Không thay thế phim y tế bằng in sao: nghèo mà chơi sang

14/04/2015 - 07:43

PNO - PN - Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc thay thế chẩn đoán hình ảnh trên phim y tế bằng cách để bác sĩ “đọc” kết quả hình ảnh trên máy tính, trên CD và giấy… sẽ góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh cho người...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vừa gọn vừa tiết kiệm

Thấy trong người không khỏe, chị Phạm Ngọc N. đã tới bệnh viện (BV) An Bình (tỉnh Kiên Giang) khám bệnh. Qua thông tin mô tả và các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ (BS) nghi chị N. bị ung thư. Để chắc chắn, chị N. được cho đi chụp CT.

Tuy nhiên, thay vì cử BS chẩn đoán hình ảnh vượt hàng trăm cây số từ TP.HCM về Kiên Giang hoặc ngược lại bệnh nhân (BN) phải đem kết quả chụp CT về TP.HCM để BS đọc kết quả thì BS Trung tâm Medic Hòa hảo chỉ việc đăng nhập vào hệ thống PACS (viết tắt của bốn chữ cái đầu trong tiếng Anh gồm kỹ thuật số, xử lý, lưu trữ, truyền tải) theo mã số người bệnh rồi chuyển kết quả cho BV An Bình. Từ đó, BS ở An Bình ra chỉ định điều trị phù hợp cho chị N.

Theo BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic Hòa Hảo, mỗi ngày có khoảng 20 BN từ BV An Bình chuyển kết quả về Trung tâm Medic Hòa Hảo tại TP.HCM để nhờ chẩn đoán. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, công sức, giảm tốn kém cho người bệnh vừa giảm tải cho các BV tại TP.HCM khi BN ở tỉnh không phải đổ dồn về. Đồng thời nó giảm thiểu tác hại đến môi trường do phim nhựa gây ra.

Không chỉ vậy, khi nhận in trả kết quả, thay vì nhận được phim chụp CT như cách làm thường gặp thì chị N. được nhận một chiếc CD. Thay vì phải đóng tiền mua bốn tấm phim y tế hết 200.000đ, chị N. chỉ phải chi trả số tiền bằng 1/4 chi phí mua phim. Cũng nhờ có chiếc CD này mà khi sang Singapore để chữa bệnh, chị N. đã không cần phải tốn cả ngàn USD để chụp lại CT.

Trong khi đó, qua khảo sát (ngẫu nhiên) hai BV ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận, tại một BV tuyến quận huyện, chỉ trong năm 2014 đã sử dụng hơn 55.500 lượt phim kỹ thuật số và hơn 56.000 phim X-quang thường. Tại một BV chuyên khoa là hơn 300.000 lượt phim các loại/năm (năm 2010, 2011, 2012).

Như vậy, chi phí dành cho việc mua sắm phim y tế để phục vụ công tác chẩn đoán tại các BV lên tới hàng tỷ đồng/năm. Nếu với lượng phim kỹ thuật số được thay thế bằng in trên giấy thì rõ ràng số tiền tiết kiệm không nhỏ. Việc thay đổi cách thức trên còn góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và cả sức khỏe cho người bệnh. Vậy tại sao đến nay, TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước nói chung, các cơ sở y tế vẫn còn “chưa mặn mà”?

Khong thay the phim y te bang in sao: ngheo ma choi sang

Chờ Bộ và Bảo hiểm y tế “gật đầu”

Trao đổi về vấn đề trên, BS Võ Tấn Đức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, một số lý do của việc triển khai phương án thay thế phim là đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, đồng bộ, đường truyền tốt, các y, BS phải thành thạo máy tính.

Đặc biệt, hiện nay BHYT vẫn chỉ đồng ý quyết toán cho BN trên phim chứ chưa quyết toán khi in kết quả trên giấy hay CD…. là những rào cản khiến thời gian qua, chỉ có một số BN tới khám bệnh tại BV Đại học Y Dược TP.HCM theo diện dịch vụ mới được tư vấn thực hiện việc in kết quả chụp CT, MRI trên giấy, thay vì in trả kết quả trên phim.

Trả lời câu hỏi, liệu khi sử dụng kết quả trên giấy, trên CD hoặc trên máy tính có đảm bảo chính xác không, nhiều BS đều khẳng định, việc thực hiện kết quả trên máy tính, CD là theo chuẩn quốc tế, có nhiều ưu thế, vì hình ảnh trên phim là hình tĩnh và trên máy tính mới xem được đầy đủ các thông số, hình ảnh, kích thước cũng như vị trí, tình trạng bệnh lý của người bệnh.

BS Võ Tấn Đức cho rằng, việc in phim trước đây chủ yếu nhằm hai mục đích để BS lâm sàng đối chiếu kết quả cận lâm sàng với lâm sàng và để làm bằng cớ cho BHYT thanh toán cho người bệnh, vì vậy không nhất thiết phải sử dụng phim y tế. BS Đức nói: Việc chẩn đoán cho người bệnh trên máy tính từ CD hoặc từ hệ thống PACS sẽ đầy đủ và đa dạng hơn khi nhìn trên tấm phim. Ví dụ một trường hợp bị ung thư vú, nếu chụp CT sẽ cho ra khoảng 300 đến 600 tấm hình ở mọi góc độ. Nếu in ra phim thì... tiền đâu cho đủ?

Vì thế, người ta chỉ in ra chừng bốn tấm phim chụp vị trí cho rằng có dấu hiệu… BS lâm sàng nếu nhìn trên phim cũng chỉ xem được phần nào đó hình ảnh, và thường khi phẫu thuật thì BS vẫn phải xem lại trên máy. Còn việc làm bằng chứng thanh toán BHYT thì in kết quả ra giấy chi phí rất rẻ. Làm như vậy vừa tiết kiệm, vừa giảm độc hại cho người bệnh vì phải chụp CT nhiều lần.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Trung tâm Medic Hòa Hảo, một trong những đơn vị đi đầu thực hiện việc chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới, mỗi ngày có khoảng 200-300 BN đồng ý thực hiện việc trả kết quả trên giấy, CD thay vì in phim, vì vậy số tiền tiết kiệm thay cho việc sử dụng phim y tế đã giảm được từ 50 đến 60 triệu đồng (bình quân khoảng 200.000 đồng/BN), vị chi con số này mỗi năm là không nhỏ.

Tại một số cơ sở y tế tư nhân như BV FV, Trung tâm Medic Hòa Hảo đã thực hiện cách làm này từ lâu (sắp tới có thêm BV Đại học Y Dược TP.HCM), đem lại nhiều cái lợi cho người bệnh. Riêng Trung tâm Medic Hòa Hảo đã triển khai hệ thống PACS kết nối với 10 BV, người bệnh tới Hòa Hảo chụp chiếu xong khi đi tới BV khác chỉ cần đưa “cốt” (code), các BS BV khác có thể lấy dữ liệu mà không cần CD, phim ảnh…

Để thực hiện điều này, theo BS Phan Thanh Hải, là không quá khó, nếu Bộ Y tế và BHYT đồng thuận, các BV, BS cũng đồng lòng. BN thấy có lợi thì họ sẽ ủng hộ. Hiện các BV đều có máy tính, chỉ cần xây dựng hệ thống mạng, nâng cao đường truyền và đào tạo, tập huấn cho các y BS.

BS Hải khẳng định: “Phim y tế thường được sử dụng trong việc in kết quả chụp X-quang, CT, MRI là một cách làm truyền thống lâu nay mà lịch sử để lại. Việc phát triển của khoa học kỹ thuật mở ra những hướng đi mới. Tôi nghĩ đây là xu thế, chúng ta đang hội nhập thì sớm muộn gì cũng sẽ phải thay đổi thôi”.

Đồng ý với quan điểm này, BS Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cũng cho rằng, những chẩn đoán cận lâm sàng nhằm mục đích chẩn đoán bệnh bằng hình thức nào đó phải đảm bảo yếu tố chính xác và tiết kiệm. Cái gì đem lại lợi ích cho người dân hay cho ngân sách thì nên thực hiện càng sớm càng tốt.

TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI