Không thể cấp dưỡng có mất quyền thăm nom con?

29/06/2019 - 05:30

PNO - Do hoàn cảnh khó khăn tôi không cấp dưỡng được. Từ đó, chồng cũ không cho tôi gặp con trai. Anh ấy còn dọa kiện tôi ra tòa. Cho hỏi, nếu không thể cấp dưỡng cho con hằng tháng thì tôi có bị xử phạt không?

Hỏi: Tôi và chồng cũ đã ly hôn được 2 năm. Anh là người nhận nuôi con. Anh có yêu cầu tôi mỗi tháng phải cấp dưỡng cho con 5 triệu, nhưng hiện giờ tôi đang mang thai con với chồng mới đồng thời không đi làm nên không có đủ điều kiện cấp dưỡng cho con. Hơn nữa, vì tôi không gửi tiền cho anh nên anh không cho tôi gặp con trai. Bây giờ anh còn dọa kiện tôi ra tòa. Luật sư cho tôi hỏi, nếu tôi không thể cấp dưỡng cho con hằng tháng thì tôi có bị xử phạt không?

Đỗ Thị Tú Anh (Thủ Đức, TP.HCM)

Khong the cap duong co mat quyen tham nom con?
Ảnh minh họa

Chào bạn. Trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn cho vấn đề của bạn như sau:

Điều 82 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”

Đồng thời về mức cấp dưỡng, Điều 116 luật Hôn nhân gia đình quy định: “1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”.

Hơn nữa, Điều 83 luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Khong the cap duong co mat quyen tham nom con?
Chồng cũ không cho tôi thăm con. Hình minh họa

 Đối với trường hợp của bạn, sau khi ly hôn bạn là người không trực tiếp nuôi con.  Nếu con bạn chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì bạn là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Mức cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi con phải căn cứ vào khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Hiện tại bạn đang mang thai đồng thời không có việc làm nên bạn không có đủ điều kiện thực tế để đáp ứng mức cấp dưỡng mà chồng cũ và bạn đã thỏa thuận. Do đó, bạn và chồng cũ của bạn có thể thỏa thuận thay đổi mức cấp dưỡng, nếu như không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết.

Người trực tiếp nuôi con là chồng cũ của bạn không được quyền cản trở bạn trong việc thăm nom, nuôi dưỡng và giáo dục con. Bạn có thể thỏa thuận lại với anh về vấn đề này. Nếu hai bên không thỏa thuận được bạn có thể khởi kiện ra tòa án giải quyết, yêu cầu anh không được cản trở bạn trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con.

Luật sư Trần Đăng Sĩ

Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI