Không thể có chính phủ điện tử với kiểu dịch vụ công như hiện nay

15/02/2020 - 07:02

PNO - Việt Nam hiện đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6/11 quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Tại Việt Nam, sau một năm triển khai thực hiện, việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đã đạt nhiều thành tựu, rút ngắn được thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Nếu cứ làm dịch vụ công như bây giờ thì 10 năm nữa cũng không xong”. Đó là nhận định của ông Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng Chính phủ - tại hội nghị giao ban giữa Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương diễn ra sáng 12/2. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua thống kê, cả nước có trên 100.000 điểm cung cấp dịch vụ công nhưng thực tế, nếu gom lại, chỉ có vài ngàn dịch vụ. 

Nhấn mạnh thêm điều này, ông Nguyễn Trung Chính - thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử - khẳng định, hầu hết các cơ quan được khảo sát đều cho tỷ lệ cao về các thủ tục hành chính ở cấp độ 3 (hỗ trợ gửi biểu mẫu trực tuyến) và cấp độ 4 (hỗ trợ thanh toán điện tử). Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ sử dụng các hệ thống chính phủ điện tử chỉ đạt khoảng 10%.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trước khi đưa dịch vụ công ra áp dụng, mỗi đơn vị phải xử lý được lượng hồ sơ trong nội bộ. “Nói thì dễ nhưng đến nay, tôi trực tiếp đi hỏi các bộ thì không phải bộ nào cũng làm được điều này” - ông Đam nói. Dẫn chứng, vẫn còn tình trạng lãnh đạo ôm hồ sơ, sau đó ký chuyển nhiều cấp mới đến được chuyên viên xử lý. Việc này gây mất quá nhiều thời gian, trong khi chỉ cần một động tác là phân công trực tiếp cho người có trách nhiệm. 

Tương tự, ông Đam kể, trong một lần đích thân đi kiểm tra một bộ, ông được anh em trong bộ này thông tin, để làm được số dịch vụ công hiện nay, phải lên kế hoạch đến 5 năm mới xong: “Tôi hỏi trong 5 tháng có làm được không, họ báo không. Tôi thử gọi các nhà tin học thì được biết, lượng công việc trong 5 năm này có thể xử lý trong 6 tháng”. Theo ông Đam, lý do là, đội ngũ quản lý nhà nước không chịu lắng nghe “anh em công nghệ thông tin” nói về quy trình xử lý của họ, thay vào đó, lại bắt họ nghe theo quy trình xử lý hành chính của mình.

Thêm một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử “trăm hoa đua nở” nhưng không đạt hiệu quả là sự liên thông dữ liệu. Ông Đam nhận định, đây là tình trạng “nói mãi vẫn không làm được, chỉ lý thuyết”. Sự “liên mà không thông” này không chỉ diễn ra giữa bộ này với bộ kia, giữa các tỉnh với nhau mà ngay cả trong một tỉnh cũng không có sự liên thông trong các sở, ngành. Đơn cử, trong quản lý nhân sự, ngành giáo dục chỉ cần một cú nhấp chuột, đã có thể mở được thông tin từ kho dữ liệu “quản lý dân cư” của ngành công an, nhưng trong thực tế, nhiều nơi, ngành giáo dục buộc phải tìm hiểu, đề nghị khai báo và nhập liệu từ đầu… 

Trước khi ra mắt app Q.2 trực tuyến, UBND Q.2 đã sử dụng rất nhiều biện pháp tuyên truyền đến với người dân, có như thế, người dân mới bắt nhịp cải cách hành chính bằng ứng dụng công nghệ thông tin
Trước khi ra mắt app Q.2 trực tuyến, UBND Q.2 đã sử dụng rất nhiều biện pháp tuyên truyền đến với người dân, có như thế, người dân mới "bắt nhịp" cải cách hành chính bằng ứng dụng công nghệ thông tin

Tại TPHCM, việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) đã và đang phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành; đến nay, đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, đăng ký doanh nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục… Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề liên thông nội bộ giữa các sở, ngành, quận, huyện vẫn diễn ra chậm chạp; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, “ngâm” hồ sơ vẫn còn, buộc UBND TPHCM phải quy định trong 15 ngày, nếu các sở, ngành nào không trả lời thì coi như nhất trí quan điểm với cơ quan hỏi và phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra vấn đề gì. 

Bản chất của các khái niệm như chính phủ điện tử, chính phủ số, cải cách hành chính công đều chung ý nghĩa là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành của bộ máy hành chính sao cho minh bạch, hiệu quả, huy động được người dân tham gia công việc quản trị của Nhà nước. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu người dân không được phổ biến tri thức về công nghệ thông tin thì Chính phủ có làm gì cũng thất bại. Thực tế, vẫn còn tỷ lệ lớn người dân không mặn mà với các dịch vụ công trực tuyến. 

Riêng tại TPHCM, gần như các sở, ngành, quận, huyện đều ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, quản lý, nhưng không phải người dân nào cũng biết đến các ứng dụng này; không ít người biết nhưng vẫn không tham gia thực hiện. Tâm lý sợ sai sót khi điền thông tin qua mạng khiến người dân, doanh nghiệp ngần ngại. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, một cán bộ thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, ứng dụng trên điện thoại di động (app mobile) SXD247 được công bố có nhiều tiện ích, giúp người dân dễ dàng tra cứu hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính nhưng qua app, sở đã nhận được khá nhiều phản ánh, góp ý thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành khác. Điều này cho thấy, người dân không được hướng dẫn để tìm đúng nơi giải đáp câu hỏi của mình. 

Mới đây, do mở cửa hàng ăn uống, chị Nguyễn Thị Vân - ở H. Hóc Môn, TPHCM - đến UBND huyện đăng ký kinh doanh. Đến nơi, chị được một chuyên viên tận tình hướng dẫn cách đăng ký kinh doanh qua app Hóc Môn trực tuyến. “Tôi chỉ biết đến app này khi đến tận nơi và nghe hướng dẫn, trước đó chưa nghe gì về nó” - chị Vân khẳng định. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trong chính phủ điện tử, công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ, tự nó không tạo ra đổi mới cho khu vực công. Mấu chốt để xây dựng thành công chính phủ điện tử vẫn là con người. Nếu có một quy trình nghiệp vụ xuất sắc, chỉ cần một công nghệ rất đơn giản cũng mang lại giá trị lớn, nhưng một quy trình nghiệp vụ tồi thì công nghệ dù có hiện đại cũng không giúp tạo ra giá trị; giao diện màn hình đẹp hơn nhưng cách xử lý công việc vẫn như cũ thì chẳng ích lợi gì. 

Tuyết Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI