Không thể bảo vệ môi trường bằng sự quá khích

25/10/2022 - 05:57

PNO - Mới đây, bức tranh "Hoa Hướng Dương" của danh họa Van Gogh trị giá 84 triệu USD đã bị hai nhà hoạt động xã hội thuộc nhóm Just Stop Oil (phản đối khai thác và sử dụng dầu mỏ) ở Anh quốc ném chất bẩn.

Kiệt tác hội họa liên tiếp bị phá hoại

Hai nhà hoạt động, một 20 và một 21 tuổi sau đó đã bị cảnh sát bắt. May mắn bức tranh không bị hỏng nhờ có lớp kính bảo vệ nên họ không phải bồi thường. Bức Peach Tree in Blossom của Van Gogh cũng từng chịu chung số phận. Trước đó, vào tháng Bảy, một thành viên của nhóm đã dán tay lên khung tranh The Hay Wain của John Constable - kiệt tác hơn 200 năm tuổi đặt tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (London, Anh). Bức Bữa tối cuối cùng của Leonardo da Vinci tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London cũng gặp tình trạng tương tự, bên dưới bức tranh họ còn đính kèm dòng chữ “No new oil”.

Hai thành viên của Just Stop Oil thực hiện hành vi phá hoại bức tranh trị giá 84 triệu USD (ảnh: Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia London, Anh)
Hai thành viên của Just Stop Oil thực hiện hành vi phá hoại bức tranh trị giá 84 triệu USD (ảnh: Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia London, Anh)

Trên các phương tiện truyền thông, phát ngôn viên của Just Stop Oil lý giải các hành vi của họ không nhằm phá hoại. Họ đã kiểm tra mức độ an toàn của các tác phẩm trước khi thực hiện. Mục đích chính của họ là đưa ra lời cảnh báo trước sự nóng lên toàn cầu do việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch quá mức, và kêu gọi chính phủ các nước có những hoạt động thiết thực để ngăn chặn. Và không gì thu hút sự chú ý của dư luận bằng việc tác động đến các kiệt tác hội họa.
Tuy nhiên, những lập luận này đã vấp phải những phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, cũng như sự phản đối từ chính các nhà hoạt động môi trường khác. 

Ở Ý, một nhóm bảo vệ môi trường có tên Ultimate Generazione cũng có cách thức hoạt động tương tự. Hồi tháng Bảy, nhóm đã tạt chất bẩn vào tác phẩm Primavera của Botticelli tại Phòng trưng bày Uffizi, Florence. Đến tháng Tám, họ dán tay mình vào chân một bức tượng cổ ở Vatican.

Các nhà bảo tồn nghệ thuật và làm công tác bảo tàng rất đau đầu trước thực trạng phá hoại có chủ đích, biến tác phẩm nghệ thuật thành sân khấu của các nhà hoạt động nhân danh môi trường. Đáng lo ngại là số lượng thành viên của hai nhóm này không ngừng tăng cao, kéo theo nhiều cá nhân đơn lẻ hưởng ứng.

Just Stop Oil hiện có gần 30.000 lượt theo dõi trên Instagram, hơn 3.600 lượt follow trên Twitter, Ultimate Generazione có gần 1.700 lượt follow trên Twitter. Tháng 5/2022 ở Bảo tàng Louvre, một người đàn ông đã bất ngờ tạt kem sữa vào tác phẩm Mona Lisa cũng với lý do “nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu”.

Bức Hoa hướng dương
bức tranh "Hoa Hướng Dương" của danh họa Van Gogh trị giá 84 triệu bị tạt sốt cà chua

Đừng quá khích

Mục tiêu của Just Stop Oil hay Ultimate Generazione không sai, nhưng việc họ làm rõ ràng chỉ khiến truyền thông và dư luận tập trung vào hậu quả mà họ gây ra thay vì vấn đề môi trường. Đặc biệt, nguồn tài trợ cho Just Stop Oil đến từ quỹ Climate Emergency Fund (CEF) do Aileen Getty, cháu của ông vua dầu mỏ Jean Paul Getty gầy dựng. Sinh thời, ông Paul Getty có niềm đam mê mãnh liệt với các tác phẩm hội họa. Gia tộc Getty thậm chí sở hữu cả một bảo tàng trưng bày những bức tranh gia đình sưu tập trong nhiều năm. 

Trên tờ The Guardian, nhà sử học nghệ thuật Noah Charney kêu gọi sự đồng hành của truyền thông nhằm bảo vệ các kiệt tác nghệ thuật khỏi những kẻ mượn danh. Ông cho rằng, bằng cách từ chối công bố tên tuổi, hình ảnh của những kẻ phá hoại, hoặc tuyên bố chịu trách nhiệm của những tổ chức sau khi vụ việc diễn ra, thì những sự việc tương tự có thể sẽ không còn tiếp diễn. 

Nhã Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI