Không thể cứu vãn

03/08/2016 - 19:37

PNO - Trong bước đường cùng, ông đã chọn cách hy sinh bản thân. Dù sự lựa chọn đó rất đau, rất đáng tiếc. Giờ chắc ông được yên nghỉ khi thấy thằng con ngỗ ngược đã chịu cải tà.

Từ ngày ông mất, lối xóm ít thấy thằng Út, con trai ông đi đâu xa. Cả ngày nó hùng hục ngoài đồng, hết việc đồng áng thì lo xây lại chuồng heo, vét ao nuôi cá, chăm tưới vườn xoài… Xóm giềng bảo nhau “đợi cha chết mới chịu thức tỉnh. Cái giá phải trả sao mà đắt dữ!”.

Bà mất sớm, mình ông làm lụng vất vả nuôi bốn đứa con. May mắn, các con ông đều chí thú làm ăn. Riêng thằng Út, do từ nhỏ được ông cưng chiều nên hay tụ tập nhậu nhẹt. Từ ngày cưới vợ, thằng Út đã biết tu tỉnh, sớm hôm cùng vợ ra đồng. Chiều chiều, người ta hay thấy ông ẵm cháu nội đi rong trong xóm.

Nhà có ba công ruộng, tới mùa lúa, làm một lèo đã xong. Thằng Út đòi ra thị xã làm phụ hồ để có thêm đồng ra đồng vào. Thấy con biết nghĩ, ông mừng thầm trong bụng.

Thằng Út đều đặn mang tiền về đưa vợ. Con dâu khoe với ông, vài tháng nữa dành dụm đủ tiền sẽ đổi chiếc xe mới cho chồng, mua thêm vài con heo để thả nuôi… Ông mừng không bao lâu lại thấy vợ chồng nó lục đục. Con dâu khóc với ông, nói chồng nó đòi lại số tiền đã dành dụm, còn kêu vợ đưa vàng cưới để hùn hạp làm ăn gì đó. Ông ra chỗ thằng Út làm công, kiểm tra thực hư. Có người nói với ông, con trai ông phải lòng cô tiếp viên quán cà phê. Ông rụng rời. Nó mà “làm ăn” với tiếp viên thì có nước trắng tay, mất cả người lẫn của. Ông tức tốc gọi con về, ngọt nhạt phân tích đúng sai, nêu mấy tấm gương tày trời cho nó thấy. Thằng Út im lặng. Lúc xách xe ra ngõ, nó ngoái lại nhìn ông, lạnh lùng: “Chuyện con làm con biết, cha đừng xen vào”. Ông giận quá, lên huyết áp. Con dâu ông mếu máo chạy sang hàng xóm nhờ người đưa ông đi bác sĩ.

Vợ chồng nó cãi vã liên miên. Lần nào cãi xong, thằng Út cũng đi biệt mấy ngày không về. Lúa ngoài đồng còn non, nó kêu thương lái tới bán. Hầm cá sau nhà, nó cũng bán tháo. Nhà còn mấy con gà mái, nó cũng mang cho nhân tình… Chịu hết xiết thằng con ngu muội, ông xách cây rượt. Nó chạy vài bước rồi quay lại cười cười, nhắc ông “cha coi chừng té”. Ông than trời trách đất. Cứ tưởng tuổi già được yên thân, hưởng phước, ai dè còn phải khốn khổ vì thằng con trời đánh.

Khong the cuu van
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ông khổ một, con dâu ông khổ mười. Nó thủ thỉ thưa với ông: “Chắc con về bển. Chồng con không còn nghĩ tình nghĩa gì nữa. Con ở lại đây cũng không kéo được chồng về. Con chỉ không nỡ bỏ cha một mình”. Ruột gan ông như có ai chặt từng khúc. Ông trằn trọc trắng đêm. Sáng ra, ông nói với con dâu: “Không dạy được thằng Út là lỗi của cha. Nhưng cha hứa với con, nhất định cha sẽ có cách làm cho nó thức tỉnh. Con cứ yên tâm ở lại đây”.

Ông lẳng lặng thay quần áo mới, tới từng nhà trong xóm xin lỗi bà con vì bấy lâu đã bị thằng Út chửi bới mỗi khi xen vào khuyên can những lúc cha con, vợ chồng lục đục. Xóm làng ai cũng xót ông. Người an ủi, người động viên. Có người tặc lưỡi xót xa, “khổ thân ông già, mũi dại mà lái phải chịu đòn”. Lối xóm quên bẵng thái độ kỳ lạ đó của ông. Con dâu ông cũng không để ý. Quá trưa, con dâu từ ngoài đồng về, thấy ông đã treo cổ ở sau vườn.

Thằng Út ào về. Nhìn xác cha tím rịm, nó run bần bật rồi ngã lăn ra khóc như đứa trẻ. Nó đã không còn cơ hội để chuộc lỗi với cha.

Đám tang ông, đông nghẹt bà con làng trên xóm dưới. Nhiều người chưa từng quen biết ông, cũng đến xin thắp nén nhang. Ai cũng thương cảm và chia sẻ với tấm lòng của một người cha như ông. Trong bước đường cùng, ông đã chọn cách hy sinh bản thân. Dù sự lựa chọn đó rất đau, rất đáng tiếc. Giờ chắc ông được yên nghỉ khi thấy thằng con ngỗ ngược đã chịu cải tà. Mọi người tha thứ cho thằng Út, nhưng liệu đứa con có tha thứ cho bản thân khi đã gây ra lỗi lầm không thể cứu vãn?

Thùy Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI