội đền Gióng, đập trâu, chém lợn... những hình ảnh ấy đang gây rất nhiều luồng ý kiến trong dư luận. GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia...

* Hình ảnh bạo lực xuất hiện ở nhiều lễ hội khiến nhiều người cho rằng đã làm mất đi ý nghĩa thiêng thiêng của lễ hội truyền thống. Quan điểm của giáo sư ra sao?

- Cần phải nhìn từng trường hợp cụ thể để có những cách hiểu khác nhau. Ví dụ ở hội Gióng, việc cướp hoa tre bản thân nó là một nghi thức của lễ hội, vì hoa tre (tượng trưng cho vũ khí của Thánh Gióng - PV) thì ít mà người tham gia thì đông nên sau khi làm lễ, người ta sẽ tung hoa tre cho người dân, ai “cướp” được thì người ấy sẽ gặp nhiều may mắn. Đó là tranh cướp lành mạnh, điều này đã diễn ra hàng nghìn năm nay. Nhưng, bạo lực như thời gian gần đây thì là khác.

Năm trước người ta lợi dụng tục “cướp” hoa tre để trả thù cá nhân, đến nay tôi biết có một thanh niên bị di chứng lơ ngơ vì bị người cùng làng lợi dụng lễ hội để trả thù. Còn năm nay, tôi được biết, một nhóm thanh niên lao vào cướp hoa tre khi chưa làm xong lễ khiến lực lượng bảo vệ phản ứng bằng cách vung gậy đánh nhóm này. Lỗi này thuộc về BTC lễ hội.

Ông Phó chủ tịch huyện Sóc Sơn nói đó là phong tục của lễ hội, tôi khẳng định là không phải. Phong tục phải là “cướp” theo cách có thể đẩy nhau ngã lăn ra nhưng không ai thù oán ai, tất cả đều vui vẻ. Còn đây là đánh nhau thực sự. Hành động này có thể coi là sự kém hiểu biết và tha hóa của lễ hội.

Tôi nói thêm về lễ hội chém lợn, để chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc của tục lệ này. Đã có ai tìm hiểu về lễ hội hay chỉ nghe đến chém là chê bai nhau mọi rợ? Tôi nghĩ người dân Ném Thượng vì bị chê bai nhiều quá nên họ phản ứng, hai năm rồi họ không chém, năm nay họ lại mang lợn ra chém ở sân đình. Tôi nghĩ truyền thông hơi “phô” khiến người dân Ném Thượng thấy họ bị sỉ nhục.

Họ làm cái đó không phải vì chém con lợn mà trong niềm tin của người ta, họ làm vì sự yên lành của làng xã, cộng đồng phải làm cái đó mới no ấm, mới có sức khỏe… Trong khi đó, họ lại bị trùm lên suy nghĩ là cộng đồng này man rợ. Cái đó không phải là bạo lực mà là phong tục, dù phong tục đó có thể không còn phù hợp. Hãy làm cái gì để thuyết phục người dân tự bỏ, không làm cái đó nữa chứ không phải là ép người ta. Nếu không biết nguồn gốc, phong tục lễ hội của người ta thì đừng đến chứ đừng đứng ngoài nhìn vào rồi phê phán, lên án, đó cũng là một hành động thiếu văn hóa.

Khong the de le hoi bien tuong va tha hoa nhu hien nay

Khiêng kiệu đâm vào xe ô tô tại hội làng Xuân Đỉnh

* Bản chất lễ hội là tốt đẹp, nhưng lễ hội đang ngày càng biến tướng. Theo ông, nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

- Trong nhiều năm, sự hiểu biết về tín ngưỡng, lễ hội của người dân bị đứt đoạn, người đi lễ hội không hiểu, không có tri thức về đời sống tâm linh. Tôi mới xem một cuộc phỏng vấn ba người, hỏi anh đi lễ ở đâu thì câu trả lời đều là tôi chưa kịp tìm hiểu đây là đền nào, thờ ai… Tình trạng dân trí về đời sống tâm linh như vậy thì sao hành động không lệch chuẩn, cứ thấy có bát hương là đến khấn vái mà không biết khấn vái cái gì. Không chỉ dân trí mà là "quan trí" cũng kém về lễ hội. Tất cả những điều đó dẫn đến sự xô bồ của lễ hội, điều này rất đáng buồn.

Tôi muốn ví dụ thêm ở lễ hội đền Trần ở Nam Định. Việc phát ấn ban đầu mang ý nghĩa “tích đức vô cương” (cầu mong cho sự phúc đức mãi mãi) nhưng sau này chúng ta tỉnh hóa, toàn quốc hóa lễ hội này thì đã biến ý nghĩa của ấn thành phong quan tiến chức. Từ đó, người ta đi xin ấn để được thăng chức như một nhu cầu xã hội. Theo tôi được biết thì chỉ riêng năm 2012, thành phố Nam Định đã nộp vào ngân sách 12 tỷ đồng. Một lễ hội thu từng đó lợi lộc thì người ta có bỏ hay không?

Khong the de le hoi bien tuong va tha hoa nhu hien nay

Hỗn chiến ở hội đền Gióng

* Dường như tiêu cực trong lễ hội là điều không thể tránh khỏi, ông có nghĩ vậy không?

- Lễ hội là lĩnh vực rất dễ bị lợi dụng. Trong thời đại hiện nay, cái gì người ta cũng lợi dụng được, tín ngưỡng thì càng dễ lợi dụng, vì không ai chứng minh được. Nhưng tôi nghĩ là phải có cách để hạn chế tiêu cực chứ không thể để lễ hội tha hóa như đã thấy thời gian qua.

* Lễ hội qua thời gian sẽ biến đổi để phù hợp với thực tế. Nhưng dù thế nào thì cũng phải dựa trên nguồn gốc lịch sử, nếu không sẽ là xuyên tạc lịch sử, lễ hội cũng như cổ vũ cho những hủ tục, ông nghĩ sao?

- Đối với lịch sử, chính xác là rất quan trọng. Nhưng trong tín ngưỡng, sự chính xác không quan trọng bằng việc người ta xác tín, người ta tin. Có những điều không diễn ra nhưng người ta tin, tin hơn là nó có thật. Đó là do nhu cầu tâm linh của người dân mà người ta sinh ra niềm tin ấy và ta tôn trọng điều đó. Quan trọng là người ta có niềm tin.

DUNG NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI