Không thể cho phép ghi âm, ghi hình khi 1 bên đồng ý, 1 bên không

28/05/2024 - 11:40

PNO - Vấn đề ghi âm, ghi hình tại tòa án tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quan tâm trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu có nhiều ý kiến xung quanh quy định ghi âm, ghi hình tại tòa

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Liên quan tới quy định tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, theo bà Lê Thị Nga, có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc tòa án xét xử công khai.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác” - bà Lê Thị Nga nói.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án 1, đề nghị chỉnh lý theo hướng, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định về việc tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp.

Trong khi đó, một số ý kiến ủng hộ phương án 2, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành.

Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị quy định theo hướng, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Đồng thời, dự thảo luật nên bổ sung quy định tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc cấm ghi âm, ghi hình là
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc cấm ghi âm, ghi hình nhằm nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự tại tòa

Giải trình về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, quy định như trên, nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự và tôn trọng mọi người. Còn việc phỏng vấn, ghi hình bên ngoài hành lang là việc tòa án không quy định.

Một số ĐBQH cho rằng, trong phiên tòa, chỉ cần 1 bên đồng ý là có quyền ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm: "Bên này đồng ý, nhưng bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng. Ví dụ một đôi vợ chồng ly dị, vợ đồng ý nhưng chồng không. Không thể 1 bên đồng ý mà 1 bên không. Tương tự với 2 doanh nghiệp, bên này có thể lấy tư liệu gây bất lợi cho phía bên kia".

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI