Không thể bán nông sản qua mạng khi giao thông vẫn ách tắc

24/08/2021 - 11:29

PNO - Nông dân được khuyến khích bán nông sản online trong thời gian nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Thế nhưng, nghịch lý là khi chốt được đơn hàng, họ lại không thể giao hàng.

Nhận đơn nhưng không thể giao hàng 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã lập riêng một website (https://htx.cooplink.com.vn) kết nối cung - cầu để giúp tiêu thụ nông sản ở các tỉnh phía Nam. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), việc đăng ký sản phẩm lên trang web này khá đơn giản, nhanh gọn, nhưng số người mua biết đến trang web vẫn còn ít. Đã vậy, khi có khách đặt mua hàng, bên bán cũng không biết làm cách nào để giao được hàng.

Ông Võ Văn Khanh - Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Global Tuấn Khanh (tỉnh Long An) - cho biết, trái thanh long của công ty đạt chứng nhận GlobalGAP. Công ty đã đăng thông tin cần bán sản phẩm lên trang web của Bộ NN-PTNT hai tuần mà chưa nhận được đơn hàng nào. Ông Võ Văn Khanh cũng hiểu, muốn mua sản phẩm để xuất khẩu, các đầu mối phải đến tận vườn để xem sản phẩm, quy trình trồng, nhưng việc này không thể thực hiện được trong thời gian mọi nơi đều dựng chốt. “Những đối tác cũ thì thương lượng qua điện thoại dễ hơn, khách hàng mới thì rất khó. Kết nối cung cầu nhưng không cho di chuyển thì cũng như không” - ông Võ Văn Khanh nói. 

Đại diện nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp phản ánh đang có quá nhiều ách tắc trong khâu vận chuyển nông sản hiện nay (ảnh kiểm tra y tế đối với tài xế vận chuyển nông sản từ Cần Thơ đến TP.HCM) - Ảnh: Từ Nhân
Đại diện nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp phản ánh đang có quá nhiều ách tắc trong khâu vận chuyển nông sản hiện nay (ảnh kiểm tra y tế đối với tài xế vận chuyển nông sản từ Cần Thơ đến TPHCM) - Ảnh: Từ Nhân

Trên trang web kết nối này, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cũng liên tục rao bán các loại nông sản như lúa, tôm càng xanh, cua biển… với số lượng lớn: 70 tấn tôm/ngày, 1.500 tấn lúa/ngày, 3 tấn cua biển/ngày. Một cán bộ phụ trách việc đăng thông tin rao bán cho biết, số nông sản trên được sở tổng hợp từ nông dân trong tỉnh. Sau thời gian dài rao bán, đến nay, sở vẫn chưa nhận được đơn hàng nào. “Một phần do trang web còn mới, chưa được thông tin rộng rãi nên ít người biết, nhưng nguyên nhân không bán được hàng chủ yếu là do lưu thông từ tỉnh này sang tỉnh khác còn khó khăn” - vị cán bộ này nói. 

Ông Võ Văn Hảo - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao DH (tỉnh An Giang) - cho biết, trước đây, mỗi tuần, HTX bán ra khoảng 5-10 tấn dưa lưới, 3-5 tấn xoài, nhưng hiện nay, chỉ bán được 3 tấn gồm cả dưa lưới lẫn xoài. Gần đây, một số khách hàng mới đã liên hệ với HTX thông qua sự kết nối từ trang web của Bộ NN-PTNT nhưng phương tiện vận chuyển của HTX chưa được cấp chứng nhận “luồng xanh”. Số lượng trái cây của HTX không nhiều, nếu bỏ chi phí để thuê xe vận chuyển thì nông dân không thể gánh nổi vì giá thuê xe cao gấp 3-4 lần so với trước dịch. Cách duy nhất hiện nay để chuyển trái cây từ An Giang đến TP.HCM là ghép xe với các HTX hoặc doanh nghiệp khác. Ngày nào ghép được thì giao hàng được, ngược lại thì đành chịu. Có những đơn hàng từ TP.Hà Nội nhưng HTX đành hủy do không vận chuyển được.

“Theo các tài xế, thời gian để qua được một chốt kiểm soát liên tỉnh là hai giờ. Từ An Giang ra Hà Nội phải qua hàng chục chốt kiểm soát. Việc kiểm soát quá gắt gao dù tài xế chỉ ngồi trên xe và không giao tiếp với ai trong suốt quá trình di chuyển” - ông Võ Văn Hảo nhận định. 

May mắn hơn, HTX Rau an toàn Mười Hai (tỉnh Long An) tăng được sản lượng bán lên 20-30% so với trước kia; việc vận chuyển cũng thuận lợi do xe của HTX đăng ký được “luồng xanh”. Nhưng HTX không có công nhân làm, việc thu mua rau khó khăn do bị cấm di chuyển từ xã này sang xã khác. “Tỉnh Long An đang áp dụng biện pháp “xã cách xã, ấp cách ấp” nên không thể thu mua rau ở các xã lân cận được. Nếu thu mua được thì khi đến chốt kiểm soát liên xã, phải thuê một xe khác vận chuyển tiếp khiến chi phí đội lên rất nhiều. Công nhân cũng không được di chuyển từ xã này sang xã khác nên HTX đang thiếu người sơ chế, đóng gói, rau chỉ bán dạng “hàng xá”, không đáp ứng được yêu cầu”. 

Ông Lê Văn Giấy - Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - lắc đầu: “Quy định test nhanh cũng đang gây khó khăn cho các HTX và doanh nghiệp. Nếu test ở cơ sở y tế công thì hai ngày mới có kết quả, tài xế chỉ còn một ngày để vận chuyển; còn test ở cơ sở tư nhân thì có kết quả sau một ngày nhưng chi phí rất cao, trong khi buôn bán rau không lời được bao nhiêu”. 

Nông dân, nông sản bị “cùm chân” 

Theo ông Võ Văn Hảo, trang web kết nối cung cầu mở ra để giúp người mua và người bán biết được nhu cầu của nhau nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp, HTX hoạt động rời rạc nên nhu cầu bên bán và bên mua khó gặp nhau. Ông nêu ví dụ, có đối tác cần mua lượng lớn dưa lưới, chỉ riêng HTX của ông thì không đáp ứng đủ số lượng. Do đó, nếu mỗi tỉnh kết nối được nhiều HTX cùng lĩnh vực, ngành nghề, tổng hợp số lượng rồi đăng bán, sẽ hiệu quả hơn là để mỗi cá nhân tự đăng bán. 

Ông Võ Văn Khanh cho biết thêm, hiện trang web nói trên đang thiếu công cụ chỉnh sửa để cập nhật thông tin, khối lượng, giá cả hằng ngày. Do không được cập nhật nên thông tin sẽ trôi mất và buộc người mua hoặc bán phải đăng mới liên tục, dẫn đến các thông tin cứ chồng lên nhau, tạo ra số lượng “ảo” về lượt người mua/bán và rất khó đánh giá được cung, cầu thật sự. 

Ông Ưng Thế Lãm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Làm Nông Minh Bạch, một trong những thành viên hỗ trợ công cụ quản lý dữ liệu trang web trên - cho biết, để biết rõ mỗi ấp, xã ở từng tỉnh có nông sản gì, loại nào đang dư, loại nào thị trường đang cần, vận chuyển đi đâu thì cần Sở NN-PTNT, Sở Công thương và Sở Giao thông Vận tải ở mỗi tỉnh phối hợp với nhau thực hiện. Trong khi đó, trang này chỉ có Sở NN-PTNT các tỉnh vào cuộc nên khi ách tắc trong khâu di chuyển, không ai giải quyết giúp. Do đó, cần có sự vào cuộc của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, cấp mã nhận diện (QR code) cho người bán và người mua để dễ dàng qua các chốt kiểm soát, từ đó mua hàng hoặc giao hàng. 

“Hiện mỗi lĩnh vực có hệ thống quản lý riêng, phần mềm riêng, gây cản trở cho hệ thống phân phối tiêu dùng. Nhìn sơ đã thấy nông dân, HTX, doanh nghiệp nói chung đang bị “cùm chân” bởi rất nhiều “ổ khóa” của nhiều hệ thống. Đầu tiên là giấy xét nghiệm của Bộ Y tế, “luồng xanh” của Bộ Giao thông Vận tải, khái niệm hàng hóa thiết yếu của Bộ Công thương và các chốt phòng, chống dịch của các địa phương. Phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành mới giải quyết được” - ông Ưng Thế Lãm nói. 

Ngoài trang web kết nối cung cầu, nông dân còn được khuyến khích bán hàng qua mạng xã hội (Facebook, Zalo), các sàn thương mại điện tử. Theo anh Ngọc Khoa - chủ trang trại gà Ngọc Khoa (tỉnh Đồng Nai) - qua mạng xã hội, nông dân chỉ bán được cho người quen. Muốn gian hàng không bị “chìm”, phải bỏ tiền làm quảng cáo, mất tiền nhưng chưa chắc hiệu quả nếu không biết cách. Tổng chi phí một gói quảng cáo trên sàn thương mại điện tử theo ba mức giá là 25,85 triệu, 119,35 triệu và 166,65 triệu đồng gồm livestream (phát trực tiếp) bán hàng, chạy chương trình giảm giá, tương tác trực tiếp với khách, quản lý khách hàng, quảng cáo lên mạng xã hội; giá càng cao thì hiệu quả bán hàng càng cao. 

Được biết, nông dân chỉ bán được sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử mà không phải chạy quảng cáo là nhờ Sở Công Thương các tỉnh phối hợp với các sàn và việc này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó thì nông dân, HTX nhỏ lẻ phải “tự bơi”. Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Hoa Xô - nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM - cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cơ quan, ban, ngành ở mỗi tỉnh, thành đứng ra phối hợp với các sàn để hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, đồng hành cùng nông dân để việc đăng bán sản phẩm nông nghiệp trên các sàn hiệu quả, ít tốn kém chi phí quảng cáo. 

Ông Ưng Thế Lãm đề xuất thêm, ở trang web kết nối cung cầu, cần có thêm các công cụ để mỗi nông dân tham gia bán hàng được hỗ trợ thêm một website riêng. Lúc này, mỗi nông dân có thể tự cập nhật quy trình trồng, thu hoạch, bán ra thị trường lên website hằng ngày, từ đó, địa phương dễ quản lý số lượng, đối tác cũng có thêm kênh tin cậy để tham khảo sản phẩm nếu muốn mua hàng. Cách làm này cũng có thể áp dụng cho các tiểu thương các chợ truyền thống để tăng lượng bán hàng online trong bối cảnh hàng loạt chợ đang đóng cửa. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI