Bạn đọc viết:

Không thể chống dịch bằng… tuyên bố

15/09/2021 - 08:38

PNO - Trước một chủng virus độc lực mạnh, lây lan nhanh và không biết vâng lời như SARS-CoV-2, việc phòng chống không thể dựa trên những tuyên bố của một số lãnh đạo.

 

Với COVID-19, mọi kế hoạch đều cần hết sức thận trọng, linh hoạt và khoa học
Với COVID-19, mọi kế hoạch đều cần hết sức thận trọng, linh hoạt và khoa học

Ngày 13/9, trong cuộc làm việc, kiểm tra trực tuyến với tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang - những nơi diễn biến dịch đang phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê bình lãnh đạo các địa phương khi không nắm được tình hình dịch bệnh, không nắm được các chủ trương, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế cũng như công tác phòng, chống dịch còn chậm, chưa rõ ràng.

Ngay trong ngày 14/9, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang phát đi thông điệp của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó nêu rõ mục tiêu “phấn đấu đến ngày 20/9, sẽ cơ bản chuyển hóa vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng bình thường mới”.

Tất nhiên, ai cũng mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, đẩy lùi, không chỉ ở Kiên Giang hay Tiền Giang mà trên cả nước, khắp thế giới và nếu như đến 20/9, những vùng nguy cơ cao và rất cao ở Kiên Giang chuyển hóa được thành vùng bình thường mới là điều rất đáng mừng.

Tuy nhiên, không rõ với việc “nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế”, “trên cơ sở quán triệt vận dụng chỉ đạo của Thủ tướng”, với những sự “khẩn trương, thần tốc, quyết liệt triển khai các giải pháp đáp ứng với tình hình mới”, Kiên Giang sẽ làm gì cụ thể để kiểm soát dịch bệnh và “cơ sở khoa học và thực tiễn” nào đã dẫn lãnh đạo tỉnh đến thời hạn ngày 20/9?

Nhìn lại một chút, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang sáng 8/9, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đã ấn định thời gian cho các địa phương thuộc tỉnh phải khống chế dịch bệnh trước ngày 13/9. Kết quả? Nói như lời Thủ tướng Chính phủ thì Kiên Giang “từ chỗ xanh đã thành đỏ” trong khi Bí thư Tỉnh ủy không thể trả lời những câu hỏi cụ thể của Thủ tướng.

Dịch COVID-19 đã hoành hành khắp thế giới đến năm thứ hai với hơn 226 triệu người nhiễm và hơn 4,6 triệu người đã tử vong. Với tốc độ lây lan như hiện nay, cộng thêm các biến chủng, kể cả các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng chỉ dám đưa ra những dự báo hết sức chừng mực và không chắc chắn thì việc lãnh đạo địa phương ấn định một mốc thời gian mà không/chưa có kế hoạch cụ thể cả về nhân lực, vật lực sẽ rất khó thuyết phục.

Không nói đâu xa, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai vào sáng 30/8, với 6 giải pháp trọng tâm, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã hạ quyết tâm từ ngày 5 - 19/9 sẽ không để phát sinh F0 và phủ kín vùng xanh. Thực tế là từ ngày 5/9 đến nay, trung bình mỗi ngày Đồng Nai có thêm hơn 800 ca nhiễm mới.

Ý chí quyết tâm là điều tốt, nhưng để hiện thực hóa quyết tâm ấy cần phải dựa trên cơ sở khoa học cũng như tình hình thực tiễn tại địa phương. Tại TPHCM, dù đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách, dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cố gắng khống chế dịch bệnh thì đến hạn 15/9 theo Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo thành phố vẫn chưa thể mở cửa.

Khi đề xuất Trung ương được kéo dài thời gian giãn cách (dù biết sẽ rất khó khăn), TPHCM đã lên kế hoạch mở cửa dần từng khu vực theo lộ trình 3 giai đoạn (và có thể điều chỉnh tùy diễn biến dịch bệnh). Đó chính là sự thận trọng cần thiết trước một thứ khó lường như SARS-CoV-2, khi từ lãnh đạo đến nhân dân thành phố đều ý thức rõ mình đã phải hy sinh những gì trong cuộc chiến này. Và khi có kế hoạch cụ thể, từng bước mạch lạc, TPHCM có sự ủng hộ của người dân để cùng nhau vượt qua. Vượt qua dịch bệnh, đó là điều quan trọng nhất trong thực tiễn mà không cần mạnh miệng tuyên bố.

Hoàng Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI