Không thể biện minh để kéo dài quy hoạch “treo”

10/07/2023 - 06:59

PNO - Dự án bị “treo”, người dân bị rơi vào tình thế nan giải. Nhà, đất hoàn toàn bị “đóng băng”, không được mua bán, sang nhượng, cầm cố, vay ngân hàng, không được sửa chữa, xây mới kể cả khi bị xuống cấp.

Quy hoạch “treo” được hiểu là các dự án xây dựng không hiện thực hóa được trong nhiều năm mà không biết bao giờ kết thúc. 

Quy hoạch “treo” thường là đề án (hay dự án) quy hoạch không gian 1/500 về một khu dân cư, khu công nghiệp, công viên, hay công trình hạ tầng kỹ thuật (đường, cầu, cảng), công sở, chung cư, trung tâm thương mại. Các dự án này có cái chỉ mới là chủ trương, có cái đã được phê duyệt, có giấy phép nhưng bị ách tắc vì những lý do khác nhau.

TPHCM có nhiều dự án treo đến 20, 30 n8M
TPHCM có nhiều dự án treo đến 20, 30 năm khiến đời sống người dân cơ cực

Thường có 5 lý do sau đây dẫn đến “treo” dự án: có chủ trương đất đó sẽ làm gì, chẳng hạn như sẽ là đất y tế, nhưng mãi không có chủ đầu tư nào hỏi thăm; vướng các quy định về pháp lý, chẳng hạn đến ngày khởi công thì phát hiện ra đất chưa qua đấu giá, phải ngưng lại; chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính và chuyên môn, thiết bị kỹ thuật; dự án bị “đóng băng” do không nhất trí được phương án đền bù, giải tỏa toàn bộ hay một phần; nhiều nhà đầu tư xí chỗ để đầu cơ mà không có ý định đầu tư. Ngoài 5 lý do thường thấy trên, có thể còn một vài lý do cụ thể khác nữa.

Dự án bị “treo” đồng nghĩa với việc người dân bị rơi vào tình thế nan giải. Nhà, đất hoàn toàn bị “đóng băng”, không được mua bán, sang nhượng, cầm cố, vay ngân hàng, không được sửa chữa, xây mới kể cả khi bị xuống cấp. Ở Việt Nam, có hàng ngàn dự án “treo”. Trong số đó, có dự án “treo” đến 30 năm.

Còn nhớ 20 năm trước, khi làm thành viên của hội đồng xét duyệt dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng) rộng 6,8ha do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư (trước đó là Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn), tác giả bài viết này đã chứng kiến sự phấn khởi của bà con dân cư sắp được đổi đời, còn lãnh đạo thành phố có quyết tâm chính trị rất cao. Bởi vì, giữa khu vực hạt nhân 930ha ở quận 1 mà tồn tại một khu dân cư nghèo nàn, lụp xụp, nhiều tệ nạn xã hội là không chấp nhận được, phải bằng mọi giá thay đổi. Nhưng rốt cuộc, dự án vẫn nằm trên giấy, chỉ đời sống cơ cực của người dân là có thật.

20 năm là một quá trình dài đằng đẵng, người dân chờ đợi mòn mỏi, đời sống xáo trộn, xảy ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Những đứa trẻ con ngày ấy nay đã có vợ, chồng và con cái nhưng cả nhà 3-4 thế hệ vẫn phải xếp cá mòi trong những căn nhà 10m2 như cái hộp diêm. Mãi đến tháng 3/2023, UBND TPHCM mới công bố chấm dứt chủ trương đầu tư dự án, để tìm phương án khác và cho người dân được thực thi quyền sử dụng tài sản của mình theo định hướng.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội và TPHCM đang tích cực rà soát lại những dự án “treo” kéo dài trong nhiều năm, dự án nào có thể gỡ được thì đẩy nhanh tiến độ triển khai, dự án nào không thể triển khai được thì hủy bỏ, thu hồi chủ trương và giấy phép.

Đó là một công việc cần thiết và hợp lòng dân cho dù rất muộn màng. Bởi, dù dưới bất cứ lý do nào, sự biện minh nào để kéo dài thêm những dự án như thế nữa là làm tổn hại đến quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của người dân.

Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Hy vọng rằng, luật mới sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng quy hoạch “treo” và tình trạng quy hoạch duy ý chí, cũng như loại bỏ sự thao túng từ các chủ đầu tư thiếu năng lực cả về tài chính lẫn đạo đức. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa 

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI