Một phụ nữ luống tuổi, tìm gặp bà Dadi Janki - Hiệu trưởng Học viện Phát triển sức mạnh nội tâm Ấn Độ. Chị buồn rầu kể cho bà Dadi những gì chị đang gặp phải. Có ba người đã làm khổ chị và chị không thể tha thứ cho họ.
Bà Dadi rót cho chị ly nước đầy. Sau khi chị uống một hơi, bà hỏi chị: “Giả sử trong ly nước mát này có ba giọt chất độc, chị có uống không?”. Chị lắc đầu.
Theo Dadi Janki, chất độc đó là suy nghĩ tiêu cực do chính mình tạo ra. Người khác có thể làm những điều không tốt với bạn, nhưng không ai có thể gây tổn thương bạn, bỏ chất độc vào ly nước của bạn và bắt bạn uống, trừ khi bạn muốn.
Theo học chương trình thiết kế không gian nội tâm tại Trung tâm Inner Space TP.HCM, tôi chứng kiến nhiều câu chuyện về sự chuyển hóa, “nói không với chất độc” của các học viên.
|
Các học viên ở Trung tâm Inner Space TPHCM chia nhóm thảo luận và chia sẻ |
Có một cô gái 28 tuổi đến lớp trong buổi chiều tối. Nhỏ bé, lặng lẽ, nhưng giữa đám đông người lạ, cô không ngần ngại kể chuyện buồn của mình: “Người bạn trai mà tôi mong đợi kết hôn đã phản bội tôi. Tôi muốn tha thứ cho anh ta, để nhẹ lòng”.
Đó cũng là lý do cô đến để học cách “suy nghĩ hiệu quả”. Khi đã có mục tiêu cụ thể, cô học rất siêng năng, phấn chấn, tập trung và làm bài tập đầy đủ.
Đến cuối khóa học, cô bất ngờ giãi bày: “Tôi thay đổi mục đích rồi, tôi phải tha thứ cho tôi trước đã”. Thì ra, khi bị người yêu xa cách, cô tự nhốt mình trong bốn bức tường. Cô xây các bức tường đó bằng những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực: giận hờn, ghét, buồn, tuyệt vọng, cô cảm thấy mình “rớt giá” khi người yêu say đắm người khác.
Cô mất niềm tin vào đàn ông. Các bức tường càng lúc càng dày, khiến cô càng ngột ngạt, khó thở. Cô không thể làm việc, vui chơi. Người thân, bạn bè giúp cô, nhưng không ai phá nổi bức tường đó. Khi đã có kiến thức, chính cô tự phá bức tường đó bằng suy nghĩ tích cực, bằng tình yêu bản thân.
Cô buồn cười khi nhớ lại: một người có tâm trí bị “tù tội”, lại đòi tha thứ cho một kẻ nhởn nhơ bên ngoài. Khi phá tường và thoát ra, lần đầu tiên trong đời cô trải nghiệm được thế nào là tự do.
Một bà mẹ đến lớp trong tâm trạng nặng nề. Hai đứa con, một bị tai nạn giao thông, một bị viêm ruột thừa. Hai con tiêu tốn của bà một khoản tiền khá lớn, chưa kể công sức, sự lo lắng.
Chuyện xui vừa tạm qua, thì chồng bà thông báo: “Tôi nghỉ việc rồi”. Bà sốc. Ông thất nghiệp có nghĩa là từ đây bà phải lo kinh tế, phải chạy vạy kiếm tiền.
Bà tức tối đay nghiến: “Ông đi làm, thì cứ làm việc, người ta nói gì mặc kệ, bày đặt cãi sếp làm chi, để bị đuổi. Ông tự ái làm gì cho khổ vợ con…”. Ông nín lặng, bỏ về quê, hai tuần mới lên thành phố một lần. Bà buồn mất ăn, mất ngủ.
Đến lớp học “Sống không stress”, một lần chia sẻ hoàn cảnh của mình với bạn, bà nghe người bạn nói: “Ông xã chị chắc buồn lắm, khổ tâm lắm. Sao chị không rủ anh ấy cùng vào lớp này học”.
Câu nói của người bạn khiến bà suy nghĩ. Hóa ra, bà chỉ nghĩ đến những thiệt thòi của bản thân, mà quên cảm xúc của bạn đời.
Đúng! Chồng bà cũng buồn rầu lắm, cũng cần được nâng đỡ, trong khi bà lại trao thêm đau khổ cho ông. Bà thay đổi thái độ, cách nói năng với chồng, chồng bà cũng cởi mở trò chuyện với vợ.
Vợ chồng bàn chuyện làm ăn, mở một tiệm photocopy tại nhà, ông còn phụ vợ buôn bán. Bà nhận ra: thay đổi suy nghĩ rất quan trọng, suy nghĩ tích cực giúp bà dỡ bỏ gánh nặng.
Một người vợ trẻ vừa góa chồng, anh mất sau tai nạn giao thông. Nỗi đau ấy chị mang đến lớp “Quản lý nguồn sức mạnh” nhưng không muốn chia sẻ với ai. Đến buổi cuối, chị phát biểu: “Tôi không hề biết yêu quý bản thân cho đến khi tôi đến đây học. Tôi nghĩ chồng tôi không muốn tôi cứ khóc tiếc thương anh ấy, mà phải biết thương mình, biết chăm sóc mình để còn sức lo cho các con”.
Cũng trong lớp học này, tôi biết được câu chuyện của bà mẹ có con mất vì bệnh ung thư và đang nuôi cháu ngoại. Ai cũng ái ngại khi gặp bà vì sợ đụng vào nỗi đau quá lớn ấy, nhưng bà nói với mọi người: “Từ nay về sau, tôi chỉ vui thôi, bởi những gì buồn nhất, đau nhất đã trải qua rồi”.
|
Các học viên trong khóa “Sống đẹp” của Trung tâm Inner Space TPHCM |
Một người mẹ khác có con nghiện ma túy, đến thăm con nơi cai nghiện, đứa con nói: “Đời con xuống tận đáy rồi mẹ ơi”. Bà mẹ an ủi: “Xuống tận đáy rồi, thì không thể nào xuống hơn nữa. Bây giờ, chỉ cần con quẫy đạp là đời con trồi lên thôi”.
Cậu con ngạc nhiên, bởi bà mẹ xưa nay chỉ than khóc, nài nỉ con. Hết giờ thăm, cậu con hỏi mẹ: “Mẹ có đến thăm con nữa không?”. Bà mẹ ngạc nhiên đến nghẹn giọng, bởi những lần khác, bao giờ cậu con cũng nói: “Mẹ đừng đến đây nữa, thấy mẹ cứ khóc lóc, thê thảm quá đi”…
Bà chợt nhớ đến câu đã nghe nhiều trong lớp học tư duy tích cực: “Khi mình thay đổi, người khác cũng thay đổi”. Đứa con của bà bị nhiễm HIV, cuộc đời không còn dài lâu, nhưng mẹ con bà thấy con tim có niềm vui trở lại. Cậu con trai cứ nói với mẹ: “Mẹ phải sống vui thì con mới bớt day dứt vì đã làm khổ mẹ”.
Bà biết, trong nhiều món quà bà mang vào trường cho con, thì tâm trạng bình an, nhẹ nhàng của bà là món quà đứa con đón nhận hào hứng, cảm động nhất.
Không tạo ra thuốc độc cho mình, là cam kết của tôi và nhiều bạn bè học viên tại Trung tâm Inner Space TPHCM.
Trường Sơn