Không thể chỉ trông chờ cứu trợ khi bão lũ triền miên

26/10/2020 - 06:43

PNO - Mỗi khi có vùng miền nào rơi vào cảnh khó khăn thì lòng tương thân tương ái - một loại vốn xã hội quý giá của người Việt Nam - lại lập tức phát huy hiệu quả của nó.

Có thể nói, đồng bào miền Trung nước ta là những cư dân phải đối mặt với thiên tai, bão lũ nhiều nhất và họ cũng là những người phải chịu đựng những thiệt hại to lớn nhất mỗi khi thiên nhiên “nổi giận”. Vì thế, cần phải suy nghĩ cách để giảm thiểu những thiệt hại mà đồng bào miền Trung phải gánh chịu và tìm những giải pháp căn cơ nhất cho việc khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra.

kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng tiền từ thiện, để ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ
Ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 150 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ

Để có thể giảm thiểu những tổn thất to lớn do thiên tai gây ra cả về nhân mạng lẫn vật chất, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là cần nhanh chóng thực hiện việc bảo hiểm cho người dân vùng thiên tai. Chúng ta đều thấy, sau những trận bão lũ hoành hành, người dân không còn gì trong tay cả khi tài sản, mùa màng, vật nuôi đều bị cuốn theo dòng lũ. Do đó, rất cần phải “đại chúng hóa” việc bảo hiểm mùa màng và vật nuôi cho người dân ở những vùng đối diện với những rủi ro về thiên tai. 

Hiện nay, Chính phủ đã có nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, nhưng hình như ít người dân được biết đến và số lượng tham gia cũng rất ít. Số tiền được đền bù cho vật nuôi, cây trồng nhờ bảo hiểm có lẽ sẽ là nền tảng quan trọng nhất giúp cho các cư dân ở những vùng thiên tai nhanh chóng hồi phục. Những sự trợ giúp tức thì mang tính từ thiện chỉ giúp được họ trong tức thì, ngắn hạn; về lâu dài, đây không phải là giải pháp căn bản cho sự hồi phục hậu thiên tai.

Trong nghiên cứu xã hội học, một trong những “nguồn vốn” quan trọng để giúp quốc gia phát triển cũng như vượt qua những thời đoạn khó khăn là “vốn xã hội” (social capital). Nói như vậy là bởi vốn kinh tế (economic capital) - tức tiền bạc - có thể vay mượn hoặc được tài trợ, còn vốn xã hội chính là vốn nội sinh của mỗi quốc gia. Việt Nam có nguồn vốn nội sinh lớn hay nhỏ? Câu trả lời của chúng tôi đó là lớn, rất lớn. 

Chúng ta có thể nhận thấy, mỗi khi có vùng miền nào rơi vào cảnh khó khăn thì lòng tương thân tương ái - một loại vốn xã hội quý giá của người Việt Nam - lại lập tức phát huy hiệu quả của nó. Từ trẻ nhỏ cho đến các cụ già đều sẵn sàng đóng góp phần nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ những đồng bào đang gặp hoạn nạn. Loại thứ hai cũng quan trọng của vốn xã hội, đó là lòng tin. Trong đợt bão lũ kinh hoàng này, cô ca sĩ Thủy Tiên đã nhận được sự đóng góp về tài chính đến hơn 100 tỷ đồng cho việc cứu trợ do cô ấy khởi xướng. Tại sao cô ấy lại nhận được số tiền quyên góp lớn đến như vậy? Câu trả lời thật dễ dàng: người ta tin cô ấy. 

Như vậy, lòng tin sẽ là một nguồn lực vô cùng quan trọng cho một quốc gia trong bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó, cái hết sức quan trọng là làm sao cho cái lòng tin ấy, lòng tin giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, giữa công dân với Nhà nước được bảo đảm, đất nước mới có khả năng phát triển và có thể tự mình vượt qua những thách thức, dù là thách thức nào.

Do đó, bảo hiểm vật chất cho người dân là quan trọng, nhưng bảo hiểm vốn xã hội, “bảo hiểm” lòng tương thân tương ái, bảo hiểm lòng tin còn cần thiết hơn nữa. 

Lê Minh Tiến

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • văn phú trí 26-10-2020 11:58:27

    Theo tôi báo Phụ Nữ nên góp ý với Thủ tướng kêu gọi các nhà tài trợ nên giữ tiền lại và lấy ý kiến nhân dân cả nước góp ý có nên làm cho mỗi nhà ở vùng lũ một căn gác 20m2 chống lũ lâu dài, phát tiền không có kết quả bền vững.

  • văn phú trí 26-10-2020 11:38:45

    Theo tôi nghĩ hiện thời bà con vùng lũ chỉ cần tiếp tế nước uống đồ ăn thôi và y tế là cần thiết, còn tiền thì không cần lắm đâu. Tôi chỉ xin góp ý một chút với những tổ chức cứu trợ, tiền mặt nên giữ lại và các tổ chức gom lại cho một người uy tín giữ. Sau khi nước rút ta dùng tiền đó làm cho họ ở vùng mỗi căn gác 20m vuông khi có lũ họ lên đó ở chứ phát tiền họ sẽ xài hết còn vật dụng họ làm sắm sao cũng được cái nầy là tính lâu dài, sau nầy nếu có lụt mình chỉ lo lương thực thôi. Nhà nước nên bàn bạc với các tổ chức từ thiên là thượng sách chứ phát tiền cho họ họ cũng xài hết rồi sau này lũ lụt lại khổ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI