|
Quy định ngừng sử dụng điều dưỡng có trình độ trung cấp thật khó thuyết phục (Ảnh: điều dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đang ân cần chăm sóc bệnh nhân) |
16 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tại TP. HCM đào tạo nhóm ngành khoa học sức khoẻ đã đồng lòng kí đơn kiến nghị tạm dừng thi hành thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc ngừng sử dụng điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y trình độ TC, vì ngay sau khi thông tư ban hành, các trường đã không thể tuyển sinh, nhiều học viên (HV) đang học hoang mang lo lắng.
Học viên đòi nghỉ học, trường đứng trước nguy cơ phá sản
Cả nước hiện có 80 trường TC có đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Riêng TP.HCM có 26 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đào tạo nhóm ngành này, trong đó có 16 trường TCCN. Tính đến hết học kỳ I năm học 2015-2016, có hơn 14.000 HV đang theo học nhóm ngành y tế trong các trường TCCN tại TP.HCM. Cuộc “đánh úp” bất ngờ của Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã khiến hàng loạt trường và HV điêu đứng.
Thông tư này quy định: Từ ngày 1/1/2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp cao đẳng (CĐ) chuyên ngành điều dưỡng; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng IV phải tốt nghiệp CĐ chuyên ngành hộ sinh; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp CĐ chuyên ngành kỹ thuật y. Điều này có nghĩa, từ năm 2018, các trường sẽ ngừng tuyển sinh vì từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ TC điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y học. Từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ TC trong toàn ngành y tế.
ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách Khoa TP.HCM cho biết: “Hai bộ ban hành thông tư một cách đột ngột mà không có bước định hướng chuẩn bị cho các trường, cũng không lấy ý kiến trước nên chúng tôi rất hoang mang. Người học vô cùng rối, kể cả các em đã tốt nghiệp cũng lo lắng sẽ không được tiếp tục làm việc. Nhiều phụ huynh, HV liên tục gọi điện cho chúng tôi thắc mắc, đòi nghỉ học”. BS Lê Thị Hồng Hoa, Chủ tịch HĐQT Trường TC y dược Lê Hữu Trác (Hà Nội) bức xúc: “Lệnh cấm của thông tư này kéo theo sự bất an cho nhân dân và các nhân viên y tế”. Trong công văn gửi Bộ GD-ĐT mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ: “Quy định này đã làm cho các trường TCCN trên địa bàn TP, giáo viên và HV đang theo học tại các trường TCCN có đào tạo nhóm ngành sức khỏe lo lắng, không yên tâm công tác, học tập”.
16 trường TCCN tại TP.HCM đã đề nghị tạm dừng thông tư, yêu cầu việc thực hiện cần có lộ trình. Quy định này đã tác động đến thí sinh ngay từ mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị khi mở ngành sức khỏe, giờ đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không thể tuyển sinh. Điều này đi ngược lại cả hai chủ trương xã hội hóa giáo dục và kêu gọi đầu tư vào dạy nghề, đào tạo TC. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra phải có chủ trương, có kế hoạch nâng cấp các trường TC, nghiên cứu xem xét để thống nhất quy định về tên gọi bậc trình độ đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế… trước khi ban hành một chính sách ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người như vậy.
Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường TC Bến Thành dẫn chứng: “Khi duyệt mã ngành, bao giờ cũng có Bộ Y tế kết hợp với Sở GD-ĐT địa phương kiểm tra từ nguồn giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đến chương trình đào tạo. Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu điều kiện đào tạo. Ngay sau thông tư, nhiều HV phản ứng mạnh, lo lắng học xong sẽ không được cơ sở y tế nhận vào làm. Theo lộ trình tuyển sinh, khoảng 10 năm mới khấu hao đủ chi phí đầu tư, nhưng mới bốn năm đã có “lệnh cấm” này thì chúng tôi tổn thất rất lớn”.
|
HV ngành điều dưỡng, hộ sinh Trường TC Bách Khoa TP.HCM thao tác trên mô hình |
Chưa đến giờ “G”, nhưng Trường TC Bách Khoa TP.HCM đã thấy ngay hậu quả. Thời điểm này các năm trước, trường tuyển khoảng 250 chỉ tiêu cho các ngành y tế, nhưng năm nay “tuyển không ra”. Chưa hết, 35% HV đang theo học đã bỏ ngang. Theo ông Sáng, với đà này, nhiều giáo viên của trường cũng sẽ mất việc vì không còn người học, 12 phòng thực hành nhóm ngành này sẽ bỏ không.
Nhật, Đức trọng dụng nhưng trong nước "chê"
Theo ông Lương Quang Ngọc, ở các nước ASEAN khác, chương trình đào tạo CĐ của họ cũng chỉ hai năm. Mới đây, phía Nhật đã chọn một số HV của trường sang Nhật làm điều dưỡng. Vấn đề HV của trường đang vướng là trình độ tiếng Nhật chứ không phải chuyên môn. Cũng từ năm 2015, Trường TC kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn đã thực hiện thí điểm đào tạo tiếng Đức cho 30 HV ngành điều dưỡng sang CHLB Đức làm việc. Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng trường cho biết: “Sau khi học xong chương trình TC điều dưỡng, học viên sẽ sang Đức làm việc ở các viện dưỡng lão, cơ sở y tế. Tuy nhiên, muốn được xác định năng lực để đi làm ở Đức cần có thêm hai điều kiện là tiếng Đức đạt chuẩn B2 và thực tập giống tu nghiệp sinh ở nước này một năm”.
Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Trường TC Bách Khoa Sài Gòn đặt vấn đề tuyển hộ sinh, hộ lý sang Nhật làm việc. Điều kiện sang nước này làm việc là sau khi có bằng TC và bằng tiếng Nhật, HV sang Nhật thực hành 6-12 tháng và đăng ký thi chứng chỉ tay nghề. Trường đã chuẩn bị mọi thủ tục cũng như nâng cao chất lượng để đến tháng Bảy này Quốc hội thông qua Luật Xúc tiến nhân sự nguồn lao động Việt Nam sang Nhật làm việc sẽ tiến hành tuyển sinh theo đơn đặt hàng này. Thế nhưng, nếu năm 2018 các trường TC buộc phải ngừng tuyển sinh hệ TC y dược thì công sức của trường coi như mất trắng. Ở Trường TC Bách Khoa TP.HCM cũng đã có 40 học viên ngành điều dưỡng sang Đức học tập và làm việc. Hiện Nghiệp đoàn điều dưỡng Nhật đã ứng tiền để HV ngành điều dưỡng của trường được học tiếng Nhật, đồng thời lo chỗ ở miễn phí, hỗ trợ tiền ăn cho HV…
Theo đại diện nhiều trường TC, nếu lấy lý do chất lượng để ngừng sử dụng nhân viên y tế trình độ TC trong các cơ sở y tế công lập thì khó thuyết phục bởi các thị trường khó tính như Nhật, Đức và một số nước châu Âu vẫn sử dụng “sản phẩm” đào tạo của các trường TC Việt Nam. Điều Bộ cần quản là chất lượng đào tạo chứ không phải “nói không” một cách cứng nhắc. Nói như BS Lê Thị Hồng Hoa thì “chúng ta đừng nên làm khác những điều thế giới đang làm”.
Thực tế, trong ngành y dược có rất nhiều vị trí công tác chỉ cần trình độ TC, thậm chí sơ cấp, không nhất thiết phải là cử nhân, bác sĩ. Việc gấp gáp chuẩn hóa như thông tư nêu trên là nặng tính hình thức và gây lãng phí xã hội về lao động.
Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra ba đề xuất đối với Bộ GD-ĐT khi thực hiện quy định này: Thứ nhất, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thông tin rõ về quy hoạch nguồn nhân lực phân bổ theo địa phương và theo trình độ đào tạo nhóm ngành sức khỏe từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm giúp các trường chuyên nghiệp có thông tin để đào tạo nhóm ngành sức khỏe đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Thứ hai, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn và định hướng phát triển lâu dài cho các trường TCCN có đào tạo nhóm ngành sức khỏe, đặc biệt cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện đề án nâng cấp các trường TCCN thành trường CĐ, thời gian đào tạo trình độ CĐ theo niên chế thực hiện từ hai-ba năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT (theo điều 33, Luật Giáo dục nghề nghiệp). Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch liên thông lên CĐ cho tất cả HV đã tốt nghiệp TCCN thuộc nhóm ngành sức khỏe, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về chức danh nghề nghiệp của các ngành quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV. |
Tiêu Hà