Không thả nổi, nhưng cũng chưa quản được thực phẩm

29/01/2018 - 13:00

PNO - Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, hầu hết các nguồn nông sản, thực phẩm từ các địa phương về ba chợ đầu mối lớn (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) của TP.HCM gần như không được kiểm soát về chất lượng.

Trước phản ánh này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng, luôn có cơ chế giám sát chất lượng sản phẩm vào chợ và không có chuyện “thả nổi”. Ban cũng thường xuyên kết hợp với các đơn vị đi kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm tại những chợ này. 

Khong tha noi, nhung cung chua quan duoc thuc pham
Hàng tốt xấu, có nguồn gốc hay không cũng đều có thể đưa vào chợ bán. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chưa thực sự chặt chẽ; vẫn có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc tiểu thương không đăng ký kinh doanh buôn bán tại các chợ đầu mối. Đáng lo ngại hơn, ngay cả nhiều khách sạn, nhà hàng lớn trong nội thành TP.HCM cũng lấy nguồn thực phẩm ở những chủ hàng như vậy. 

Tại TP.HCM, lượng nông sản, thực phẩm tươi sống đến từ các địa phương khác chiếm tới 70%. Vì vậy, mỗi biện pháp siết chặt quản lý hoạt động tại các chợ đều không thể thực hiện “tốc hành”, do có thể ảnh hưởng tức thì đến nguồn hàng cung cấp cho thị trường và hoạt động kinh doanh của tiểu thương. 

“Song, về lâu dài, ban sẽ dần hoàn thiện các bước để việc kinh doanh thực phẩm tại các chợ đi vào khuôn khổ” - bà Lan khẳng định.

Bà Lan cũng cho biết, tại TP.HCM, hiện có nhiều doanh nghiệp, cửa hàng giới thiệu và bán thực phẩm hữu cơ (organic) chưa được chứng nhận. Thực tế, tại Việt Nam, chỉ có những đơn vị nước ngoài có đủ chức năng để cấp chứng nhận hữu cơ.

Ngoài ra, các cơ chế quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm hữu cơ còn chưa đầy đủ. Đa số người tiêu dùng chưa có kinh nghiệm để nhận biết về dòng thực phẩm có tiêu chuẩn chất lượng an toàn cao nhất này.

Giữa cảnh “tranh tối tranh sáng” đó, nhiều đơn vị kinh doanh đã tranh thủ tự phong “sản phẩm hữu cơ” hoặc đặt tên nhái theo cách gọi tương tự để đẩy giá cao, đánh lừa người tiêu dùng. 

Sắp tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ sàng lọc các hình thức kinh doanh gian dối trên; cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm hữu cơ xuất trình chứng nhận từ các tổ chức quốc tế và nguồn gốc, chất lượng sản phẩm...

Đồng thời, người tiêu dùng có thể vào website http://bqlattp.hochiminhcity.gov.vn/ để tìm danh sách những doanh nghiệp, cửa hàng có đủ điều kiện, có sản phẩm đúng tiêu chuẩn và đọc “danh sách đen” những đơn vị kinh doanh bị cảnh báo. 

Muốn hạn chế thực phẩm kém chất lượng tung hoành, ngoài việc kiểm soát thị trường, cần phải gia tăng sản phẩm an toàn. Được triển khai từ năm 2013, đề án Chuỗi thực phẩm an toàn, sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn là một chương trình dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu có sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, đến nay, đề án đã cấp 168 giấy chứng nhận cho 73 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng… vào chuỗi, với tổng sản lượng trên 91.000 tấn/năm.

Trong đó, ở chuỗi sản phẩm thực vật, có 20 cơ sở được cấp giấy chứng nhận vào chuỗi, với tổng lượng sản phẩm tham gia chuỗi là hơn 18.287 tấn/năm. Ban cũng thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt chuỗi thực phẩm an toàn cho 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh động vật và các sản phẩm động vật cho 19 cơ sở.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI