Không sửa luật, không tháo được “nút thắt” nhà ở xã hội

19/04/2022 - 16:25

PNO - Đó là ý kiến của các chuyên gia tại toạ đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân” do Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức sáng nay (19/4).

Ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, nguyên nhân thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư… Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó cơ bản đã giải quyết được những bất cập, hạn chế thời gian qua. 

“Hiện Bộ đã chỉ đạo rà soát quỹ đất, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, có những giải pháp để giảm chi phí, hạ giá thành cho người lao động. Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã khởi công các dự án nhà ở xã hội, các chủ đầu tư rất tích cực tham gia, có giải pháp hạ giá thành, có những chủ đầu tư đã đưa ra căn hộ với mức giá 7-11 triệu đồng/m2” – ông Sinh cho biết.

Cần
Theo các chuyên gia cần quyết liệt tháo gỡ để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết: “Chúng tôi xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu bằng nguồn tiền của mình, phải nói rất tâm huyết mới thực hiện được vì lợi nhuận rất thấp, nhưng thời gian thực hiện rất lâu, có dự án kéo dài đến 5 năm. Nên nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” chưa kể quy trình, thủ tục còn vướng mắc ở rất nhiều khâu”. 

Cũng theo ông Nghĩa, khi thực hiện nhà ở xã hội, điều công ty quan tâm là pháp lý phải nhanh nhất, thứ hai là ưu đãi cho nhà đầu tư và cuối cùng là người mua nhà khi xin hồ sơ mua nhà ở xã hội có bị khó khăn không. Nhưng hiện nay, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội bị vướng rất nhiều luật. Đơn cử, quy trình Luật đầu tư và Luật nhà ở trái ngược nhau khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, hiện nay doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội vướng nhiều quy định, thủ tục như: Thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án... Bộ xây dựng nên nghiên cứu đề xuất xây dựng quy trình phê duyệt nhà ở xã hội đơn giản hơn thành 3 bước: Chấp thuận đầu tư, duyệt quy hoạch 1/500 và cấp phép xây dựng.

Ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, để thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần tháo gỡ các vướng mắc gồm: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài do giá đất tăng cao, các dự án có khu đất trên 10 ha chủ đầu tư chưa triển khai nhà ở xã hội; quy định pháp luật về hoàn trả chi phí bồi thương chưa có hướng dẫn cụ thể; nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư vay chưa ổn định; quy định các dự án dành 20% căn hộ cho thuê làm ảnh hưởng việc thu hồi vốn và cuối cùng là các thủ tục pháp lý. Hiện TPHCM đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.

Đồng thời, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà từ Nghị quyết 11 của Chính phủ; rút ngắn các thủ tục hành chính; hỗ trợ vốn vay kích cầu để cho vay với thời hạn trên 10 năm; bố trí nguồn vốn để xây dựng hạ tầng đáp ứng cho các khu nhà đã xây dựng xong…

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ, vừa qua Bộ Xây dựng đã ghi nhận các khó khăn vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chúng tôi hy vọng 2 gói hỗ trợ trong Nghị quyết 11 của Chính phủ sẽ tạo cú hích cho thị trường. 

Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ và tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cần sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật thuế, Luật nhà ở, Luật kinh doanh... Đơn cử, hiện Luật Nhà ở cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh, nhưng Luật thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội. 

Đồng thời, trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Cụ thể xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiêm túc rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại; kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại từ đó tạo phong trào tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, tuy kết quả triển nhà ở xã hội cũng đáng ghi nhận nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Cụ thể, hiện trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn). Theo Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TP có 34 dự án, nếu xây dựng được sẽ có trên 70.000 căn nhà ở xã hội.

Bích Trần

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI